Phóng sự - Ký sự

Bên kia sông là A Rooih...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Điều chắc chắn, là tôi nhớ khoảnh khắc những chiều đó, đường Hồ Chí Minh đoạn tại Zà Hung, mặt trời từ vàng lặng lẽ chuyển sang đỏ, rồi vụt sáng lên một chút trước khi chìm xuống mặt sông A Vương, trả lại màu xanh mờ khói cho cây rừng. Và lúc ấy, bao giờ cũng vậy, là những đoàn người lúc thúc đâu đó hiện ra ở cầu treo qua sông A Vương.

Nhà cửa chen chúc, sau lưng sát sườn núi rất nguy hiểm. Ảnh: T.V

Tôi đứng như chết lặng, không biết bao lần, nhìn những cái gùi to nhỏ cao thấp nhảy nặng trĩu sau lưng người như chú bé người gỗ Picnochio của Carlo Collodi, dáng thẫm đen như con cá lớn in xuống mặt sông, rồi hóa thân vào khói và sương chiều biến mất sau cánh rừng... Tôi đứng đó là dấy lên câu hỏi: bên kia sông là đâu? A Rooih đó, ai đó trả lời tôi...

1. Nhưng điều kỳ lạ, như bao điều tương tự đi suốt cuộc đời con người, lúc thảng thốt nhớ lại, sẽ bật ra câu hỏi: Ủa, tại sao mình không đi tới đó coi thử, ở đó có gì? Sau 22 năm sau, lần đầu tiên sau những buổi chiều chôn chân nơi bến sông cùng những người thợ thanh niên xung phong làm đường Hồ Chí Minh ngày đó, tôi mới qua A Rooih (Đông Giang).

Không còn cầu treo nữa, mà cầu bê tông vững chãi, chạy từ thị trấn Prao vào Zà Hung, rẽ trái, qua cầu, là tới A Rooih. Bí thư Đảng ủy xã A Rooih - Alăng Cung nói ngay, số hộ nghèo cao lắm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 63,79% (cả xã có 428 hộ, 1549 khẩu).

“Đây ra thị trấn, chạy xe máy chừng 15 phút mà?” - tôi thắc mắc, bởi mặc định là khá gần chứ phải hun hút xa xôi chi đâu với trung tâm huyện, thì mảng màu tối tại sao lắm thế? Ông Cung nói: “Có mấy nguyên nhân: không việc làm ổn định, đất ở không có, tập tục ma chay, cưới xin nặng nề”.

Rồi ông lý giải, ví dụ chuyện ma chay, nhà có người mất thì phải chiêu đãi mấy ngày. Còn cưới, nhà trai phải đi lễ chiêng ché, nhà ai to thì làm trâu, nhỏ thì heo. “Nặng nề lắm anh” - ông lắc đầu - “một đám cưới phải giết 15 con heo, rồi chiêng ché, ăn uống mấy ngày. Tốn kém lắm”. “Là chừng bao nhiêu?”. “Tổng chi phí chừng 80 - 90 triệu đồng, hoặc hai gia đình chung lại, hoặc nhà trai phải lo. Mà giờ lại càng đau đầu hơn, là có xu hướng lớp trẻ muốn cưới như người Kinh, được, ưng thì cho cưới, nhưng người lớn sẽ tổ chức một lần nữa theo truyền thống. Tiền nối tiền. Nợ chồng nợ”.

“Chính quyền bó tay hả?” - tôi hỏi. Ông Cung: “Xã tuyên truyền tận dân, có đỡ hơn trước đó. Tập tục đã ăn sâu vào nếp nghĩ và họ duy trì cách sống, cách nghĩ này; hệ thống chính trị không theo kịp”.

“Không lẽ lớp trẻ có học lại cứ suy nghĩ như người già?”. “Trẻ bị lệ thuộc gia đình hai bên, khi họ không có tài sản, nên không quyết định được. Những người là giáo viên, bác sĩ, thì tự quyết định được, tổ chức khác so với người không có tiền. Mình đi vận động thì họ nói: Tôi đâu có xin tiền ai, tự tôi ưng thì làm mà. Thua” - ông Cung lắc đầu.

Cưới một lần, nợ một đời. Câu chuyện tập tục nặng nề làm nợ nần đu bám, làm héo hon bao cuộc đời, biết bao giờ biến mất, để người có cơ hội ngẩng mặt lên khỏi mặt đất? Tôi đã sai khi đọc đâu đó và hỏi lại: “Arooih có OCOP phải không anh ?”. “Không có anh à” - ông Cung nói.

Không có dịch vụ, thương mại. Cả xã chỉ có 1 người Kinh. Bài ca bất tận và duy nhất vẫn là ruộng, rẫy, với cánh đồng lúa nước đến 51ha trải dọc đường gần cầu qua sông đến trường cấp hai. Có hai chỗ được khoanh vùng để nuôi heo đen...

2. Những gạch đầu dòng ám tối. Ông Hooih Đức - Chủ tịch UBND xã A Rooih giọng buồn buồn: “Điều kiện kinh tế xã hội khó khăn quá anh, nhất là đất ở, không ổn định sắp xếp dân cư được thì đâu có yên tâm làm ăn. Mùa mưa lũ, tụi tôi lo lắm. Năm ngoái sạt lở là chạy cuống chân.

Nếu có mặt bằng thì chỉ quy hoạch được tầm dưới 40 hộ, mà quy định của cấp trên là phải từ 100 hộ trở lên mới triển khai thực hiện. Tỉnh đã về khảo sát nhưng đành chịu. Không có cơ chế nhỏ lẻ cho quy hoạch, bởi ở đây đặc thù quá, thì không biết sẽ làm sao đây.

Còn xuất khẩu lao động, mình tạo điều kiện hết mức nhưng bà con không dám đi, vì họ sợ đi thì sẽ mất vợ hoặc chồng vì đã có nhiều trường hợp rồi. Dân thì quá nghèo, đi thì không có tiền đối ứng. Rồi bà con do không nhận thức điều hay, không tự vươn lên, trông chờ ỷ lại”.

Phút nói thẳng nói thật của ông Đức, như gánh nặng đè lên vai người đứng đầu xã, “nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”. Ông nói tiếp: “Người dân không chịu chuyển đổi mô hình làm ăn. Mình nói miết, nói rất rõ là phải làm thế này thế kia, nhưng họ thích tự do, tự nhiên, không muốn bất kỳ ràng buộc quy trình kỹ thuật, quy mô diện tích nào cả”.

Tư tưởng không thông, mang bi đông cũng nặng. Đây chắc chắn là... hầm lô cốt kiên cố, mà muốn có bom xuyên phá, thì phải có một mô hình nào đó thực sự hiệu quả mới làm cho người ta nhìn vào, dần giác ngộ rồi may ra mới bừng tỉnh gột rửa, thay đổi nếp làm nếp nghĩ.

Mưa réo rắt trên những sườn dốc chênh vênh. Xã cho định vị là có 4 điểm nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng đến gần 100 hộ dân. Lối vào thôn A Bung - Tu Ngung trơn trượt.

Già làng Alăng Ta Lăng giọng rầu rầu: “Ở xúm lại chật chội lắm, mà sạt lở sát chân nhà rồi. Bà con ưng di dời đi, sợ lắm, không biết sống chết lúc nào. Mỗi lần mưa lớn, nước từ đồi Xoong Ói chảy dữ dội”. “Bà con ở đây bao lâu rồi?”. Tôi hỏi. “40 năm”. Ông già buông câu trả lời như vết chém cây rừng định mệnh, một vết chém cháy lửa mà đẫm mưa, chua chát lẫn nhọc nhằn mà cam chịu.

Không biết cô gái này sẽ ngồi dệt tại đây được bao lâu nữa. Ảnh: T.V

3. Tôi lách giữa lối đi, những căn nhà cửa cách nhau chừng một mét. Cuối thôn, có một nhà bỏ hoang bởi đất sạt đã bò đến tận cửa. Kế đó hai căn, có cô gái lặng lẽ ngồi dệt tấm dồ, cứ cười cười như thể không có gì xảy ra, như hiểm nguy rình rập là tiếng sấm xa đâu đó chứ không phải làng mình.

Cô nói tấm dồ này có giá chừng 300 - 400 nghìn đồng, dệt mấy tháng mới xong. Không biết cô sẽ còn dệt bao nhiêu tấm nữa, bao nhiêu mùa đông lướt thướt như thế này nữa, tại chính đây, hay là mai kia phải cuốn dồ, dẹp khung tháo chạy trong cơn thịnh nộ của trời đất?

Dự kiến bố trí khu tái định cư ở thôn A Điêu và Tu Ngung là cấp bách, nhưng lãnh đạo xã nói cấp trên sợ những chỗ đó cũng có nguy cơ sạt lở nên không dám quyết. “Chúng tôi sẽ phải làm bằng được 2 khu này” - Bí thư xã Alăng Cung quả quyết.

Mưa nhão nhẹt, nhưng người ta vẫn làm đường. Đó là ĐH5 đi ngang thôn Tu Ngung. Từ đây đi chừng 3km nữa là đến A Điêu giáp thôn A Ly của xã Zang huyện Tây Giang.

Chủ tịch xã Hooi Đức nói rằng, xã mong muốn nối thông đường với Tây Giang để giảm khoảng cách rất lớn lên đó, mở rộng giao thương và quan trọng hơn là có cơ hội tái định cư, bố trí cho dân ở. Lời anh buồn: “Vô đây là đường cụt, xã tôi như cái ruột thừa anh à… Kiến nghị hoài mà không được. Tôi chỉ mong giải quyết trong nhiệm kỳ ni là mừng”.

Tôi nghe như lời mưa dọc đường, giăng giăng trên đồi lan xuống cánh đồng lúa nước mùa đông như tấm ni lông lớn lỗ chỗ, bất động. Bên này cầu là A Rooih, chạy chưa tới 100m là đường Hồ Chí Minh, sao vời vợi xa cái ngày an cư lập nghiệp rồi một cuộc cách mạng về nếp sống để bớt đi những dáng gùi lầm lũi trĩu nặng. Dù có cầu bê tông nối với đường vô huyện từ năm 2009 rồi nhưng vẫn mãi là khúc ruột thừa, và nếu nó trở chứng đau viêm, thì nguy!

Có thể bạn quan tâm