Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Quyết liệt triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ ngay từ đầu năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 diễn ra sáng 5-1. Cùng chủ trì hội nghị có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch và Nguyễn Hữu Quế.

19/21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Tại hội nghị, các đại biểu đều bày tỏ sự phấn khởi trước những kết quả mà tỉnh đạt được trong năm 2022. Theo đó, mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất của UBND tỉnh với phương châm “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm, 1 kiên quyết không”, Gia Lai đã cơ bản thực hiện tốt công tác phòng-chống dịch và kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; 19/21 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra đạt và vượt so với kế hoạch.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa phấn khởi thông tin: Theo số liệu Tổng cục Thống kê ước tính sơ bộ lần 1, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2022 tăng 9,27% so với năm 2021. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp, trong đó, khu vực nông-lâm nghiệp, thủy sản chiếm 28,39%, công nghiệp-xây dựng chiếm 28,43%, dịch vụ chiếm 39,15%, thuế sản phẩm chiếm 4,02%. GRDP bình quân đầu người đạt 60,45 triệu đồng.

 Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Mộc Trà
Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Mộc Trà


Giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 33.823,3 tỷ đồng (tăng 6,67% so với năm 2021). Trong năm, toàn tỉnh gieo trồng 562.759 ha cây trồng các loại (tăng 2,77%); chuyển đổi 614,45 ha đất lúa và 2.330 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với nhu cầu thị trường. Toàn tỉnh hiện có trên 227.176 ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO (chiếm 40,9% tổng diện tích gieo trồng); khoảng 231.000 ha cây trồng thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; trên 37.592 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; đã được cấp 94 mã số vùng trồng và 22 mã số cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Úc, New Zealand, Hoa Kỳ… Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh theo hướng trang trại, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, quy trình nuôi dưỡng. Đến nay, toàn tỉnh có 200 dự án chăn nuôi được các nhà đầu tư quan tâm với tổng vốn đầu tư hơn 33.983 tỷ đồng.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh hiện có 3 đơn vị cấp huyện, 91 xã và 118 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 104 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số); bình quân đạt 16,06 tiêu chí nông thôn mới/xã. Toàn tỉnh có 214 sản phẩm OCOP được công nhận (25 sản phẩm 4 sao và 189 sản phẩm 3 sao).

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, phát triển; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 18,1% so với năm 2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 89.643 tỷ đồng (tăng 19,05%). Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 660 triệu USD (tăng 8,2%). Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 40.000 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch); công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản được tỉnh chỉ đạo quyết liệt. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt 5.604 tỷ đồng (đạt 103,5% dự toán Trung ương giao, đạt 96,2% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 71,2% so với năm 2021).

Trong năm, toàn tỉnh có 960 doanh nghiệp và 48 hợp tác xã thành lập mới. Đến nay, toàn tỉnh có 8.595 doanh nghiệp và 388 hợp tác xã đang hoạt động. Công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh. Dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát; du lịch tiếp tục khởi sắc.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh. Ảnh: Mộc Trà
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh. Ảnh: Mộc Trà


Ngoài ra, các lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Tỉnh đã tổ chức thành công Tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm Ngày thành lập tỉnh, lễ kỷ niệm 230 năm Ngày giỗ Hoàng đế Quang Trung và lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo… Tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Tập trung triển khai nhiệm vụ năm 2023

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2022. Trên cơ sở đó, nhiều giải pháp “gỡ khó” được đề ra nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, kế hoạch năm 2023.

Đối với 2 chỉ tiêu chính (thu ngân sách và tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế) và 2 chỉ tiêu phụ (số huyện đạt chuẩn nông thôn mới và số giường bệnh/vạn dân) không đạt Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra năm 2022, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan đều cho rằng, nguyên nhân là do các dự án giao đất, đấu giá đất có thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh chưa triển khai được nên số thu tiền sử dụng đất chưa đảm bảo so với dự toán được giao (dự kiến tiền sử dụng đất của ngân sách tỉnh là 95 tỷ đồng, đạt 11,2%; hụt thu ngân sách 751 tỷ đồng); tiêu chí về quy hoạch xây dựng vùng huyện chưa được triển khai thực hiện nên ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng nông thôn mới; ảnh hưởng của Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ dẫn đến khó bao phủ bảo hiểm y tế theo đúng lộ trình… Ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-cho hay: Sau khi có Quyết định số 861/QĐ-TTg, qua rà soát, toàn huyện hụt khoảng 2.600 thẻ bảo hiểm y tế so với trước đó. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương đã cùng vào cuộc, chỉ đạo đẩy mạnh khai thác các đối tượng như: học sinh, hộ gia đình, các hộ nông-lâm nghiệp có thu nhập trung bình… để bổ sung vào số thiếu hụt. Nhờ đó, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện cơ bản đảm bảo.

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Bá Thạch phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mộc Trà
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Bá Thạch phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mộc Trà


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị các ngành, địa phương nâng cao trách nhiệm, tiếp tục rà soát những nhiệm vụ chưa hoàn thành của năm 2022 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đồng thời, cần dự báo tình hình năm 2023 và tập trung tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2023 ngay từ đầu năm bởi đây là năm “bản lề” thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025).

Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trong năm 2022 được tỉnh chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện, giải ngân vẫn chậm. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế đề nghị các chủ đầu tư tập trung lập dự án để phê duyệt, kịp thời giao vốn triển khai trong năm 2023. Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan phải khắc phục khuyết điểm đã chỉ ra, quyết tâm thực hiện giải ngân vốn xây dựng cơ bản đảm bảo đúng tiến độ trong năm mới.

Tai nạn giao thông cũng là vấn đề “nóng” được quan tâm tại hội nghị. Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 337 vụ tai nạn giao thông, làm 242 người chết, 265 người bị thương (tăng 10,13% số vụ, tăng 15,79% số người chết, tăng 3,92% số người bị thương so với năm 2021). Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa Nguyễn Trường Sơn thông tin: “Trong năm, trên địa bàn thị xã xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5 người. Thị xã đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kéo giảm tai nạn giao thông, trong đó có việc phối hợp với Sở Giao thông-Vận tải khắc phục, xử lý 3 “điểm đen” trên quốc lộ 25. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là dù đã đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng nhưng ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của một bộ phận người dân, nhất là người dân tộc thiểu số còn hạn chế”.

Liên quan đến công tác phòng-chống dịch, Phó Giám đốc Sở Y tế Lý Minh Thái cho rằng, hiện nay, dù trong điều kiện bình thường mới nhưng dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, các ngành, địa phương và người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không được chủ quan, lơ là bởi nguy cơ bùng phát dịch trở lại là rất cao khi vi rút có biến thể mới, tỷ lệ bảo vệ của vắc xin bắt đầu giảm, các dịch bệnh thông thường gia tăng dễ xảy ra dịch chồng dịch. “Ngành Y tế vừa tiếp nhận thêm vắc xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, hiện nay, chúng tôi đang gặp khó trong công tác vận động người dân đi tiêm chủng. Rất mong lãnh đạo tỉnh và các địa phương vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt vấn đề này để ngành Y tế có thể đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng theo kế hoạch, tránh lãng phí vắc xin”-Phó Giám đốc Sở Y tế đề nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu; chủ động khắc phục những hạn chế, tiếp tục đổi mới, chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023. Trong đó, tập trung siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính và thực hiện đúng quy chế làm việc; tiếp tục giữ vững sự đoàn kết, thống nhất cao trong chỉ đạo, điều hành; tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi để phát huy kết quả đã đạt được cũng như khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trong năm 2023 phải đề cao tính kỷ luật, kỷ cương, có biện pháp xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp chậm triển khai, giải ngân các nguồn vốn; phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn giao. Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh cần có giải pháp triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đảm bảo đạt và vượt dự toán HĐND tỉnh giao; đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống thất thu, nợ đọng thuế. Hoàn thành, công bố và triển khai quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; sớm thực hiện, trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2023, các quy hoạch về xây dựng. Giữ vững an ninh chính trị, an ninh biên giới, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; giảm thiểu tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí. Ngoài ra, các ngành, các địa phương tập trung triển khai các hoạt động chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ người dân vui xuân, đón Tết Quý Mão lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, phấn khởi.

 

 MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm