Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Bảo tồn, phát huy nghề đan lát truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đan lát là một trong những nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời ở Tây Nguyên. Công việc đan lát thường diễn ra trong những ngày nông nhàn và thường do những người đàn ông đảm nhận.

Trải qua quá trình lao động cần cù, sáng tạo, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã biến nguồn nguyên liệu khai thác từ thiên nhiên thành những sản phẩm mang nét đặc trưng của văn hóa tộc người, phục vụ nhu cầu đời sống.

Một nghệ nhân đang thực hiện công việc đan lát. Ảnh: T.L

Theo phong tục của đồng bào Tây Nguyên, công việc đan lát thường diễn ra trong những ngày nông nhàn và thường do những người đàn ông đảm nhận. Nguyên liệu dùng để đan lát được lấy từ rừng về như mây, tre, nứa, lồ ô… đan thành những chiếc gùi hoặc rổ, rá, nong, nia… để trao đổi, mua bán và sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Để giữ gìn và bảo tồn nghề truyền thống, các thanh niên khi đến tuổi trưởng thành được cha ông truyền dạy nghề, từ việc vào rừng chọn nguồn nguyên liệu đến kỹ thuật đan lát để tạo ra những sản phẩm mang lại giá trị cao trong cuộc sống.

Sản phẩm được bà con đan nhiều nhất chính là những chiếc gùi. Chiếc đan thưa dùng để gùi nước, gùi củi hoặc đựng rau, mì, bắp...; gùi đan dày dùng để đựng lúa, gạo, củ quả; gùi có nắp dùng để đựng quần áo, lương thực, thực phẩm hoặc những tài sản có giá trị của gia đình. Các loại sản phẩm gia dụng khác như nong, nia, sàng, rổ, rá, thúng, mẹt… được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.

Ngoài ra, bà con cũng tạo ra các dụng cụ để đánh bắt cá, tôm… như các loại lờ, nơm, vó, bè; các dụng cụ dùng để săn bắt, hái lượm như: bẫy chim, bẫy gà, giỏ đeo và những sản phẩm phục vụ các nghi lễ tín ngưỡng sinh hoạt tinh thần của người dân.

Các sản phẩm này được hoàn thành nhanh hay chậm tùy theo từng loại với kiểu đan và cách tạo hoa văn trên từng sản phẩm. Chiếc gùi thưa, đơn giản thường được đan trong 3-4 ngày. Chiếc gùi lớn với các lớp nan dày, trang trí hoa văn cầu kỳ, phức tạp, người đan cần 7-8 ngày hoặc cả tháng mới xong 1 sản phẩm. Các loại rổ rá thông thường chỉ đan trong 1-3 ngày.

Tuy nhiên, để có những sản phẩm đẹp, tạo hình truyền thống và trang trí hoa văn trên bề mặt sản phẩm cũng cần 4-6 ngày hoặc cả tuần cho từng sản phẩm.

Sản phẩm đan lát phục vụ khách du lịch. Ảnh: T.L

Kỹ thuật đan và tạo hoa văn trên sản phẩm là công đoạn khó nhất trong nghề thủ công đan lát truyền thống ở Tây Nguyên. Từ các họa tiết thông thường như hình vuông, hình thoi, hình sóng nước, hình xương cá, đến các họa tiết phức tạp như hình ngôi sao 4 hoặc 8 cánh, hình hoa, hình chim, thú… Các họa tiết này vừa mang tính chất trang trí, vừa làm tăng thêm giá trị và thẩm mỹ cho sản phẩm.

Để có màu sắc đa dạng, người đan phải trải qua công đoạn nhuộm màu cho tre nứa. Họ thường vào rừng tìm những loại cây, củ, quả có màu đen, đỏ, vàng, nâu… về nhuộm cho sản phẩm. Màu sắc được tạo ra bởi các loại vỏ cây hoặc lá của các loại cây rừng cạo nhỏ, vò nát nấu với nước để ngâm hoặc quét lên nguyên liệu, sau đó đem hong lên dàn bếp để tạo độ bóng và độ bền cho sản phẩm.

Cách tạo màu sắc và họa tiết hoa văn của người Tây Nguyên thể hiện rõ nhân sinh quan của họ. Hoa văn hình vuông là biểu tượng của 4 phương trời với 4 mùa xanh tốt. Hoa văn hình thoi thể hiện hình dáng của các loại hoa quả cây rừng. Hoa văn hình hoa thể hiện nét đẹp của cỏ cây, hoa lá… Các họa tiết hoa văn được tạo hình trên các màu sắc chủ đạo đen, đỏ, vàng.

Màu đen tượng trưng cho đất, nơi mà những người con Tây Nguyên được sinh ra, lớn lên và tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Màu đỏ là hình ảnh của lửa, biểu tượng của sức mạnh, của niềm đam mê cháy bỏng luôn nung nấu trong huyết quản của người dân sinh sống trên núi rừng cao nguyên. Màu vàng là màu của mặt trời, của những ánh nắng chói chang chiếu rọi lên vạn vật, hình thành nên nguồn sống, sự sống và duy trì sự tồn tại của muôn loài cho đến ngày nay.

Ngoài các màu chủ đạo nói trên, còn có các màu xanh, trắng… tượng trưng cho màu sắc của trời, của thiên nhiên và sự hiện diện của cuộc sống muôn màu.

Hiện nay, cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên vẫn luôn ý thức giữ gìn, bảo tồn nghề truyền thống của cha ông. Trải qua bao biến thiên của cuộc sống, hiện nay, tại các buôn làng, những người già, trung niên vẫn tiếp tục truyền nghề cho lớp trẻ cũng như cho nữ giới để duy trì, phát triển nghề.

Qua đó, tạo ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu đời sống, tăng thêm nguồn thu nhập và sinh kế cho người dân, cho cộng đồng; đồng thời, sáng tạo những sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu và xu thế phát triển của xã hội, gần gũi với thiên nhiên và tôn trọng các giá trị bền vững với môi trường.

Có thể bạn quan tâm