Phóng sự - Ký sự

Bên 9 miệng Rồng - kỳ 2: Sắt son cửa Đại

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong căn nhà đơn sơ, bên cạnh bàn uống nước, ông Nguyễn Văn Đình (ảnh, 77 tuổi) treo Huy chương kháng chiến kèm một lá cờ Tổ quốc đã bạc màu. Phì phèo điếu thuốc, ông nhớ lại thời kỳ sôi động, đầy nhiệt huyết làm giao liên trong kháng chiến chống Mỹ...

Trung dũng, kiên cường

Nhà ông Đình khá nhỏ, nằm ngay cạnh con rạch dẫn ra cửa Đại nơi sông Tiền đổ ra biển, thuộc địa giới hành chính xã Phú Tân (huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang). Ông Đình sinh năm 1946, gốc ở Gò Công, dáng người nhỏ nhắn, quắc thước, tóc hoa râm. Ngay bàn uống nước, khu vực trang trọng nhất của căn nhà, ông Đình treo cờ Tổ quốc cùng Huy chương kháng chiến hạng nhất trong kháng chiến chống Mỹ. Vợ ông Đình nằm võng, vài đứa cháu chạy chơi quanh nhà.

Trước khi đổ ra biển Đông tại cửa Đại, nhánh sông Tiền chảy khoảng 90 km, bắt đầu từ nơi phân nhánh ở cuối Cù Lao Minh, là ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Bến Tre và tỉnh Tiền Giang. Sông trước khi ra biển rộng, trung bình từ 1.500 đến 2.000m. Theo nghiên cứu, tàu trọng tải 500 tấn có thể đi từ cửa Đại đến tận Phnôm Pênh, thủ đô của Campuchia, mở ra một hướng vận tải biển tiềm năng.

Nói về kỷ niệm những tháng ngày hoạt động cách mạng, ông Đình đầy hứng khởi. Những năm 1960, ông mới bước vào tuổi thanh niên. Mấy anh em trong nhà vẫn thường ra sông đánh cá, bắt cua. Sẵn nhà có truyền thống, qua kết nối, ông làm giao liên, chuyên đưa đón, mua đồ cho cán bộ hoạt động trong vùng.

“Hồi đó, mình thấy mấy ổng hoạt động cách mạng gian khổ quá. Gạo lúa, thuốc men đều khó. Mấy ổng hỏi, mày dám mua giùm đồ, thuốc chích cho tụi tao không? Tôi nói cái đó ăn thua, ăn nhằm gì đâu? Rồi ông Bảy Phò (một bà con của ông Đình-PV) mới tổ chức để tôi đưa rước mấy ông đi chỗ này, chỗ kia. Tôi nói không sợ gì hết. Ổng nói, vậy được, mày với em mày cố gắng giúp cách mạng”, ông Đình nhớ lại.

Cửa Đại nhìn từ phía bờ Tiền Giang. Ảnh: Nhật Huy

Cửa Đại nhìn từ phía bờ Tiền Giang. Ảnh: Nhật Huy

Ông Đình kể, có lần, địch sục sạo quá gắt, cán bộ hoạt động cách mạng không qua sông được, bàn với ông cách sang Bến Tre. “Tôi định đi ghe nhỏ, nhưng các ông bảo tìm cách mua vài cái xuồng ba lá. Tôi sang Bình Đại mua 2 chiếc xuồng ba lá đưa qua. Sau đó, có tên thiếu tá Việt Nam Cộng hòa (VNCH) mời bà già tôi lên làm dữ lắm. Nó nói nhà tôi là Việt cộng. Bà già tôi cũng khôn khéo, bảo Việt cộng nào, con tôi mua về cho bà con trong nhà đi câu đó.

Ông Nguyễn Văn Đình.

Ông Nguyễn Văn Đình.

“Sợ thì đã không làm”, ông Đình nói giọng chắc nịch. Có đợt, khi chở đồ qua cho cán bộ, bị địch bắn, ông và mấy người em phải nhảy xuống sông, lẩn vào dãy bần. “Chúng bắn gãy cả ghe luôn. Tôi đâu có sợ, nếu sợ đâu làm vụ đó. Tôi cũng không sợ chết. Mình giúp cách mạng cũng là giúp bà con mình nữa. Nhà tôi nhiều người hoạt động cách mạng mà. Lúc đó, tôi có nghĩ gì đâu, chỉ nghĩ vậy thôi”, ông Đình nói. Cứ thế, ông làm nhiệm vụ liên lạc, đưa đón cán bộ, có khi đi tuốt lên mạn Cần Giờ, Xoài Rạp…

Con ông Đình vẫn nối nghiệp cha, làm nghề đánh lưới nơi cửa Đại.

Con ông Đình vẫn nối nghiệp cha, làm nghề đánh lưới nơi cửa Đại.

Người em đi theo ông Đình trong những chuyến đưa đón cán bộ năm xưa, nay cũng gần 70 tuổi, tên Nguyễn Văn Phuông. Theo lời chỉ dẫn, phóng viên Tiền Phong đi phà qua cửa Đại, tìm đến nhà ông Phuông trong một con hẻm nhỏ. Ông Phuông sinh năm 1960, nhỏ hơn ông Đình 14 tuổi. “Anh tôi hoạt động cách mạng năm 1968. Lúc đó tôi đi theo anh bắt cá, bắt cua với vào chơi với các bác, các chú trong rừng”, ông Phuông nhớ lại.

Ông Phuông vẫn nhớ, ông Đình thời điểm đó đến tuổi bị bắt đi quân dịch. Vài lần làm căn cước đều tìm cách hạ độ tuổi xuống để “trốn”. Đến lần thứ 3, không đủ tiền lo lót, ông Đình buồn, bơi qua sông sang bến đò Đèn Đỏ (Tiền Giang) chơi, bị bắt rồi đưa đi ra mạn Quảng Trị.

Ông Phuông bảo, thời đó, má ông đi làm liên lạc, thư từ cho lãnh đạo Huyện ủy Gò Công, mấy anh em ông đưa cán bộ cách mạng, bộ đội qua sông, hoạt động tiếp tế gạo, thuốc; rồi một số cán bộ hoạt động cách mạng như Bảy Phò, Ba Cu, Chín Mỹ, Hai Hinh… đều là họ hàng về phía má ông. “Cả dòng họ tôi là Việt cộng không à”, ông Phuông dí dỏm.

Những đổi dời

Năm 1975, khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Đình về lại quê hương, sống bằng nghề chài lưới ven cửa Đại. Ông Phuông cũng lập nghiệp, làm nghề chài lưới bên kia cửa sông (Bình Đại, Bến Tre). Hai người anh em của ông Đình, ông Phuông, một người đã mất, một người hy sinh tại Campuchia. Ông Phuông cũng đang trông giữ căn nhà tình nghĩa của người em trai ngay bên cạnh nhà mình. Mỗi dịp giỗ, chạp, hai anh em lại đi xuồng, hoặc đi phà qua thăm nhau.

Ông Đình nói, sông nước trong vùng đã thay đổi nhiều theo thời gian. Những năm gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu, khu vực cửa Tiểu, cửa Đại cũng đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn như sạt lở, xâm nhập mặn. Trong đó, khá nhức nhối là tình trạng “nhân tai” khai thác cát trái phép vẫn xảy ra phức tạp, tập trung nhiều ở các bến phà Bình Ninh, Vàm Giồng, Rạch Vách, Tân Long (thuộc sông cửa Tiểu); khu vực cống Lý Quàn, đoạn cồn Thới Trung và cù lao Tân Thạnh (thuộc sông cửa Đại). Thỉnh thoảng, trên các phương tiện truyền thông lại thông tin việc bắt tàu, thuyền hút cát trộm giữa đêm. Để ứng phó, các ngành chức năng liên quan của tỉnh Tiền Giang, huyện Tân Phú Đông đã và đang tổ chức triển khai thực hiện nhiều giải pháp đấu tranh, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này…

Đều đã ở độ tuổi mắt mờ, chân chậm, ông Đình, ông Phuông đã giã từ nghề biển từ lâu. Ông Đình giờ ở nhà trông cháu, thỉnh thoảng vá lưới cho con trai đi biển. Ông Phuông cũng ở nhà vui vẻ với con, cháu. Nguồn lợi từ cửa Đại, rồi những chuyến tàu vươn khơi ra biển Đông nuôi sống gia đình ông Đình, ông Phuông và biết bao gia đình khác, giờ đã ít đi. Tàu, thuyền đánh bắt thủy, hải sản cũng dần thưa vắng. Các con của hai ông, người theo nghề biển, người đổi nghề khác để kiếm sống. “Trước không có vốn, không sắm được tàu, cuộc sống vất vả lắm. Giờ các con đã lớn, có cô, bác hỗ trợ, mua được ghe lớn, máy lớn, thu nhập cũng tốt hơn. Nhưng cá thì ít đi nhiều. Mấy loại cá lớn gần như ít thấy. Mùa này trừ xăng dầu rồi mỗi ngày cũng kiếm được 1,5 - 2 triệu đồng. Nhưng đến mùa gió chướng thì không có gì. Mỗi năm chỉ hoạt động được 3 - 6 tháng thôi”, ông Đình bày tỏ.

Lúc chia tay phóng viên, ông Đình và con trai lên tàu chuẩn bị ngư cụ cần thiết cho chuyến đánh bắt cá buổi chiều. Ông Đình chia sẻ, thời điểm này, chủ yếu đánh bắt ở quanh khu vực cồn Ngang. Cồn này án ngữ trước cửa sông, theo thời gian, ngày càng mở rộng, nguồn lợi thủy sản còn nhiều. Mỗi lần nước lên, cá tôm hàng đàn kéo về. Đây cũng là địa chỉ quen thuộc của bà con hành nghề cào nghêu. Cồn Ngang, cùng với cồn Cống và một vài địa điểm khác đang được huyện Tân Phú Đông hướng tới phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển. Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Bùi Thái Sơn cho biết, huyện đang nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp để hướng tới sự phát triển bền vững bằng nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ và làm du lịch, thay đổi dần cơ cấu kinh tế để thích ứng với biến đổi khí hậu…

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm