Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Bảo vệ phát triển rừng là nhiệm vụ quan trọng của các cấp ủy, chính quyền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng ngày 14-10, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị. Tại đầu cầu Gia Lai có sự tham dự của các đồng chí: Phó Bí thư - Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên và đại diện các địa phương, sở, ban ngành chức năng liên quan.

Đầu cầu Gia Lai tham dự Hội nghị trực tuyến về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: Sơn Ca

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có báo cáo tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng từ khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về “các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020” và thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đến nay như sau: Theo kết quả tổng điều tra, kiểm kê, công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016, tổng diện tích có rừng là 14.377.682 ha, tăng 315.826 ha so với năm 2015.

Trong đó, bằng khoanh nuôi, tái sinh và các giải pháp bảo vệ rừng tự nhiên hiện có là 10.242.141 ha, tăng 66.621 ha; rừng trồng là 4.135.541 ha, tăng 249.203 ha so với năm 2015. Độ che phủ rừng đạt 41,19%, tăng 0,35% so với năm 2015.

Đáng chú ý, giá trị lâm nghiệp tăng bình quân 6,75%/năm trong giai đoạn 2013-2016, so với 5,03% trong giai đoạn 2010-2012. Sản lượng gỗ rừng trồng tăng hơn 3,3 lần; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng hơn 2 lần; dịch vụ môi trường rừng trở thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho chủ rừng và giảm áp lực chi ngân sách, hàng năm thu từ 1.200 -1.300 tỷ đồng, chi trả cho trên 5,4 triệu ha rừng, năm 2017 ước thu khoảng 1.650 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khu vực Tây Nguyên diện tích rừng tiếp tục giảm, với diện tích rừng hiện có 2.558.646 ha, giảm 3.170 ha so với năm 2015.

Trong đó, rừng tự nhiên 2.234.441 ha, giảm 11.473 ha; rừng trồng 324.205 ha, tăng 8.304 ha so với năm 2015. Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trong 9 tháng đầu năm, cả nước phát hiện 13.178 vụ vi phạm, giảm 3.439 vụ (21%), diện tích rừng bị thiệt hại 1.257 ha, giảm 3.078 ha (71%) so với cùng kỳ; đã xử lý hành chính 10.985 vụ, xử lý hình sự 263 vụ. Riêng khu vực Tây Nguyên, đã phát hiện 3.877 vụ vi phạm (giảm 10%); diện tích rừng bị thiệt hại là 444 ha, tăng 23 ha (5%) so với cùng kỳ, chiếm 53,7% tổng diện tích rừng bị thiệt hại trên toàn quốc.

Theo đánh giá từ Bộ, hơn một năm qua công tác ngăn ngừa, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật-nhất là đối với hành vi phá rừng trái phép đã được các cấp, ngành quan tâm hơn nên tình trạng vi phạm và số diện tích bị thiệt hại giảm, công tác quản lý bảo vệ rừng được chấn chỉnh từng bước. Mặc dù vậy, tình hình vi phạm đối với rừng tự nhiên còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là khu vực Tây nguyên và một số địa phương khu vực miền Trung, Điện Biên; một số vụ việc nghiêm trọng nhưng chậm bị phát hiện, xử lý ở các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Nghệ An, Bắc Kạn, Điện Biên...

Về thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, về cơ bản đã được các cấp, ngành nghiêm túc triển khai thực hiện. Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ các chủ rừng khi triển khai quyết định này tương đối thỏa đáng, tổng kinh phí đã giải quyết hỗ trợ trong 3 năm (2014-2016) là 199.111 triệu đồng. Việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp tại một số nơi chưa được quản lý chặt chẽ, thiếu cân nhắc đầy đủ, toàn diện nên hơn 5 năm (2012-2017), diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng tại các dự án được duyệt chiếm 89% tổng diện tích rừng giảm.

Liên quan đến chống chặt phá rừng trái pháp luật, tổng hợp báo cáo các địa phương cho thấy, giai đoạn 2012-2017, diện tích rừng thiệt hại do phá rừng trái pháp luật là 4.218 ha, chiếm 11% tổng diện tích rừng bị mất.

9 tháng đầu năm 2017, cả nước phát hiện 1.697 vụ phá rừng trái pháp luật, giảm 118 vụ (7%), diện tích rừng bị thiệt hại là 910 ha, giảm 394 ha (30%) so với cùng kỳ. Riêng khu vực Tây Nguyên, phát hiện 757 vụ, tăng 88 vụ (13%), diện tích rừng bị thiệt hại 418 ha, tăng 145 ha (53%) so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do chủ rừng buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời; chính quyền địa phương cơ sở không thực hiện hết vai trò trách nhiệm; một bộ phận kiểm lâm địa bàn năng lực, nghiệp vụ yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm; sự phối hợp giữa các cấp, ngành, lực lượng chức năng thiếu chặt chẽ...

Thảo luận tại Hội nghị, lãnh đạo một số bộ, ngành và các tỉnh Điện Biên, Nghệ An, Bình Phước, Quảng Nam, Quảng Ninh, Bình Định, Cà Mau, Lai Châu, Quảng Bình, Đak Lak, TP. Hồ Chí Minh; đã lần lượt báo cáo sơ bộ tình hình quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương.

Đồng thời có những đề xuất, kiến nghị liên quan đến thực trạng dân di cư tự do gắn với việc sắp xếp ổn định đời sống, giải quyết đất ở, đất sản xuất; tăng cường nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững theo Nghị quyết số 73/NQ-CP; sự cần thiết ban hành quy định cụ thể cải tạo, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng; đẩy mạnh công tác giao đất trồng rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng; cần có chính sách hỗ trợ để phát triển rừng dược liệu, hỗ trợ nâng cao đời sống, sinh kế của người dân sống vùng gần bìa rừng...

Sau khi nghe thêm ý kiến từ lãnh đạo các Bộ Quốc Phòng, Tài nguyên-Môi trường, Công an, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận: Bảo vệ phát triển rừng là nhiệm vụ quan trọng của các cấp ủy, chính quyền. Công tác này có nhiều chuyển biến rõ nét, có sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Kinh tế rừng là thế mạnh của nhiều địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại cần lưu ý, như diện tích rừng khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm, tình trạng phá rừng vẫn còn diễn ra; một số địa phương chuyển đổi mục đích rừng lớn nhưng không theo quy định của pháp luật.

Về phương hướng trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần quán triệt tinh thần bảo vệ và phát triển rừng là một giải pháp quan trọng, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng.

Tiếp tục thực hiện nghiêm đóng cửa rừng, không khai thác gỗ rừng tự nhiên. Kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo tinh thần Chỉ thị số 13-CT/TW; thực hiện nghiêm không cải tạo rừng nghèo, nghèo kiệt khi chưa có đánh giá, khảo nghiệm khoa học; không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển, không chuyển loại rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Nhiệm vụ của các địa phương là tiếp tục thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiểm điểm xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm. Tiếp tục giải quyết tình trạng di dân tự do, không để người dân phá rừng lấy đất sản xuất, đảm bảo cuộc sống của người dân sống trong và gần rừng, nhất là vùng đồng bào DTTS...

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm