Bảo vệ quyền tác nghiệp báo chí cho đội ngũ người làm báo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hội Nhà Báo tỉnh Gia Lai vừa phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED Communicatinon) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức tập huấn các quy định pháp luật về bảo vệ quyền tác nghiệp báo chí cho đội ngũ người làm báo trên địa bàn tỉnh. Nhân dịp này, P.V Báo Gia Lai vừa có cuộc trao đổi với ông Trần Nhật Minh, Giám đốc Trung tâm, xin giới thiệu cùng bạn đọc.
 

Ông Trần Nhật Minh. Ảnh: Thanh Nhật
Ông Trần Nhật Minh. Ảnh: Thanh Nhật

-P.V: Xin ông cho biết hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển trong việc khảo sát vấn đề bảo vệ quyền tác nghiệp báo chí?

Ông Trần Nhật Minh: Trước thực tế những năm qua diễn ra không ít các vụ hành hung và cản trở báo chí tác nghiệp, Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển thấy rằng đây là vấn đề cần phải sớm được nghiên cứu, đánh giá thực trạng và tìm ra nguyên nhân, đề ra các biện pháp để thực hiện công tác bảo vệ quyền tác nghiệp báo chí (QTNBC), nhằm cải thiện môi trường và hỗ trợ cho lực lượng báo chí làm việc hiệu quả.

Hoạt động nói trên đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn.

Chúng tôi đã lập báo cáo kết quả khảo sát online trên 6 tờ báo điện tử và phỏng vấn trực tiếp với câu hỏi “Theo bạn, như thế nào thì được gọi là hành vi cản trở báo chí tác nghiệp”. Qua tổng hợp ý kiến mang tính định tính và định lượng với 384 phóng viên, nhà báo đang tác nghiệp trên toàn quốc, đã nhận diện có 12 nhóm hành vi cản trở QTNBC gồm: Né tránh cung cấp thông tin và gây khó dễ, mua chuộc, gián tiếp ngăn chặn hoạt động tác nghiệp, thu giữ phương tiện tác nghiệp, phá hoại và tiêu huỷ phương tiện tác nghiệp, đe doạ và giữ người, bôi nhọ và vu khống, tấn công và gây thương tích, trả thù, quấy rối tình dục.

Điều đáng nói là hành vi né tránh cung cấp thông tin và gây khó dễ diễn ra nhiều nhất-chiếm 47,66% (183/384 phóng viên nhà báo được khảo sát). Đây là hành vi cản trở QTNBC đa dạng và tinh vi, người làm báo và cơ quan báo chí không thể dùng điều luật hay quy định nào về cung cấp thông tin để gây sức ép.

Theo thống kê tại thời điểm từ tháng 1-2010 đến tháng 10-2011, toàn quốc có trên 10 vụ việc cản trở QTNBC của các nhà báo tác nghiệp đã được báo chí phản ánh, 7 vụ nhằm vào các nạn nhân là người hoạt động báo chí nhưng chưa được cấp thẻ nhà báo. Đặc biệt, có những vụ cản trở với tính chất nghiêm trọng khiến nhiều nhà báo bị tổn thương sức khỏe, đe doạ tính mạng.

Mặc dù pháp luật quy định rất rõ không được cản trở báo chí khi hoạt động nghề nghiệp, nhưng trên thực tế vẫn diễn ra rất nhiều vụ nhà báo bị tấn công, gây bức xúc trong dư luận. Cơ quan chức năng có xử phạt hành chính một số vụ cản trở nhà báo tác nghiệp, nhưng mức độ xử lý chưa thỏa đáng và chưa đủ sức cảnh báo, răn đe.

-P.V: Thưa ông, công tác thông tin tuyên truyền bảo vệ QTNBC đã được Trung tâm triển khai trong thời gian qua như thế nào?

Ông Trần Nhật Minh: Quá trình đi nghiên cứu, chúng tôi đã chọn tỉnh Đak Lak để hợp tác xây dựng mô hình điểm về bảo vệ QTNBC, trước hết là xây dựng các văn bản hướng dẫn và xử lý hành vi cản trở QTNBC. Kết quả thực tế, chúng tôi đã xây dựng thành công bộ hướng dẫn cho phóng viên nhà báo nắm vững về QTNBC, đồng thời đã tuyên truyền bộ hướng dẫn này, cùng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, qua đó chia sẻ với anh chị em nhà báo cách ứng phó của bản thân trong việc bảo vệ QTNBC.

Quá trình tuyên truyền ở các địa phương khác trong cả nước tập trung tại 5 điểm cụm tỉnh thành phố là Yên Bái, Hải Phòng, Quảng Bình, Khánh Hòa, Cần Thơ, đã thu hút cán bộ các ngành chức năng của hơn 20 tỉnh thành lân cận tham dự. Riêng tại tỉnh Đak Lak, ngoài việc tập huấn cho các nhà báo, chúng tôi còn tập huấn cho các cán bộ chức năng có trách nhiệm bảo vệ các nhà báo, Sở Thông tin và Truyền thông, cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin của các huyện, các xã, Công an các huyện và các xã…

Sở Thông tin và Truyền thông Đak Lak đã phối hợp ban hành rất nhiều văn bản để yêu cầu các cấp và ngành liên quan thực hiện các văn bản thực thi bảo vệ QTNBC tạo một hiệu ứng tốt trong thay đổi nhận thức cho các cấp, các ngành tại địa phương. Quá trình tuyên truyền, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ của các địa phương, cơ quan chức năng các cấp, thấy sự thay đổi rõ rệt về nhận thức của anh em nhà báo về QTNBC của mình, cũng như các kỹ năng để làm việc và tự bảo vệ QTNBC, có sự lan tỏa cả về tinh thần và ý thức, chính sách pháp luật liên quan đến QTNBC. Đây là những bước rất quan trọng để đưa đến thay đổi nhận thức trong xã hội và đội ngũ báo chí.

Ngoài ra, Trung tâm đã mở 5 lớp tập huấn về lĩnh vực điều tra cho hơn 300 phóng viên nhà báo trẻ-là những đối tượng của hành vi cản trở QTNBC, chủ yếu là những phóng viên còn “non” tay nghề, thiếu kinh nghiệm và các mối quan hệ.
 

Tập huấn các quy định pháp luật về bảo vệ quyền tác nghiệp báo chí cho đội ngũ người làm báo tại Gia Lai.
Tập huấn các quy định pháp luật về bảo vệ quyền tác nghiệp báo chí cho đội ngũ người làm báo tại Gia Lai. Ảnh: Thanh Nhật

-P.V: Những giải pháp đặt ra để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ QTNBC trên thực tế trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Ông Trần Nhật Minh: Đó chính là tăng cường hành lang pháp lý, cùng các giải pháp thực hiện công tác bảo vệ QTNBC. Để đạt được vấn đề này, trước hết bộ, ngành chức năng sớm xây dựng, ban hành bộ quy trình xử lý mang tính pháp lý và tính khoa học cao đối với hành vi vi phạm đối với QTNBC. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí phù hợp với tình hình mới, trong đó cần tăng nặng việc xử phạt các hành vi cản trở QTNBC gắn với việc thực thi pháp luật trên lĩnh vực báo chí nói chung.

Đồng thời, quy định cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ của phóng viên, nhà báo trong các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động và bảo vệ phóng viên, nhà báo trong quá trình tác nghiệp, cũng như tiến tới nghiên cứu, xem xét để xác định hoạt động báo chí là hoạt động công vụ.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về báo chí để mọi người dân, các cấp và các ngành, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp… hiểu rõ về hoạt động báo chí, quyền và phạm vi tác nghiệp của nhà báo, phóng viên. Đồng thời, phát huy vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ QTNBC hợp pháp.

Cùng với xử lý nghiêm những tập thể và cá nhân có hành vi cản trở, đe doạ và hành hung phóng viên, nhà báo, riêng những vụ việc cản trở QTNBC chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, các cơ quan chức năng cần tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo quy định và công khai kết quả xử lý trước công luận.

Ngoài ra, các cơ quan báo chí khi cử phóng viên, nhà báo tham gia hoạt động chống tiêu cực phải xây dựng phương án cụ thể, theo dõi sâu sát để can thiệp kịp thời, hạn chế tình trạng phóng viên nhà báo bị cản trở, hành hung trong quá trình tác nghiệp.

-P.V:  Xin cảm ơn ông!  

Thanh Nhật (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm