Kinh tế

Doanh nghiệp

Bầu Đức "dứt tình"bất động sản,mục tiêu số 1 châu Á về nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
HAGL hiện đang sở hữu 47,89% cổ phần trong dự án Hoàng Anh Myanmar – “cứ điểm” gần như là cuối cùng của HAGL trong lĩnh vực bất động sản, song tập đoàn của bầu Đức tuyên bố sẽ thoái vốn khỏi dự án này để trả bớt nợ và giải quyết nhu cầu thanh khoản, công khai mục tiêu trở thành “tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Châu Á vào năm 2025”. 
Kế hoạch “rút chân” khỏi Hoàng Anh Myanmar Center
Tại báo cáo thường niên năm 2018 vừa được Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã HAG) công bố, tập đoàn này cho biết, trong lĩnh vực bất động sản, doanh thu cho thuê và cung cấp dịch vụ của dự án Hoàng Anh Myanmar tính đến 9/2018 là 709 tỷ đồng.
Tính cả năm 2018, doanh thu dịch vụ cho thuê đạt 509 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng 9,4% trong tổng doanh thu của HAGL. Số lợi nhuận gộp đạt 282 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp đạt 55,3%. Các con số đóng góp này chủ yếu từ khu phức hợp Hoàng Anh - Myanmar.
 
Bầu Đức thừa nhận áp lực thanh khoản vẫn là bài toán khó mà HAGL cần sớm tìm ra lời giải
Vào 9/2018, THACO đã thông qua Công ty con là Công ty CP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh sở hữu 51% vốn của Công ty Cổ phần Xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh để tiếp tục đầu tư vào giai đoạn 2 của dự án Hoàng Anh Myanmar Center. “HAGL có kế hoạch thoái vốn” – báo cáo cho hay.
Cụ thể, theo thông tin tại báo cáo thường niên, HAGL hiện đang sở hữu 47,89% cổ phần trong dự án Hoàng Anh Myanmar. HAGL có chủ trương sẽ thoái vốn dự án này để trả bớt nợ và giải quyết nhu cầu thanh khoản của tập đoàn.
Doanh thu bất động sản đầu tư cũng chỉ đạt 58 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng 1,1% trong tổng doanh thu. HAGL cho biết, đã khai thác/bán hầu hết căn hộ và chỉ phát sinh doanh thu từ một số căn hộ còn lại sẵn sàng để bán.
Nêu thông điệp tại báo cáo thường niên lần này, bầu Đức không hề đề cập đến bất động sản mà tập trung nói đến những kế hoạch trong mảng nông nghiệp.
“Chiến lược tái cơ cấu đang đi đúng hướng”
Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết, năm 2018, nhu cầu đối với phần lớn các nguyên liệu sản xuất, trong đó có mủ cao su, vẫn ở mức thấp, giá cả chưa thể phục hồi ổn định. Chính vì vậy, ngành cao su của HAGL vẫn còn đối mặt với vô vàn khó khăn. Áp lực thanh khoản vẫn là bài toán khó mà HAGL cần sớm tìm ra lời giải.
Nhờ vào thành quả của ngành cây ăn trái đã đầu tư từ năm 2016, HAGL đã duy trì ổn định mức doanh thu, tạo ra một phần nguồn thanh khoản để trang trải chi phí hoạt động và đầu tư mở rộng diện tích cây ăn trái.
Trong năm 2018, ngành cây ăn trái đã mang lại nguồn doanh thu khả quan với mức 2.897 tỷ đồng, đóng góp 53,8% trong tổng doanh thu của tập đoàn. Đến cuối năm 2018, tổng diện tích cây ăn trái đã trồng được là 18.675 ha với các sản phẩm chủ lực là chuối, thanh long, xoài, mít, bưởi da xanh, và hơn 10 loại cây ăn trái khác.
Với diện tích cây ăn trái này, ông Đức kỳ vọng sẽ mang lại nguồn doanh thu chủ lực cho năm 2019, khẳng định chiến lược tái cơ cấu kinh doanh đang đi đúng hướng. Đây là tiền đề và động lực quan trọng, tạo đà cho chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững của HAGL.
Ông Đức cũng nhấn mạnh năm 2019 được xác định là năm bản lề quan trọng để HAGL đi vào giai đoạn 2020 - 2025, phát triển bền vững, để từ đó làm đòn bẩy đưa HAGL trở thành “Tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Châu Á vào năm 2025”.
Để thực hiện mục tiêu này, ngoài những nhiệm vụ cốt lõi là mở rộng diện tích cây ăn trái, chọn lọc danh mục sản phẩm hiệu quả và kiện toàn bộ máy quản trị, bầu Đức cho biết, HAGL sẽ tập trung quản trị bằng ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở số hóa và cơ giới hóa cho tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp: từ canh tác đến thu hoạch, vận chuyển, lưu kho, chế biến chuyên biệt theo nhóm cây ăn trái và cây công nghiệp, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
“Với nguồn sức mạnh được cộng hưởng, nội lực hiện tại đang được củng cố, tôi tin rằng HAGL sẽ sớm vượt qua khó khăn để bước vào giai đoạn phát triển bền vững, vươn xa tầm châu lục” – ông Đức quả quyết với cổ đông và nhà đầu tư.
Mai Chi (Dân trí)

Có thể bạn quan tâm