(GLO)- Để có thu nhập cao dựa trên doanh số bán ra và tỷ lệ chiết khấu thì các trình dược viên không ngần ngại sử dụng nhiều mánh lới tiếp thị, kể cả móc ngoặc với bác sĩ để kê đơn thuốc của mình bán cho bệnh nhân.
Cạnh tranh để giành “thị phần”
Kiểm tra hoạt động của nhà thuốc nhằm ngăn ngừa bị trình dược viên thổi giá thuốc. Ảnh: T.Đ |
Đến các phòng khám hoặc cơ sở y tế mà bắt gặp một người mang theo cặp xách, ba lô có in logo, nhãn hiệu của các công ty dược, hãng dược kiên nhẫn ngồi đợi bác sĩ khám bệnh đến cuối buổi thì đích thị đó là trình dược viên. Họ là những người có chuyên môn về dược, được đào tạo từ trình độ trung cấp dược trở lên và làm công việc tiếp thị, giới thiệu thuốc, bán thuốc cho các công ty dược.
Một trình dược viên bắt buộc phải làm việc cho một công ty dược để đơn vị đó cấp giấy giới thiệu trình dược viên hoặc người giới thiệu thuốc, nhân viên bán hàng… làm cơ sở khi đến gặp nhà thuốc, cơ sở y tế để tiếp thị, ký hợp đồng bán thuốc. Có nhiều trình dược viên vừa làm việc công ty này vừa bán các mặt hàng thuốc, thực phẩm chức năng độc quyền của đơn vị khác mà đơn vị mình không có và họ phải cạnh tranh quyết liệt với nhau để giành “thị phần”.
Anh Trần Minh Triển (hẻm 61 Nguyễn Đình Chiểu, TP. Pleiku), trình dược của một công ty dược có tiếng ở Việt Nam cho hay: Muốn có thu nhập cao thì các trình dược viên phải năng động, có mối quan hệ rộng rãi với các nhà thuốc, các nhân viên vật tư của bệnh viện và với các bác sĩ để đưa thuốc vào cơ sở y tế, kê đơn thuốc cho bệnh nhân và ký được hợp đồng bán hàng.
Để làm được điều này, các trình dược viên phải tung đủ chiêu trò để lôi kéo “đồng minh” hỗ trợ mình. “Ngoài chuyện chi phần trăm chiết khấu cao, các hãng dược nước ngoài vẫn thường lôi kéo bác sĩ, lãnh đạo và nhân viên vật tư ở các bệnh viện, trung tâm y tế bằng cách tặng quà, mời đi dự hội thảo kết hợp với du lịch ở nước ngoài…”-anh Huỳnh Văn Tưởng-trình dược viên kỳ cựu của một hãng dược nước ngoài có chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh, tiết lộ.
Vì phải trả lương, thưởng chiết khấu cao cho trình dược viên và chi “hoa hồng” cho các bác sĩ, nhà thuốc, nhân viên y tế… nên sản phẩm thuốc từ nhà sản xuất qua đơn vị nhập khẩu, phân phối khi đến với người tiêu dùng đã phải gánh trên mình nhiều loại chi phí nên đội giá lên rất cao. Người bệnh buộc phải chi trả cho các khoản chi phí này.
Chưa được quản lý
“Mặc dù bệnh viện có quy định cấm trình dược viên tiếp cận, tiếp xúc với bác sĩ và nhân viên y tế, nhưng họ cứ bước vào như bệnh nhân đến khám bình thường nên không thể mời ra ngoài được. Thi thoảng lại phải từ chối những lời mời gọi hấp dẫn về phần trăm chiết khấu cao, những món quà bất ngờ hoặc lời mời dự tiệc tùng của các trình dược viên”-bác sĩ Lê Thanh Minh-Trưởng khoa Sản (Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai). |
Nhiều người am hiểu trong nghề cho rằng mấy năm gần đây, các cơ sở y tế ở Gia Lai đã tổ chức đấu thầu cung cấp thuốc tập trung nên việc trình dược viên cấu kết với bác sĩ kê đơn để ăn hoa hồng là khó xảy ra. Chuyện này chỉ có thể xảy ra trong trường hợp bác sĩ ở phòng khám tư đưa các loại thuốc có cùng gốc, thành phần tương tự nhau do trình dược viên cung cấp để kê đơn cho bệnh nhân; hoặc bác sĩ kê đơn thuốc biệt dược mà bệnh viện không có rồi hướng dẫn cho bệnh nhân đến “chỗ quen” để mua. Cũng có thể xảy ra trường hợp khác là trong các đợt mua sắm thuốc bổ sung hoặc thời gian chờ đợi gối đầu giữa hai đợt đấu thầu thuốc thì trình dược viên móc ngoặc với lãnh đạo và nhân viên vật tư của bệnh viện, trung tâm y tế để đưa thuốc vào bệnh viện (các thuốc này vẫn có tên trong danh mục thuốc đấu thầu được phê duyệt).
Trình dược viên đã trở thành một nghề hấp dẫn giới trẻ, nhất là các sinh viên trường y, dược. Và hoạt động trình dược viên chưa bị ràng buộc hay cấm đoán bởi pháp luật. Để quản lý hoạt động của đội ngũ trình dược viên, Sở Y tế ở một số tỉnh thành lớn trong nước đã tiến hành cấp giấy chứng nhận “Người giới thiệu thuốc” cho các trình dược viên. Còn ở Gia Lai, hoạt động trình dược viên đang bị bỏ ngỏ. Ông Trần Duy Linh-Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay: “Chưa có thống kê về đội ngũ trình dược viên đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Gia Lai và Sở Y tế cũng không tiến hành cấp chứng chỉ hành nghề, không quản lý đội ngũ này. Họ hoạt động cho các công ty dược, các hãng dược nước ngoài và được các đơn vị này cấp giấy giới thiệu và quản lý”. Trong khi đó, ông Trần Quang Khâm-Chánh Thanh tra Sở Y tế cho hay: Từ trước đến nay đơn vị này chưa phát hiện trường hợp bác sĩ hoặc nhân viên y tế móc ngoặc với trình dược viên ăn chia hoa hồng khi để kê đơn thuốc, đưa thuốc vào bệnh viện tiêu thụ và cũng chưa phát hiện trường hợp trình dược viên bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
Hoạt động trình dược viên cũng có mặt tích cực là giới thiệu các mặt hàng thuốc đến với người tiêu dùng. Tuy nhiên, có một thực tế là tỉnh Gia Lai hiện không có đơn vị sản xuất dược mà chủ yếu là hoạt động mua đi bán lại nên sản phẩm thuốc khi đến tay người tiêu dùng phải qua khâu trung gian (đơn vị phân phối, các trình dược viên) nên giá thành bị thổi lên cao. Người bệnh vẫn đang phải gánh chịu thêm chi phí không đáng có khi mua thuốc về sử dụng.
Trần Đức