Không chỉ là cây cổ thụ duy nhất còn sót lại ở Vườn Quốc gia Bến En (Thanh Hóa), cây lim xanh nghìn năm tuổi còn có giá trị lớn về bảo tồn nguồn gen, giúp ngành lâm nghiệp khôi phục lại rừng lim đang mai một.
Nhắc đến Vườn Quốc gia (VQG) Bến En (thuộc huyện Như Thanh và Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa), nhiều người dân địa phương vẫn nhớ đến vùng đất một thời được mệnh danh là xứ sở của lim xanh. Thập niên những năm 80, 90 của thế kỷ trước, cứ bước vào rừng là gặp lim xanh, loài gỗ quý này có ở khắp mọi nơi. Nhưng rồi, khi nạn phá rừng tràn về, rừng lim bỗng chốc bị “xóa sổ” gần hết, duy nhất chỉ có 1 cây lim xanh cổ thụ còn sót lại khi lâm tặc nhiều lần tìm cách đốn hạ nhưng bất thành.
Chuyện quanh cây lim nghìn tuổi
Phải mất gần 2 giờ đồng hồ để vượt quãng đường khoảng 60 km từ TP Thanh Hóa tới Trạm kiểm lâm Xuân Lý (thuộc VQG Bến En). Từ trạm này, có thể tận mắt chứng kiến 1 cây cổ thụ cao vút, buông tán cây rộng khắp 1 vùng, đứng sừng sững giữa đại ngàn xanh thẳm. Đó là cây lim nghìn tuổi.
Theo ông Lê Xuân Thái, cán bộ pháp chế - VQG Bến En, cây lim xanh nằm trên địa phận giáp ranh 2 xã Xuân Khang (huyện Như Thanh) và Tân Bình (huyện Như Xuân). Đây là cây gỗ quý có đường kính lớn và được xem là “báu vật” còn lại trong VQG Bến En.
Không ai rõ cây bao nhiêu tuổi, nhưng người dân quanh vùng thường gọi đây là cây lim nghìn tuổi, bởi nhiều già làng nói lớn lên đã thấy cây lim đứng sừng sững giữa đất này.
Thân cây lim nhiều người ôm không xuể |
Cũng theo ông Thái, cây lim có chiều cao hơn 30 mét, có đường kính gần 2 mét, còn vòng tròn thân cây khoảng 5 người vòng tay mới ôm hết. Gốc cây sần sùi, mốc meo và có 2 vết cắt, trong đó có một vết khá lớn được cắt sâu vào 1/3 thân cây. Đó là những vết cắt mà lâm tặc đã nhiều lần cố đốn hạ cây.
“Cách đây khoảng 10 năm, lợi dụng lúc trạm kiểm lâm đang ăn cơm chiều, một nhóm lâm tặc đã mang cưa, rìu vào để đốn cây. Nhận được tin báo của nhân dân, ông Lê Thế Long hồi đó là Giám đốc VQG (hiện là Phó giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa) đã huy động 20 anh em tới hiện trường để ngăn chặn. Nhưng nhóm lâm tặc vẫn hung hãn không dừng lại mà còn tấn công cả kiểm lâm, chúng tôi đã phải báo cáo huyện điều công an tới, nhóm lâm tặc mới bỏ đi”- ông Đặng Hữu Nghị, Giám đốc VQG Bến En kể lại.
Không những bị lâm tặc lăm le đốn hạ, khoảng 3 năm trước,1 cành trên cây lim bất ngờ bốc cháy dữ dội trong đêm. Lực lượng kiểm lâm đã phải huy động hàng chục người tìm cách cứu cụ cây. Tuy nhiên, vị trí cháy cách mặt đất khoảng 30 m nên kiểm lâm không thể tiếp cận được mà phải nhờ đến công an, quân đội đưa cần cẩu tới mới dập được lửa, cứu cây an toàn.
Khôi phục lại những cánh rừng lim
Nằm trong nhóm “tứ thiết” (đinh, lim, sến, táu), nên lim xanh là loài cây gỗ quý được phân bổ chủ yếu ở một số tỉnh như Lạng Sơn, Phú Thọ, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… và cây lim xanh ở VQG Bến En là một trong số ít những cây lớn, nhiều năm tuổi còn sót lại ở Việt Nam.
Thấy được giá trị của loài lim, VQG Bến En đã bắt đầu nghĩ đến việc khôi phục, nhân rộng những cánh rừng lim đã bị xóa sổ trước kia. Và một đề án phát triển, bảo tồn loài cây này đã được UBND tỉnh Thanh Hóa thông qua.
Trải qua cả nghìn năm, cây lim xanh vẫn sừng sững giữa đất trời |
Là người gắn bó với rừng hàng chục năm, ông Lê Đình Phương, Phó giám đốc VQG Bến En cũng là người có tâm huyết trong việc khôi phục lại những cánh rừng lim xanh bạt ngàn.
“Năm 2011, dự án được phê duyệt, chúng tôi đã tiến hành điều tra đặc điểm phân bố, cấu trúc lâm phần, tổ thành loài, đặc điểm hình thái, sinh thái, đặc điểm tái sinh của loài lim xanh. Giám sát tại những khu vực có lim xanh còn sót lại phân bố tập trung, đồng thời, theo dõi quá trình sinh trưởng của cây ở vườn ươm, rừng trồng và rừng tự nhiên. Từ đó, xây dựng bản đồ hiện trạng, phân bố loài lim xanh ở VQG Bến En để triển khai việc bảo tồn và phát triển loài”- ông Phương chia sẻ.
Cũng theo ông Phương, đa số rừng lim xanh còn lại trong VQG là những cây nhỏ, đường kính đang còn bé, nên đơn vị đã chú trọng đến việc khôi phục cây lim xanh cổ thụ để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học.
“Hiện nay, chúng tôi đang khoanh vùng khoảng 1.000 ha lim xanh tự nhiên và trồng mới khoảng 5 ha rừng lim (được lấy hạt từ cây lim cổ thụ và hạt lim trong rừng) để phục vụ cho việc phát triển, bảo tồn loài. Nhờ đó mà giờ đây, nhiều cánh rừng lim xanh tại VQG đang phát triển sinh trưởng tốt, góp phần tạo nên sự đa dạng sinh học tại đây”-ông Phương thông tin.
Bình Minh (Dantri)