Bệ phóng cho vùng thượng nguồn sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Kbang được xem là một vùng địa linh nhân kiệt. Có thể nói như vậy về vùng đất hào hùng nằm ở thượng nguồn sông Ba này. Từ hơn 200 năm trước, khi ba anh em nhà Tây Sơn bắt đầu dựng nghiệp, đất và người nơi đây đã từng nuôi đội quân áo vải đợi ngày xuôi đèo An Khê làm nên nghiệp lớn. Vùng thượng nguồn luôn xanh lúa, xanh ngô và đỏ thắm lá trầu nguồn. Nghĩa quân cùng với nhân dân trong vùng tổ chức trồng lương thực trên cánh đồng Cô Hầu rồi sau đó mở rộng ra cao nguyên Kon Hà Nừng bây giờ. Kbang trở thành vùng hậu cần vững chãi cho phong trào khởi nghĩa, giúp ba anh em Tây Sơn lãnh đạo nghĩa binh đi đến thành công.
 

 Đường Đông Trường Sơn đoạn qua huyện Kbang. Ảnh: Duy Lê
Đường Đông Trường Sơn đoạn qua huyện Kbang. Ảnh: Duy Lê

Rồi đến những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, vùng thượng nguồn sông Ba lại một lần nữa khẳng định vai trò chiến lược của mình. Như dòng sông vượt qua ghềnh thác, tuy cực khổ, thiếu thốn trăm bề nhưng người dân các buôn làng bên sông quyết không chịu khuất phục, đoàn kết đứng lên chống lại kẻ thù cướp nước. Có thể nói không quá rằng, hai bên bờ sông Ba đã thấm đẫm cả một vùng di tích lịch sử: Cánh đồng Cô Hầu, làng kháng chiến Stơr, thị trấn Dân Chủ,… là những tên đất, tên người sống mãi với thời gian.

Chiến tranh ác liệt nhưng mặc cho bom đạn kẻ thù ngày đêm trút xuống vùng rừng Kon Ka Kinh, Kon Chơ Răng, chỉ tiêu 40 m3 gỗ trắc đưa ra thủ đô Hà Nội xây dựng Lăng Bác Hồ chỉ trong thời gian ngắn đã được đồng bào Sơn Lang khai thác xong và vượt lên 50 m3. Những cây gỗ quý dài 4-5 mét, được đẽo vuông 50 cm, vượt đèo, vượt suối xuyên rừng trên đường mòn Hồ Chí Minh ngược ra miền Bắc, góp phần làm nên một công trình kiến trúc trang nghiêm, độc đáo giữa thủ đô, nơi ngày ngày đón hàng vạn lượt người từ khắp mọi miền vào lăng viếng Bác.

Còn nhớ, lần đầu tôi đến huyện là vào năm 1985, khi Kbang vừa được chia tách từ huyện An Khê để thành lập huyện mới. Xe đò ngày một chuyến từ An Khê vào, đường đất bụi mù, thị trấn vỏn vẹn mấy chục nhà dân, lợp ngói, tôn và lợp cả lá tranh. Đêm ngủ lại nhà một người bạn học thời sau 1975, tôi nằm nghe rõ tiếng mang tác trong cánh rừng quanh thị trấn huyện. Anh bạn than: Đưa cả gia đình từ An Khê vào đây trong khi cơ sở huyện mới chưa có gì nên gia cảnh khó khăn lắm. Vợ anh lại chưa có việc làm, việc học của các cháu cũng chẳng biết tính sao… Như anh, đời sống của đồng bào nhiều xã trong huyện thiếu thốn trăm bề. Nhiều vùng còn chưa biết dùng sức kéo trâu bò làm đất, trồng lúa nước, chủ yếu là làm nương rẫy. Ốm đau chưa biết đến trạm y tế…

 

Trung tâm huyện Kbang. Ảnh: Đức Thụy
Trung tâm huyện Kbang. Ảnh: Đức Thụy

Sau 30 năm, đến nay huyện vùng xa Kbang đã hoàn toàn thay đổi. Bây giờ đố ai tìm được một nếp nhà tranh ở thị trấn huyện lỵ. Ngay cả “ốc đảo” Kon Pne vào loại khó khăn nhất nước, xe ô tô cũng đến nơi, có trường học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, điện, điện thoại và nhiều thứ tiện nghi khác... Hầu hết các thôn làng trong huyện đều có điện. Hàng năm huyện đều đạt và vượt chỉ tiêu thu ngân sách trên địa bàn. Kế thừa và phát huy truyền thống sản xuất từ xưa, bên cạnh hàng chục ngàn ha cây lương thực như lúa, bắp, Kbang còn phát triển vùng mía nguyên liệu cung ứng cho Nhà máy đường An Khê, trồng cả cây cà phê, cây ăn quả cùng một số cây công nghiệp dài ngày khác. Bám rễ từ đầu, gia đình anh bạn khó khăn của tôi ngày nào giờ trở thành một “đại gia” trong huyện với các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ cùng một trang trại rộng lớn ở ngoại vi thị trấn. Toàn huyện có đến hơn 50 doanh nghiệp lớn, chuyên kinh doanh và chế biến nông-lâm sản. Đến Kbang bây giờ nếu nghe người dân bàn chuyện làm ăn lớn xin bạn đừng giật mình: Nào là xây dựng trang trại nuôi heo rừng, nuôi cá; trồng rừng nguyên liệu, phát triển diện tích mía trồng mới, lập vườn sinh vật cảnh, làm dịch vụ du lịch… những chuyện vài chục năm trước nếu nghe cứ ngỡ như chuyện ở đâu đâu...

Chưa hết, hạnh phúc còn đến với người dân một thời hạt gạo cắn đôi cho cách mạng nơi đây khi con đường kinh tế-chiến lược Đông Trường sơn đã chạy xuyên qua địa bàn huyện với chiều dài đến 86 km, nối từ xã Hiếu (Kon Rẫy, Kon Tum) qua Sơn Lang, Sơ Pai, thị trấn, Tơ Tung (huyện Kbang) trước khi băng qua đường 19 vào địa bàn huyện Đak Pơ thông với nhiều trục đường khác trên toàn hệ thống đường bộ Tây Nguyên và cả nước. Trong chuyến ngược đường Đông Trường sơn mới đây, tôi đi từ thị trấn Kbang lên thăm khu du lịch sinh thái Măng Đen (Kon Plông, Kon Tum), cảnh vật hai bên đường như đưa chúng tôi lạc vào một cảnh giới khác. Con đường rừng quanh co, đường đất nhiều ổ gà ngày nào giờ mặt đường rộng, thoáng, rải nhựa đẹp như đại lộ. Bất chợt tôi liên tưởng: Phải chăng đây chính là bệ phóng cho vùng thượng nguồn sông Ba cất cánh?

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm