Phóng sự - Ký sự

"Bắt mạch trời" giữa đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 37 năm qua, ông Lê Minh Điếu (tổ 1, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) lặng lẽ ghi dấu chân trên những dãy núi cao, rừng sâu của 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum để thực hiện nhiệm vụ quan trắc khí tượng thủy văn (KTTV). Những bản tin dự báo từ quan trắc viên Lê Minh Điếu đã giúp người dân địa phương phòng tránh được hiểm họa thiên tai rình rập.

Khi biết tôi có ý định viết về những người làm công tác dự báo KTTV, ông Nguyễn Văn Huấn-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dự báo KTTV (Đài KTTV khu vực Tây Nguyên) giới thiệu quan trắc viên Lê Minh Điếu. Theo ông Huấn thì ông Điếu là người xứng đáng được vinh danh với những cống hiến thầm lặng và tận tụy trong nghề quan trắc KTTV ở Tây Nguyên.

Lặng lẽ giữa đại ngàn

Thật không dễ dàng tìm đến được Trạm KTTV Krong (huyện Kbang). Con đường ngắn nhất từ trung tâm huyện vào xã Krong xuống cấp nghiêm trọng khiến tôi phải chọn cách đi đường vòng xuyên qua những cánh rừng. Chưa quen đường, sóng điện thoại lại chập chờn nên quá trưa tôi đến được trung tâm xã Krong. Hỏi thăm thì vỡ lẽ là không nhiều người dân trong vùng biết cách trụ sở UBND xã chừng 4 km có một trạm KTTV.

Ông Lê Minh Điếu đo lưu lượng nước sông Ba. Ảnh: Nguyễn Tú


Lo tôi lạc đường, bà Vũ Thị Nhung (vợ ông Điếu) đi bộ ra trục đường giao thông chính ngang qua xã dẫn vào nơi làm việc. Trạm KTTV Krong được xây dựng sát mép sông Ba và lọt thỏm giữa những rừng cây, vườn tược của người dân. Trong phòng làm việc, vợ chồng ông Điếu pha vội ấm trà giục tôi uống cho ấm người.

Tiếp chuyện tôi, ông Điếu kể: “Tôi nghỉ hưu từ cuối năm 2010, là nghỉ trước tuổi theo Nghị định 108 của Chính phủ. Ở nhà được 1 năm, thấy người bứt rứt nên tôi lên gặp lãnh đạo cơ quan đề nghị có nơi nào thiếu người thì cho làm hợp đồng. Ban đầu, các anh ấy cũng ái ngại nhưng rồi cũng đồng ý để tôi làm ở trạm này, vừa bảo vệ cơ sở vật chất, vừa quan trắc khí tượng. Tính ra thì tôi cũng 8 năm làm ở đây rồi”.

Nghe chồng kể chuyện, bà Nhung tiếp lời: “Thấy ông ham nghề mà nhà ít việc, con cái cũng đã yên bề gia thất nên tôi xuống ở phụ giúp việc lặt vặt, với lại cũng để đỡ đần ông ấy lúc trái gió trở trời. Ông ấy ở một mình, lỡ đau ốm biết kêu ai”.

Tiết trời âm u của tháng cuối năm như muốn nhuốm sự cô lẻ lên nơi làm việc của cặp vợ chồng lớn tuổi có nhiều duyên nợ với nghề. Tôi bỗng thấy có điểm tương đồng giữa hiện thực với truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long viết về một chàng trai làm nghề quan trắc khí tượng ở Tây Bắc những năm 70 của thế kỷ trước.

“Làm nghề này phải ở nơi rừng núi vắng vẻ và phải thức đêm thức hôm đo KTTV nên nhiều bạn trẻ không muốn làm. Nghề này cực nhất là mùa mưa. Cứ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ là phải ra đo mực nước sông, lưu lượng mưa, lượng gió để kịp thời báo cho đơn vị biết mà phát thông tin cảnh báo. Năm nay mưa lũ nhiều, hầu như tôi thức trắng đêm để làm việc. Tôi phải liên tục ra sông đo mực nước để cảnh báo lũ về trong đêm. Nếu có bất thường thì gọi điện thoại thông báo, còn không thì đến trưa lại mang sổ sách gửi ra thị trấn Kbang rồi nhờ người nhận gửi xe thư báo về cho cơ quan”-ông Điếu chia sẻ.

Vợ chồng ông Lê Minh Điếu bên điểm đo mưa ở Trạm KTTV Krong. Ảnh: Nguyễn Tú


Sinh hoạt hàng ngày của vợ chồng ông Điếu ở Trạm KTTV cũng gặp không ít khó khăn. “Vùng này gần sông Ba, nước giếng nhiễm phèn, chúng tôi phải dự trữ nước mưa để nấu ăn hàng ngày. Tắm rửa, giặt giũ áo quần thì dùng nước sông. Thức ăn thì có những người dân ở thị trấn chở xe máy vào bán. Nếu mưa to quá, họ không vào được thì vợ chồng tôi ăn tạm rau trồng quanh trạm hoặc rau rừng. Riêng gạo thì khoảng 2-3 tháng, tôi về nhà mang xuống. Ở đây không có xe đò ra thị trấn Kbang, muốn đi phải thuê xe máy chở hết 150 ngàn đồng nên chúng tôi hạn chế đi lại để tiết kiệm”-bà Nhung bộc bạch.

Vui buồn chuyện nghề

Ông Điếu chuyển từ tỉnh Hưng Yên vào Gia Lai công tác tại một lâm trường từ năm 1978. Đến năm 1983, ông chuyển sang làm việc tại Đài KTTV Gia Lai-Kon Tum (sau này đổi tên thành Đài KTTV khu vực Tây Nguyên). Làm nhiệm vụ trông coi khu lưu trữ tài liệu được ít năm, ông được phân công nhiệm vụ khảo sát đo lưu lượng mưa, lượng nước sông Sê San để chuẩn bị xây dựng Thủy điện Ia Ly. Sau lần này, ông chính thức trở thành quan trắc viên KTTV. Từ đó đến nay, những dãy núi cao, những con sông sâu ở 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum đều in dấu chân ông.

Tôi theo chân quan trắc viên có 37 năm tuổi nghề này bước qua hơn 20 bậc thang đánh dấu cảnh báo mức nước ra đến mép sông Ba. Chỉ tay về con thuyền sắt bị sóng đánh úp bên sông, ông Điếu nói: “Trước đây, hàng ngày, chúng tôi ngồi trên thuyền đó men theo sợi dây cáp có ròng rọc bắc ngang sông ở phía trên lần lượt đo độ sâu của nước sông, lượng phù sa để báo cho đơn vị. Mới đây, một trận lũ lớn từ thượng nguồn đổ về đánh úp mất thuyền. May là hôm ấy nước lên cao chạm mức cảnh báo trên bậc thang nên chúng tôi không phải ngồi thuyền ra đo, chứ không thì chả còn ngồi đây kể chuyện”.

Ông Lê Minh Điếu ghi lại những thông số về lượng gió ở xã Krong (huyện Kbang). Ảnh: Nguyễn Tú


Nhìn dòng nước sông Ba hiền hòa trôi về phía hạ nguồn, tôi có chút nghi hoặc. Như hiểu ý tôi, ông Điếu cười bảo: “Như này chưa ăn thua đâu. Mấy lần tôi thoát hiểm trên miệng Hà Bá còn kinh hoàng hơn kìa. Như lần tôi và một đồng nghiệp suýt bị cuốn trôi trên sông Pô Cô ở huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) năm 2002. Lần đó, khi chúng tôi đang ngồi trên thuyền men theo sợi cáp treo ra đến giữa sông thì lũ bất ngờ đổ về. Dòng nước hung hãn cuốn theo cây gỗ to liên tục va vào làm thuyền chao đảo suýt lật. May có một cây tre bị gió thổi nghiêng gần thuyền, chúng tôi vội nắm lấy rồi kéo thuyền vào bờ an toàn.

Còn năm 2005, tôi phải nằm viện do điện giật nguy kịch. Số là khi đó, tôi được phân công đo KTTV ở xã Ngọc Tem (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) và ở nhờ nhà của một đơn vị bảo vệ rừng. Đường điện chập chờn mà tối phải làm báo cáo gấp cho cơ quan, tôi trèo lên sửa thì bị giật. May mắn là mọi người phát hiện và đưa đi cấp cứu sớm mới qua khỏi”.

Kbang mùa này đêm rất lạnh, gió thổi buốt người. Choàng thêm áo ấm, ông Điếu kể cho tôi nhiều câu chuyện thấm đẫm tình người trong hành trình thầm lặng “đếm gió, đo mây” của mình. Ở Ia Ly, hai cha con người Jrai làm rẫy thấy ông Điếu ngủ bên mép sông Sê San đã phủ cát lên người cho đỡ lạnh, san sẻ nắm cơm mang theo. Hay như khi ở giữa đỉnh Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum), thấy ông Điếu lả người vì đói, một người dân bản địa đi rừng đã nhổ cả vốc củ sâm Ngọc Linh cho ăn, dù giá trị không hề nhỏ khi mang xuống núi bán.

 

 NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm