Theo dự báo của ngành nông nghiệp, nhu cầu sử dụng phân bón NPK theo khối lượng tiêu thụ chỉ dao động ở mức 38 - 39% trong giai đoạn từ năm 2019-2021. Điều này càng khiến cho cuộc chiến cạnh tranh trên thị trường của các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh NPK thêm khốc liệt.
Nhiều “ông lớn” tham gia
Theo các chuyên gia nông nghiệp, công nghệ sản xuất phân bón NPK hiện đại nhất hiện nay tại Việt Nam là công nghệ hóa học, sau đó đến ure hóa lỏng và tạo hạt hơi nước, tạo hạt tháp cao, cuối cùng mới là phương pháp phối trộn. Tuy nhiên, từ năm 2017 trở về trước, các DN phân bón NPK lớn nhất Việt Nam cũng chỉ có vài DN sử dụng công nghệ cao.
Ông Lê Quốc Phong (trái) - Chủ tịch HĐQT Công ty Phân bón Bình Điền II giới thiệu với đồng chí Thào Xuân Sùng - Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam về quy trình sản xuất phân bón 2 Phong. Ảnh: P.V
Bước sang giai đoạn 2018-2019, một số DN đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất NPK mới hoặc tăng công suất hiện tại.
Cụ thể, Lâm Thao mở thêm dây chuyền công suất 150.000 tấn/năm (quý I.2018); Phân bón Hàn Việt mở nhà máy công suất 360.000 tấn/năm (quý III.2018); Đạm Phú Mỹ mở dây chuyền công suất 250.000 tấn/năm (quý III.2018); Phân bón Miền Nam với dây chuyền 150.000 tấn/năm (quý IV.2018).
Bước sang giai đoạn 2018-2019, một số DN đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất NPK mới hoặc tăng công suất hiện tại. Điểm đặc biệt của các dự án này là hầu hết nhà máy đều sử dụng công nghệ hiện đại và hướng đến sản phẩm có hàm lượng dưỡng chất cao. |
Bước sang năm 2019, một loạt “ông lớn” khác cũng mở thêm các dây chuyền NPK hiện đại như Đạm Cà Mau với dây chuyền công nghệ ure nóng chảy (công suất 300.000 tấn/năm, quý II.2019); Hóa chất Đức Giang với dây chuyền công nghệ hóa học (công suất 200.000 tấn/năm); Bình Điền với dây chuyền ure hóa lỏng (công suất 200.000 tấn/năm).
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao Vũ Xuân Hồng cho biết, năm 2018, DN này đưa vào sử dụng dây chuyền sản xuất NPK-S hàm lượng dinh dưỡng cao, công suất 150.000 tấn/năm. “Nếu bón phân hàm lượng thấp, chi phí vận chuyển, công lao động sẽ đội lên. Còn nếu bón phân hàm lượng cao sẽ tiết giảm được những khoản này” - ông Hồng nói.
Các DN toan tính gì?
Ngày 22.12.2018, Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố thuế xuất nhập khẩu áp dụng vào năm 2019. Theo đó, kể từ ngày 1.1.2019, Trung Quốc hủy bỏ thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón. Cụ thể, thuế xuất khẩu kali giảm từ mức 600 NDT/tấn năm 2018 xuống 0; thuế xuất khẩu phân NPK giảm từ 100 NDT/tấn xuống 0; thuế xuất khẩu phân bón NPK từ 5% và phân bón chưa K khác từ 30% xuống 0. Ngoài ra, các chủng loại phân bón ure, DAP, MAP, SA hiện vẫn không áp dụng thuế xuất khẩu. Điều này có thể khiến phân bón Trung Quốc tràn vào Việt Nam. |
Tham gia thị trường NPK - một thị trường được đánh giá có biên độ lợi nhuận gộp khá thấp (bình quân 13-14%) - nhưng các DN vẫn bỏ hàng trăm triệu USD đầu tư dây chuyền sản xuất NPK theo công nghệ mới.
Nguyên nhân là do nhu cầu sử dụng phân bón NPK chất lượng cao đang ngày càng tăng, lượng nhập khẩu NPK hàng năm chỉ xấp xỉ 350.000 - 400.000 tấn (đáp ứng khoảng 9% nhu cầu). Trong khi đó, giá phân NPK chất lượng cao đang được bán với giá khoảng 13.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với giá phân NPK thông thường.
Tại Đạm Phú Mỹ, Dự án nhà máy NPK công suất 250.000 tấn/năm cũng đã hoàn thành công đoạn chạy thử và đi vào hoạt động thương mại trong quý III.2018. DN kỳ vọng tiêu thụ được 150.000 tấn NPK trong năm nay, tương đương với 60% công suất nhà máy.
Mục tiêu của DN là sản phẩm NPK tự sản xuất có thể thay thế phần NPK hiện đang được DPM nhập khẩu về bán dưới thương hiệu Phú Mỹ.
“Điểm lợi thế của Đạm Phú Mỹ là sẽ sản xuất NPK dựa trên nguồn nguyên liệu NH3 (40.000 tấn), trong tổng số 90.000 tấn NH3 mà DN này sản xuất. Kế đến, đây cũng là dây chuyền sản xuất NPK công nghệ tốt nhất hiện nay và DN có thể tận dụng mạng lưới đại lý sâu rộng trải dài trên cả 3 miền để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm” - ông Trần Bá Duy - chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VPBank đánh giá.
Cũng có mục tiêu tương tự là nhắm đến nhu cầu sản phẩm NPK cao cấp, Đạm Cà Mau cũng chuẩn bị đưa dây chuyền sản xuất NPK vào hoạt động trong năm 2019 với tổng chi phí đầu tư 830 tỷ đồng. Một lợi thế của Đạm Cà Mau mà không phải DN nào cũng có, đó là có nguồn ure hạt đục được ưa chuộng làm đầu vào cho sản xuất phân NPK.
Cụ thể, nguồn cung từ Đạm Cà Mau chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu ure hạt đục từ các nhà máy NPK (250.000 - 280.000 tấn trong năm 2017). Khách hàng lớn của Đạm Cà Mau bao gồm Phân bón Bình Điền, Phân bón Miền Nam, Phân bón Việt Nhật…
Hầu hết các công ty này đều có thị trường chủ đạo tại miền Nam nên giúp DN mở rộng thị phần nhanh chóng. Dù vậy, các công ty chứng khoán đánh giá việc nhà máy NPK của Đạm Cà Mau dự kiến đi vào hoạt động thương mại trong quý II.2019 là chậm hơn nhiều so với các đối thủ nên sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng…
Còn với Bình Điền, việc đưa dây chuyền sản xuất mới vào hoạt động càng tạo vị thế cho DN khi tổng công suất của đơn vị này đã lên tới con số 1.125 tấn/năm, giúp Bình Điền đứng vững ở thị trường nội địa và mở rộng thị phần tại các thị trường nước ngoài.
Được biết, hiện Bình Điền đang chiếm lĩnh nhiều thị phần NPK tại thị trường Campuchia với sản lượng xuất khẩu hơn 80.000 tấn. Đồng thời, DN cũng đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội, gia tăng thị phần tại các thị trường tiềm năng khác như Myanmar và Thái Lan,
Quốc Hải (Dân Việt)