Phóng sự - Ký sự

Bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh: Đưa Quốc bảo ra thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh đang từng bước hiện thực hóa giấc mơ đưa sâm Việt Nam vươn ra thế giới. Từ đây, sâm Ngọc Linh không chỉ dành cho người giàu mà tất cả mọi người ai cũng có cơ hội sử dụng.
 

Ngành kinh tế mũi nhọn

Trở thành Quốc bảo Việt Nam, sâm Ngọc Linh được các địa phương bảo tồn, phát triển nghiêm ngặt. Hiện tại, Quảng Nam quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển khoảng 16.000 ha sâm Ngọc Linh (đã trồng gần 10.000 ha) và có khoảng 20 doanh nghiệp ký hợp đồng thuê môi trường rừng trồng sâm.

Tại Kon Tum, vùng chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh trải dài trên 9 xã của 2 huyện Tu Mơ Rông, Đắk Glei với gần 17.000 ha. Tỉnh này cũng quy hoạch trên 31.700 ha diện tích trồng sâm Ngọc Linh, cho 10 doanh nghiệp thuê đất rừng để thực hiện các dự án đầu tư, phát triển…

Dù vậy, việc phát triển cây sâm và sản phẩm từ sâm Ngọc Linh chưa nằm trong một kế hoạch tổng thể, chưa tạo ra sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành, các nguồn lực. Do đó, nhu cầu xây dựng, thực hiện Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2021 - 2030 định hướng đến năm 2045 là rất cần thiết.

 

Cho người dân vay vốn trồng sâm

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông (Kon Tum), cho biết chính quyền huyện đã có giải pháp về nguồn lực đầu tư để nhiều người dân, nhất là đồng bào người Xê Đăng trồng được sâm Ngọc Linh.

Hiện nay, Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum đã hình thành chuỗi liên kết từ trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối sản phẩm. Theo ông Mạnh, năm 2022, ngoài việc người dân có nguồn giống tự phát triển thêm, huyện cũng đã đề nghị và được tỉnh thống nhất làm việc với ngân hàng chuyển nguồn vốn giải quyết việc làm cho huyện từ 50 - 60 tỉ đồng để người dân vay vốn trồng sâm Ngọc Linh. Ngoài ra, thêm khoảng 40 - 50 tỉ đồng hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo vay vốn.

Trong văn bản trình lên Thủ tướng, tỉnh Quảng Nam cho rằng cần phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành công nghiệp sản xuất đạt thương hiệu sản phẩm quốc gia sâm VN, đưa ngành sản xuất và chế biến sâm VN trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi cao phát triển.

Đến năm 2045, đưa VN trở thành nước sản xuất sâm có thể cạnh tranh ngang bằng với ngành sản xuất sâm của Hàn Quốc, hằng năm sản xuất được từ 500 - 1.000 tấn. Cũng từ sâm, đặt ra nhu cầu gìn giữ, bảo tồn 750.000 ha rừng tự nhiên, trồng thêm hơn 1,25 triệu ha rừng, nâng độ che phủ rừng lên 65% vào năm 2045.


 

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trao đổi với các doanh nghiệp buôn bán sâm tại phiên chợ sâm Nam Trà My. Ảnh: Mạnh Cường
Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trao đổi với các doanh nghiệp buôn bán sâm tại phiên chợ sâm Nam Trà My. Ảnh: Mạnh Cường


Hướng đi đúng đắn

Ông Trần Văn Mẫn, Phó chủ tịch UBND H.Nam Trà My (Quảng Nam), cho biết địa phương rất mong muốn được Thủ tướng phê duyệt dự án để triển khai nhằm đảm bảo mục tiêu của chương trình.

“Huyện kỳ vọng rất cao về chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh. Sâm Ngọc Linh khi phát triển lên thành ngành hàng hóa, thì đời sống người dân sẽ được nâng cao. Đặc biệt, sản phẩm chế biến ra từ sâm Ngọc Linh sẽ được vươn ra thị trường thế giới, sánh vai với sâm Hàn Quốc”, ông Mẫn nói.

Ông Trần Út, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cũng cho rằng hiện nay cây sâm Ngọc Linh là một sản phẩm quốc gia nên cần phải có chương trình, kế hoạch và đề án lớn để tập trung nguồn lực phát triển. Nói tới ngành công nghiệp sâm Ngọc Linh thì phải đảm bảo được 2 mặt chính: tạo ra lượng hàng hóa lớn (nghĩa là phải phát triển vùng nguyên liệu) và tạo ra cơ sở chế biến gắn với xây dựng thương hiệu chuỗi giá trị.

Theo ông Út, tỉnh Quảng Nam đã đưa ra yêu cầu gắn với quy chế đối với các doanh nghiệp: Đầu tư trồng sâm Ngọc Linh phải có phương án, kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở chế biến hoặc liên kết. “Hướng đi này hoàn toàn đúng đắn, chính xác vì tạo ra cơ sở để phát triển ngành công nghiệp chế biến, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp đầu tư. Qua các cơ sở chế biến của doanh nghiệp, sẽ liên kết được với người dân”, ông Út nói.

 

Một du khách người nước ngoài tham quan vườn sâm của H.Nam Trà My
Một du khách người nước ngoài tham quan vườn sâm của H.Nam Trà My


Cả nước đều được hưởng lợi

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khẳng định chương trình sâm quốc gia rất có ý nghĩa, trở thành một ngành công nghiệp sâm, cạnh tranh ngang bằng ngành công nghiệp sâm Hàn Quốc từ năm 2045. Tuy nhiên, để hiện thực hóa “giấc mơ” này, cần sự vào cuộc của tất cả bộ ngành T.Ư, địa phương, doanh nghiệp tâm huyết trên cả nước, chứ không riêng gì Quảng Nam và Kon Tum.

“Hiện các bộ ngành, các tỉnh thành đều đồng ý đưa sâm Ngọc Linh phát triển thành một ngành công nghiệp. Chính phủ đã giao cho Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng chủ trương này. Cần phải xây dựng thành công thương hiệu sâm VN cùng với việc xây dựng quy trình sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm tạo nên sản phẩm đặc hữu của quốc gia”, ông Bửu nói.
 

 Cây sâm Ngọc Linh mọc dưới cây rừng. Ảnh: Mạnh Cường
Cây sâm Ngọc Linh mọc dưới cây rừng. Ảnh: Mạnh Cường


Ông Bửu cho rằng việc ứng dụng khoa học - công nghệ phải hướng tới phục vụ chuỗi giá trị cây sâm. Đó là khâu giống, trồng, chăm sóc, quản lý, tạo sản phẩm hàng hóa…, cho tới khâu chế biến, tiêu thụ. Trước hết phải đầu tư cho khâu giống, làm sao phải giữ được giống gốc, phát triển và di thực đến các vùng tương đồng để nhân rộng vùng nguyên liệu. Sau đó hạ dần độ cao để tạo nguồn nguyên liệu nhiều hơn, ổn định, phục vụ sản xuất công nghiệp sâm với các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng…

“Chương trình sâm quốc gia nếu được thông qua, thì tôi tin rằng khi mình bỏ ra một đồng sẽ thu lại hàng ngàn đồng. Việc này, không chỉ người dân được hưởng lợi mà cả quốc gia đều được hưởng lợi. Đặc biệt là phát triển thêm dịch vụ tham quan du lịch vùng sâm sẽ tác động, kéo thêm nhiều ngành nghề khác cùng phát triển. Việc đầu tư cho ngành công nghiệp sâm VN thì sau này chắc chắn sẽ thu lại hiệu quả, như Hàn Quốc đã từng làm”, ông Bửu tin tưởng.

 


Lộ trình hiện thực hóa “giấc mơ Quốc bảo”

Để sâm VN vươn ra thế giới, hiện các địa phương đã xác định lộ trình phát triển theo từng giai đoạn.

Trong đó, từ nay đến năm 2025, tỉnh Quảng Nam và Kon Tum tập trung phát triển vùng sản xuất và cung ứng giống sâm Ngọc Linh để bảo đảm cho chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; đầu tư nâng cấp các trại giống, cơ sở nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô.

Đáng chú ý, Quảng Nam đề xuất di thực, mở rộng vùng trồng sâm Ngọc Linh tại 122 huyện nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn quốc, những nơi có độ cao trên 1.000 m so mực nước biển.

Tới năm 2025, thu hút từ 50 - 60 tổ chức đầu tư phát triển sâm giống và nhà máy chế biến; tạo ra các sản phẩm như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm, các loại dược liệu khác… Xây dựng, vận hành hệ thống kiểm soát chất lượng (từ khâu sản xuất giống, sản xuất nguyên liệu đến tiêu thụ, xuất khẩu) để triệt tiêu vấn nạn sâm giả; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển văn hóa, du lịch gắn với vùng sâm. Hằng năm thu hút 70.000 - 80.000 lượt người đến nghiên cứu, mua sắm và tham quan du lịch vùng sâm.

Đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành trung tâm giống sâm Ngọc Linh quốc gia, hằng năm sản xuất 5 - 10 triệu cây giống (trong đó trên 50% là cây giống sản xuất từ phương pháp nuôi cấy mô); có 50 - 100 doanh nghiệp đầu tư trồng sâm, dược liệu, chế biến sản phẩm. Dự kiến đón từ 5 - 10 triệu lượt khách tham quan vùng sâm; thu nhập bình quân đầu người từ 3.000 - 4.000 USD/năm; có 50 - 100 sản phẩm từ sâm Ngọc Linh xuất khẩu thị trường nước ngoài...

Đến năm 2045, có 500 - 1.000 sản phẩm từ sâm Ngọc Linh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. VN trở thành nước sản xuất sâm có thể cạnh tranh ngang bằng với ngành sản xuất sâm của Hàn Quốc; đưa sâm Ngọc Linh có thể trồng được ở vùng đồng bằng giống như Hàn Quốc hiện nay.


Theo Mạnh-CườngĐức Nhật (TNO)

Có thể bạn quan tâm