Bảo tồn, cứu hộ động vật hoang dã: Cần quan tâm đúng mức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hàng năm, Trung tâm Cứu hộ-Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh) tiếp nhận hàng chục cá thể động vật quý hiếm để nuôi dưỡng, bảo tồn, sau đó thả về môi trường tự nhiên. Đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần gìn giữ đa dạng sinh học, bảo tồn các loài động vật quý hiếm. Tuy vậy, việc đầu tư cho công tác này hiện chưa được chú trọng đúng mức.
Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Cứu hộ-Bảo tồn và Phát triển sinh vật đã tiếp nhận 27 đợt bàn giao với 242 cá thể động vật, trong đó có nhiều loài thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm như: tê tê vàng, kỳ đà vân, voọc chà vá chân đen, voọc chà vá chân xám...
Ông Trần Văn Thụ-Phó Giám đốc Trung tâm-cho biết: Công tác bảo tồn động vật quý hiếm tại Trung tâm còn gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn nguồn động vật cứu hộ được đưa về bàn giao cho Trung tâm là tang vật của các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Quá trình phát hiện, thu giữ, xử lý thường mất một khoảng thời gian nên khi bàn giao cho Trung tâm, động vật suy yếu là điều khó tránh khỏi. Trong khi đó, bác sĩ thú y của Trung tâm được đào tạo về kỹ thuật chăm sóc, điều trị trên các loài vật nuôi thông thường chứ chưa ai được đào tạo, nắm kiến thức chuyên sâu về chăm sóc, phục hồi đối với các loài thú rừng. Có những đợt tiếp nhận động vật cứu hộ chuyển tới, nhiều cá thể bị chết, buộc phải tiêu hủy. Chưa kể, nhiều loài động vật sau khi cứu hộ đã phục hồi nhưng mất đi bản năng tự nhiên (do bị nuôi nhốt quá lâu hoặc được nuôi từ nhỏ) nên quá trình chăm sóc để tập làm quen môi trường hoang dã cần thời gian khá lâu, rất tốn kém chi phí. 
Khu vực nuôi nhốt, phục hồi động vật cứu hộ thuộc Trung tâm Cứu hộ-Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh) được đầu tư khá sơ sài. Ảnh: L.H
Khu vực nuôi nhốt, phục hồi động vật cứu hộ thuộc Trung tâm Cứu hộ-Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh) được đầu tư khá sơ sài. Ảnh: L.H
Ngoài ra, ông Ngô Văn Thắng-Phó Giám đốc phụ trách Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-thông tin: “Thực tế, đơn vị chưa được phân bổ nguồn kinh phí dành riêng cho công tác cứu hộ động vật. Để đảm bảo có đầy đủ thuốc, thức ăn, chi phí nhân công chăm sóc…, đơn vị đã phải trích một phần trong kinh phí chi thường xuyên để chi trả”.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất dành cho việc nuôi dưỡng, phục hồi động vật được đầu tư khá sơ sài, bao gồm 4 khu chuồng nuôi nhốt dành cho một số loại: nhím, heo rừng, hươu, nai, voọc, khỉ…, mỗi khu chừng 200 m2. “Khi bắt hoặc thả các cá thể động vật cứu hộ, có loài lành tính, có loài hung dữ và dễ tấn công con người. Vậy nhưng, ngoài những bao, rọ nhốt động vật thông thường, chúng tôi chưa được trang bị dụng cụ, công cụ hỗ trợ khi cần thiết”-ông Thụ chia sẻ thêm.
Bên cạnh khó khăn trong công tác cứu hộ động vật, hiện nay, công tác bảo tồn các loài động vật trong phạm vi Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cũng gặp không ít thách thức. Theo ông Thắng, hiện Vườn có hàng chục loài chim, bò sát, lưỡng cư nằm trong Sách đỏ Việt Nam (năm 2007) và Sách đỏ IUCN (2016). 
Việc bảo vệ các loài chim, thú khỏi nguy cơ bị người dân sinh sống tại các khu vực lân cận săn bắn là điều không hề dễ dàng, nhất là với một địa bàn rộng đến gần 42.000 ha và trải rộng khắp 3 huyện: Đak Đoa, Mang Yang và Kbang. “Để ngăn chặn người dân lén vào Vườn săn bắn trái phép, những năm qua, chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân các khu vực giáp ranh cùng chung tay bảo vệ nguồn động-thực vật, giữ gìn đa dạng sinh học. Đặc biệt, chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng với việc xây dựng đội ngũ người dân cùng giữ rừng đã và đang tạo ra hiệu ứng tích cực trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học. Họ là “tai mắt” của lực lượng quản lý, đồng thời tạo “lá chắn xanh” trong cộng đồng vùng gần rừng để bọc lót, bảo vệ cho Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh”-ông Thắng chia sẻ.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm