Sâm Ngọc Linh liên tục bị đội lốt bằng những thứ củ có hình dạng tương tự, đã khiến thương hiệu của sản phẩm đặc biệt này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đáng nói hơn, một số công ty, doanh nghiệp còn tìm cách phô trương những vườn sâm “trên giấy” để trục lợi, phần nào đánh mất niềm tin của người tiêu dùng đối với Quốc bảo Việt Nam này…
Kiểm định qua phiên chợ sâm
Sâm Ngọc Linh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là sản phẩm quốc gia, Quốc bảo của Việt Nam từ tháng 6.2017, xếp vào một trong 5 cây sâm quý hiếm nhất trên thế giới (cùng với sâm Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Triều Tiên).
Những năm qua, dù chưa đến mức báo động nhưng tình trạng người dân và doanh nghiệp tham gia ươm hạt để tạo giống sâm con không rõ nguồn gốc đã được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Đặc biệt, nhiều đối tượng xấu đã trộn lẫn sâm thật với sâm giả khiến thương hiệu sâm Ngọc Linh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì thế, yêu cầu quản lý chặt chẽ giống sâm ngoại lai, siết nạn giả sâm Ngọc Linh trở nên rất cấp thiết.
Người dân trồng sâm Ngọc Linh ở H.Nam Trà My lắp đặt camera giám sát chống trộm sâm. Ảnh: Mạnh Cường |
Ông Hồ Văn Thể, Chủ tịch UBND xã Trà Linh (H.Nam Trà My, Quảng Nam), cho biết do lợi nhuận cao từ cây sâm Ngọc Linh, các đối tượng xấu đã tuồn giống sâm ngoại lai không rõ nguồn gốc cho người dân vùng trồng sâm. Vì thế, bên cạnh phối hợp kiểm soát trực tiếp của lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã ký cam kết với đại diện các chốt trồng sâm về việc không mua bán, tiêu thụ và trồng giống sâm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm định về chất lượng cây giống, hạt giống ở vùng đặc hữu sâm Ngọc Linh.
Ông Trần Văn Mẫn, Phó chủ tịch UBND H.Nam Trà My, cho hay địa phương đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam đầu tư riêng một hệ thống máy móc để kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh. Qua đó, giúp người tiêu dùng bảo đảm mua được sản phẩm đúng chất lượng.
“Trước việc trà trộn, buôn bán sâm Ngọc Linh giả tràn lan, huyện đã tổ chức phiên chợ sâm hằng tháng. Phiên chợ này rất có ý nghĩa, vì có thể kiểm định được chất lượng sâm thật, sâm giả nên rất đảm bảo về chất lượng. Sâm Ngọc Linh khi đưa vào/ra phiên chợ đều có đội ngũ kiểm định chất lượng. Vì vậy, không bao giờ có chuyện sâm Ngọc Linh giả trà trộn trong phiên chợ được. Mặt khác, đối với người dân chuyên trồng sâm Ngọc Linh, khi cầm cây sâm trên tay họ sẽ nhìn ra cây nào giả, cây nào thật ngay”, ông Mẫn khẳng định.
Theo ông Mẫn, lâu nay địa phương thường xuyên cảnh báo trước tình trạng mua bán sâm Ngọc Linh tràn lan trên mạng xã hội khó có thể kiểm soát. Riêng khu vực trồng sâm, nguồn gốc xuất xứ luôn được kiểm soát chặt chẽ: sâm mua ở đâu, vườn nào, ai bán...
“Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền cho người dân phải ngăn chặn nạn sâm giả từ bên ngoài tràn vào vùng trồng sâm đặc hữu. Đặc biệt, tuyệt đối không tiếp tay cho kẻ xấu có cơ hội lợi dụng đưa giống sâm kém chất lượng vào”, ông Mẫn chia sẻ.
Củ sâm Ngọc Linh được bày bán tại phiên chợ sâm hằng tháng tại H.Nam Trà My. Ảnh: Mạnh Cường |
Quản lý trên nền tảng số
Ông Trần Út, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho rằng hiện nay đơn vị cũng rất trăn trở, tìm cách tham mưu UBND tỉnh quản lý chặt chẽ để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh. “Bằng mọi cách phải bảo vệ được thương hiệu, nếu bị ảnh hưởng sẽ gây tác động rất lớn. Chúng tôi cũng có những đề xuất, kiến nghị để cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, theo từng lĩnh vực của từng ngành để tham gia trong việc quản lý, buôn bán, sản xuất cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh cũng như các thị trường ngoài tỉnh”, ông Út nói.
Theo ông Út, để đảm bảo thương hiệu sâm Ngọc Linh, các ngành được phân công theo chỉ đạo của UBND tỉnh phải thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Ngoài ra, đối với những doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế kinh doanh cây sâm Ngọc Linh, ngành nông nghiệp sẽ kiến nghị tỉnh đề nghị các cơ quan T.Ư tăng cường sự chỉ đạo cho các địa phương, các ngành liên quan để có sự kiểm tra, giám sát nhằm quản lý chặt chẽ nhất.
“Để bảo vệ tốt thương hiệu sâm Ngọc Linh, chúng ta phải quản lý, phát triển nó theo nền tảng số. Đó là phải truy xuất được nguồn gốc sâm Ngọc Linh, cung cấp thông tin đầy đủ nhất đến với người tiêu dùng và xây dựng mã số vùng trồng để nhận diện”, ông Út chia sẻ.
Trong khi đó, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đề xuất muốn xử lý triệt để tình trạng sâm giả, không chỉ riêng Quảng Nam mà cần sự vào cuộc của cả xã hội, đặc biệt là các cơ quan chức năng T.Ư.
“Phiên chợ sâm Ngọc Linh hằng tháng được tổ chức tại H.Nam Trà My là phương án tốt nhất để ngăn chặn sâm Ngọc Linh giả xâm nhập thủ phủ sâm. Hiện chúng tôi đang đấu thầu máy móc để giám định chất lượng sâm. Đồng thời thường xuyên phối hợp Bộ KH-CN kiểm tra mỗi khi phát hiện nghi vấn. Tỉnh luôn đưa vấn đề an ninh sâm lên hàng đầu để bảo vệ thương hiệu cây sâm Ngọc Linh, cũng như bảo vệ người trồng, người tiêu dùng”, ông Bửu khẳng định.
Hạt sâm Ngọc Linh được trồng trên xã Trà Linh, H.Nam Trà My, Quảng Nam. Ảnh: Mạnh Cường |
Lập chuyên án điều tra sâm giả
Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô (1 trong 5 đơn vị được tỉnh Kon Tum cho phép trồng sâm Ngọc Linh từ nhiều năm nay), cho rằng việc các tổ chức, cá nhân không trồng sâm Ngọc Linh nhưng “nổ” sở hữu những vườn sâm lớn, là một sự thật đau lòng. Ngoài ra, việc rao bán sâm Ngọc Linh trên mạng xã hội với những lời cam kết chất lượng rất “có cánh”, nhưng đa phần là giả mạo.
Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, bôi nhọ uy tín thương hiệu sâm Ngọc Linh trên thị trường trong và ngoài nước. Không chỉ vậy, các tổ chức, cá nhân sở hữu vườn sâm Ngọc Linh “ảo” đã làm ảnh hưởng đến các cá nhân, đơn vị trồng sâm thật, khiến cho người tiêu dùng mất niềm tin.
Để chống lại nạn giả danh sâm Ngọc Linh, ông Chung đề xuất Chính phủ nên có chế tài riêng về việc quản lý, xử phạt đối với hành vi này. Đối với doanh nghiệp, muốn đầu tư phải được cấp phép, chứng minh năng lực, nguồn gốc giống, nguồn nguyên liệu chế biến sản phẩm để truy xuất nguồn gốc. “Giải pháp căn cơ nhất là có chế tài xử lý nghiêm khắc các hành vi gian dối này. Đã là Quốc bảo Việt Nam thì càng cần phải có thêm chế tài xử lý riêng”, ông Chung kiến nghị.
Trước nguy cơ thương hiệu sâm Ngọc Linh bị “đe dọa”, UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu Sở KH-CN kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng logo và tem chỉ dẫn địa chỉ Ngọc Linh, nhãn hiệu chứng nhận sâm Ngọc Linh Kon Tum trong hoạt động thương mại sâm củ; đồng thời phối hợp xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh. UBND tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu Sở KH-CN khẩn trương mua sắm máy móc, thiết bị, dụng cụ hóa chất để phân tích sâm Ngọc Linh phục vụ việc giám định, kiểm định sâm Ngọc Linh thật - giả.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho biết: “UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh lập các chuyên án vào cuộc điều tra các vụ mua bán sâm giả. Chúng tôi cũng “đặt hàng” Công an tỉnh lên kế hoạch mai phục, mật phục để bắt giữ một vụ buôn bán sâm Ngọc Linh giả để xử lý hình sự. Phải khởi tố vài vụ thì tình hình mới cơ bản ổn định được”. (còn tiếp)
Theo Mạnh Cường - Đức Nhật (TNO)