Phóng sự - Ký sự

"Bẫy" thực phẩm chức năng-Bài 1: Đổ xô săn lùng "thần dược"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
LTS: Thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) ở Việt Nam đang bùng nổ với hàng ngàn chủng loại sản phẩm khác nhau. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng TPCN để bảo vệ, cải thiện sức khỏe của người dân ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, thị trường TPCN đang vô cùng hỗn loạn khi nhiều sản phẩm TPCN kém chất lượng, thậm chí là hàng giả, hàng nhái nhưng được quảng cáo thổi phồng quá mức về công dụng, tính năng như “thần dược”. 
Nở rộ trong những năm gần đây, TPCN đang được xem là xu thế của thế kỷ bởi phần nào đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và sức khỏe. Tuy nhiên, với sự quảng cáo thổi phồng quá mức của các nhà sản xuất, kinh doanh về sản phẩm này đang khiến một bộ phận người dân hiểu chưa đúng về TPCN, thậm chí gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
 Tăng cả cung lẫn cầu
Thống kê của Hiệp hội TPCN Việt Nam, tính đến hết năm 2018, số người thường xuyên sử dụng TPCN tại Việt Nam là hơn 20 triệu người, tương đương khoảng 21,5% dân số. Có cầu ắt có cung. Thị trường TPCN vì thế cũng đồng loạt nở rộ. Nếu như thời điểm năm 2000, TPCN chủ yếu là hàng nhập khẩu, thì đến nay, sau gần 20 năm xuất hiện trên thị trường, có tới hơn 70% sản phẩm do các cơ sở trong nước sản xuất, 20% là hàng nhập khẩu. Hiện Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp tham gia sản xuất TPCN với hơn 6.000 sản phẩm đang lưu hành. 
 
Lực lượng chức năng kiểm tra nhà thuốc bán thực phẩm chức năng. Ảnh: THÀNH SƠN
Cùng với sự bùng nổ các công cụ Internet online, TPCN không chỉ được bày bán tại các nhà thuốc mà còn được rao bán rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Rất dễ dàng để người tiêu dùng mua được hàng trăm loại sản phẩm TPCN có công dụng khác nhau trên thị trường cũng như các trang mạng xã hội. Trong đó, “hot” nhất vẫn là các loại TPCN có nguồn gốc thiên nhiên, hay các sản phẩm có xuất xứ nước ngoài như Mỹ, Australia, Nhật Bản… Chỉ cần một lần click chuột trên Google với cụm từ “thực phẩm chức năng cải thiện trí nhớ” đã cho tới hơn 9,7 triệu kết quả trong vòng chưa đầy một giây, trong đó không ít trang quảng cáo “nổ” các sản phẩm này với rất nhiều công dụng hữu hiệu.
Xét về khía cạnh chuyên môn, PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp Hội TPCN Việt Nam, cho rằng xu hướng tiêu dùng TPCN ngày càng tăng bởi là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh.
“TPCN bản chất là một loại thực phẩm điều trị, có tác dụng chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ, hỗ trợ làm đẹp, tăng sức đề kháng đẩy lùi bệnh tật, hỗ trợ điều trị, tăng sức khỏe chung... Vì thế nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao”, PGS-TS Trần Đáng chia sẻ. 
Đắt có xắt ra miếng?
Khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, có hơn 90% nhà thuốc trên toàn quốc đang bán TPCN chủ yếu là hàng sản xuất ở trong nước. Nhưng khi khách hàng có nhu cầu mua các sản phẩm TPCN ngoại nhập, đắt tiền đều được đáp ứng ngay lập tức với rất nhiều sản phẩm, nguồn gốc khác nhau. Trong khi đó, TPCN được kinh doanh trên mạng xã hội hầu hết đều là hàng ngoại nhập theo hình thức hàng “xách tay”, nhiều nhất là các sản phẩm bồi bổ nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, giảm cân, làm đẹp, cho tới những sản phẩm được quảng cáo như “thần dược” ngừa được cả ung thư. 
Bên cạnh các sản phẩm TPCN bồi bổ cơ thể, phòng ngừa bệnh tật thì các sản phẩm có tác dụng làm đẹp, chống lão hóa được nhập ngoại từ Mỹ, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng rất phong phú và giá thành cũng không hề dễ chịu chút nào, nhưng luôn trong trạng thái cháy hàng. 
 
Qua tìm hiểu của phóng viên, nếu như các sản phẩm TPCN làm đẹp có thành phần chính là nhau thai cừu xuất xứ từ Australia đã khá phổ biến thì mới đây, nhiều chị em đã truyền tai nhau sản phẩm nước uống nhau thai ngựa Melsmon Platinum Liquid có giá hơn 3 triệu đồng/hộp/20 ống, mỗi ống 10ml.
Theo như giới thiệu, thứ nước uống chiết xuất từ nhau thai ngựa này đang là trào lưu hiện đại dùng để chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp hàng đầu tại Nhật Bản vì rất giàu vitamin, khoáng chất, axit amin và các yếu tố vi lượng giúp bồi bổ cơ thể, tăng cường sinh lực và làm đẹp da.
Trong khi đó, cũng là một sản phẩm TPCN giúp làm đẹp có thành phần chính là nhau thai cừu nhưng lại có xuất xứ từ New Zealand có tên là Zell V Platinum Plus 30.000mg được bán với giá gần 10 triệu đồng/hộp 30 viên. Loại sản phẩm này được giới thiệu là cao cấp nhất được sản xuất với gấp đôi dưỡng chất, giúp chăm sóc cơ thể, cải thiện chức năng của hệ miễn dịch, không những thế còn chống lão hóa, làm đẹp da và xóa mờ các vết nám hiệu quả, kích thích sản sinh các tế bào mới mà còn sửa chữa các tế bào hư tổn giúp cơ thể khỏe mạnh và làn da mịn màng.
Thị trường cũng nhan nhản TPCN được giới thiệu chiết xuất tế bào gốc được nhập từ Anh, Pháp, Mỹ… mà công dụng hơn cả “thuốc tiên” như chống lão hóa, làm trắng da, loại bỏ da sạm do tuổi tác, cải thiện hệ thống tim mạch ổn định, tăng cường thị giác làm mắt sáng hơn, xương và răng cũng được khỏe chắc hơn, bảo vệ tế bào thần kinh, màng thần kinh, tăng cảm nhận về hạnh phúc. 
Một số chuyên gia TPCN thẳng thắn cho biết, không ít sản phẩm TPCN ngoại nhập giá rất đắt nhưng chất lượng khó có thể đảm bảo vì là hàng xách tay, nhập lậu, nguồn không rõ ràng và không có chứng nhận chất lượng của các cơ quan chức năng. Thậm chí, không ít vụ vận chuyển nhập lậu TPCN được dán nhãn mác xuất xứ từ Mỹ, Australia, Nhật Bản... nhưng thực chất là được một số chủ hàng ở Việt Nam đặt hàng cơ sở ở Quảng Châu, Trung Quốc sản xuất.
TPCN không phải là thuốc nên không có tác dụng chữa bệnh mà chỉ hỗ trợ điều trị bệnh, cần phân biệt việc điều trị và hỗ trợ điều trị là hoàn toàn khác nhau. Sản phẩm TPCN nào được quảng cáo là dùng trị bệnh là hoàn toàn sai và người tiêu dùng phải rất cảnh giác. Người dân trước khi dùng TPCN nên được tư vấn bởi các nhà chuyên môn, thầy thuốc, nhất là những người đang bị bệnh.
PGS-TS TRẦN ĐÁNG, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam
Nhóm PV (SGGP)

Có thể bạn quan tâm