Phóng sự - Ký sự

Bảo tồn nhãn cung đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhãn cung đình vốn là một trong những loại quả tiến vua trước kia, hiện được trồng và bảo vệ cẩn thận trong các khu di tích, nhà vườn và trên nhiều tuyến đường ở tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Du khách tham quan Đại nội Huế (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) thường chọn chỗ nghỉ chân dưới bóng mát những gốc nhãn cổ thụ. Với diện tích 5,2 km2, Hoàng thành Huế hiện còn hơn 400 nhãn cổ thụ, trong đó nhiều cây tuổi đời vài trăm năm, được trồng dọc đường đi, khuôn viên Phủ Nội vụ, Triệu miếu, điện Phụng Tiên...

Giống cây đặc sản

Ông Lê Công Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết không chỉ Đại nội, ở các lăng vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cũng trồng rất nhiều nhãn. Thống kê cho thấy toàn bộ quần thể di tích cố đô Huế có đến hơn 700 cây nhãn, trong đó chỉ khoảng 100 cây là trồng mới.

"Nhãn đã có mặt ở các điểm di tích từ khá lâu. Dưới triều Nguyễn, các vua rất chuộng nhóm cây đa dụng, nhất là cây ăn quả, tạo bóng mát và cho gỗ. Vì vậy, các điểm di tích tồn tại rất nhiều nhãn, vải, mít... Đây đều là những giống cây đặc sản của các vùng miền dâng tiến, sau đó được ươm trồng, nhân rộng ra các khu vực di tích" - ông Sơn giải thích.

Theo ông Sơn, việc chăm sóc, bảo vệ nhãn cung đình tại các di tích do Phòng Cảnh quan môi trường đảm nhận. Hằng ngày, nhân viên phòng này thực hiện việc cắt tỉa, mé cành, cắt thấp tán, khống chế chiều cao, xử lý cây sâu bệnh…

Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã có phương án nhân giống nhãn cung đình để trồng ở một số trục đường, khu vực điện thờ…, vừa tạo cảnh quan, bóng mát vừa lưu giữ giống quý này. Ngoài ra, tiến đến nhân giống để người dân có thể trồng, tạo nên một sản phẩm đặc trưng của vùng đất cố đô.

Trong câu ca dao: "Vải trạng cung Diên/ Nhãn lồng Phụng Tiên/ Đào tiên Thế miếu…", nhãn cung đình là một trong các loại quả trứ danh được nhắc đến. Theo các bậc cao niên ở Huế, có thể nhãn ở Hoàng cung được gây giống từ nhãn Hưng Yên tiến vua. Dưới triều Minh Mạng thứ 11, người dân Hưng Yên đã chọn những quả nhãn thơm ngon đưa vào Kinh đô Huế dâng tiến.

Nhãn ở Đại nội Huế thường ra hoa vào tháng 3-4 và cho quả vào tháng 6-7. Đại nội cũng chính là khu vực sở hữu nhiều cây nhãn lớn nhất, lâu đời và ngon nhất Huế.

Một chủ thầu cây ăn trái ở Huế cho hay cha ông từng bỏ ra gần 1,5 lượng vàng mua đệm cói để đấu thầu lồng 3 tấn quả nhãn ở Đại nội những năm 1980. Theo ông Hồ Xuân Đài - chủ nhà vườn ở phường Thủy Biều, TP Huế - gia đình ông từng đón dân buôn ngoại tỉnh đến ở trọ, dựng lò sấy nhãn Đại nội để đưa đi tiêu thụ.

Khu vực Đại nội Huế còn hơn 400 nhãn cổ thụ

Khu vực Đại nội Huế còn hơn 400 nhãn cổ thụ

Một gốc nhãn cổ thụ trên đường Nguyễn Biểu, TP Huế.

Một gốc nhãn cổ thụ trên đường Nguyễn Biểu, TP Huế.

Cảnh quan đặc trưng

Không những tại các điểm di tích, trên nhiều tuyến giao thông, khu vực gần Đại nội Huế như đường Đinh Tiên Hoàng, Đinh Công Tráng, công viên Nguyễn Văn Trỗi… cũng có rất nhiều nhãn cổ thụ, gốc cây 2 người ôm không xuể, góp phần tạo nên cảnh quan đặc trưng ở TP Huế.

Vào mùa nhãn cung đình cho quả, người dân Huế và du khách lại được dịp thưởng thức đặc sản này. Anh Hoàng Văn Lưỡng - một người dân ở Huế thường hái nhãn dọc các tuyến phố để bán cho tiểu thương - cho biết: "Nhãn ở đây rất nhiều quả, phát triển tự nhiên, không phun thuốc nên rất sạch. Nhãn Huế quả nhỏ, cơm mỏng nhưng vị ngọt và thanh".

Theo ông Đặng Ngọc Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Cây xanh TP Huế, trước đây, nhãn thường được triều đình đưa giống từ trong cung ra trồng bên ngoài. Nhãn Huế có đặc điểm là cách 1-2 năm mới cho quả một lần. "Nhãn Huế nếu được lồng thì cho quả to hơn, ngon hơn" - ông khẳng định.

Kim Long - một phường ở phía Tây Hoàng thành Huế, sát bên bờ sông Hương - hiện còn khá nhiều nhãn cổ thụ tại các phủ đệ, nhà vườn. Tại kiệt 42 đường Phú Mộng, phường Kim Long, hầu như nhà nào cũng có vài gốc nhãn cổ thụ. Đến mùa nhãn chín, quả vàng ươm như nhuộm kín các khu vườn.

Cứ mỗi lần nhãn chín, gia đình ông Huỳnh Viết Cẩn ở phường Kim Long lại gọi tiểu thương đến bán. Ông Cẩn nhớ lại thời thơ ấu, ông thường cùng cả nhà rộn ràng mua mo cau, thang tre để lồng quả nhãn khi đến mùa.

"Có lẽ do nhãn được lồng thành từng chùm, quả được ánh nắng mùa hè chiếu rọi nên to hơn, cơm dày và ngọt nước hơn. Bây giờ, khi người trẻ bận rộn, người già không đủ sức, cây nhãn ngày càng cao nên hiếm gia đình nào lồng quả nữa" - ông Cẩn tiếc rẻ.

Ông Mai Khắc Tăng, ngụ phường Kim Long, kể rằng lúc 10 tuổi, ông đã theo cha học nghề lồng quả nhãn và phụ việc. Đến mùa thu hoạch nhãn, gia đình ông đi khắp khu vực Kim Long, Thủy Biều để thu mua.

Theo ông Tăng, từ lâu rồi, người dân không còn về vùng Mỹ Lợi, huyện Phú Vang để mua mo cau về lồng quả nhãn nữa. Có lẽ do không được lồng nên nhãn Huế bây giờ cho quả nhỏ, không ngon ngọt bằng ngày xưa. Điều đó ít nhiều làm giảm đi giá trị của loại quả đặc sản này.

Khôi phục hệ thống cây xanh

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết nhiều cây xanh ở khu vực Đại nội đang trong tình trạng mục rỗng. Hằng năm, vài chục cổ thụ ở đây cần đốn hạ. Hệ thống cây xanh ở các di tích ngày càng có xu hướng giảm đi, không chỉ do già cỗi mà còn vì bão lũ.

Vì vậy, việc khôi phục hệ thống cây xanh ở các di tích là hết sức cần thiết nhằm bảo tồn không gian văn hóa của TP Huế và lưu giữ những nét đẹp cổ kính.

Có thể bạn quan tâm