Trong khi các bến xe gặp cảnh bết bát, xe hợp đồng trá hình, xe dù bến cóc lại hoạt động rầm rộ, gây ra nhiều hệ lụy và khiến Nhà nước thất thu.
Xe Limousine Hoàng Gia chạy phù hiệu hợp đồng do Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cấp nhưng đưa về Đắk Nông chạy trá hình, bắt khách tuyến cố định
Kỳ 2: Trốn phí, thuế tiền tỷ tràn lan
“Bất lực” nhìn xe trá hình náo loạn
Trong vai hành khách cần đi TP HCM, trưa 25/3, PV Báo Giao thông liên hệ vào tổng đài nhà xe Xuân Tùng qua số điện thoại 0905006xxx, nữ nhân viên nhà xe cho biết xe chạy lúc 12h, khách ở Đà Nẵng thì đến số 88 đường Điện Biên Phủ (văn phòng Xuân Tùng, quận Thanh Khê) để lên xe. Giá vé là 550 nghìn đồng/giường phía trên, 600 nghìn đồng/giường phía dưới, nhân viên giới thiệu. Khoảng 11h41, xe khách BKS 43B-4332 đề tên Xuân Tùng đến đúng địa chỉ đón khách, dù vị trí này là đường gom thuộc hầm chui Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương chỉ có 2 làn đường. Chiếc xe giường nằm đỗ chiếm hết một làn đường, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
Chúng tôi tiếp tục liên hệ với nhà xe Cẩm Vân qua số điện thoại 0905673xxx để đặt vé đi TP HCM. Nhân viên nhà xe cho biết, giá vé là 380 nghìn đồng. Khách đến số 246 đường Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê) để lên xe.
Theo thống kê của TTGT Đà Nẵng, từ ngày 1/1/2019 đến nay, lực lượng này kiểm tra, xử lý 130 trường hợp xe khách không có hợp đồng vận chuyển hành khách, không có phù hiệu vận tải theo quy định.
Lãnh đạo Xí nghiệp Bến xe trung tâm Đà Nẵng cho hay, tình trạng xe dù, xe trá hình khiến lượng xe và khách hoạt động tại bến giảm thiểu rõ rệt. Hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 350 xe xuất bến. Những năm trước trung bình mỗi ngày có khoảng 500 xe xuất bến.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Bến xe phía Nam và phía Bắc TP Huế. Ông Lê Viết Hoài, Giám đốc Bến xe phía Bắc TP Huế đưa cho PV cả một tập dày cộm, trong đó có các tờ trình, đơn kiến nghị của Công ty CP Bến xe Huế gửi UBND tỉnh và các ngành chức năng đề nghị xử lý xe hợp đồng, xe du lịch trá hình tuyến cố định đậu đỗ, đón trả khách trong TP Huế. Kèm theo đó là hàng loạt phương tiện hoạt động trá hình đã được các doanh nghiệp hoạt động trên tuyến điểm mặt.
Theo ông Hoài, xe trá hình lộng hành như “căn bệnh đã lâu ngày” ai cũng biết, vấn đề là phải “kê toa thuốc” như thế nào để “điều trị” dứt điểm. “Xe dù nhiều hơn xe tuyến, như xe giường nằm Huế - Hà Nội hiện mỗi ngày chạy khoảng 20 xe, nhiều gấp mấy lần xe tuyến cố định, nhưng xe tuyến chỉ được đậu đón trả khách tại bến nên ít khách, chạy cầm chừng do khó cạnh tranh với các xe “du lịch, hợp đồng” trá hình vào đậu đón trả khách trong nội đô”, ông Hoài nói.
Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Bến xe Hà Tĩnh cho biết, giai đoạn 2014 - 2016 có 10 xe giường nằm chuyên chạy tuyến Hà Tĩnh - Mỹ Đình (Hà Nội). Tuy nhiên, từ khi Hà Nội chuyển tuyến Hà Tĩnh - Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm, cả 10 xe này đồng loạt bỏ ra ngoài, hoạt động trá hình theo dạng xe hợp đồng nhưng trên thực tế là chạy tuyến cố định. Hay như có 2 nhà xe Đinh Chiểu và Huy Hoa chạy tuyến TP Hà Tĩnh - Sài Gòn đã bỏ bến từ lâu, thế nhưng ngày nào anh em cũng bắt gặp xe đi tuyến”.
Nhà nước thất thu lớn
Xe Limousine Hoàng Kim dừng bắt khách không đúng nơi quy định trên đường Nguyễn Tất Thành (Trung tâm TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Ảnh: Ngọc Hùng
Đại diện Bến xe Miền Đông cho biết, tình trạng xe dù, bến cóc ảnh hưởng nghiêm trọng đến ATGT, gây bất bình đẳng đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; nghiêm trọng hơn còn khiến Nhà nước có thể thất thoát hàng trăm tỷ đồng/năm tiền thuế mà các xe này phải nộp ngân sách (10% thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp, hay 5% đối với thuế khoán).
Ông Trần Thanh Việt, Phó trưởng phòng Kế hoạch vận tải Bến xe Miền Đông cho biết, hiện nhiều nhà xe bỏ ra ngoài chạy ảnh hưởng đến hoạt động của bến. Chẳng hạn, tuyến TP HCM - Đà Lạt trước kia các nhà xe đăng ký khoảng 50 - 70 chuyến/ngày đến nay chỉ còn 10 - 13 chuyến/ngày. Trong khi ở bên ngoài bến có hãng xe chạy tới cả 100 chuyến/ngày.
Theo quy định, Bến xe Miền Đông sẽ thu phí quản lý dịch vụ tuyến TP HCM - Đà Lạt là 4.500 đồng/ghế/chuyến. Một xe 45 chỗ tương ứng số tiền phải nộp là 202.500 đồng. Một ngày trung bình 50 chuyến, bến bị thiệt hại riêng tuyến này khoảng 10.125.000 đồng.
Tương tự, một số tuyến khác như Vũng Tàu, Quảng Nam cũng giảm khá nhiều. Vũng Tàu chỉ còn 20 - 30 chuyến/ngày, trong khi tuyến Quảng Nam mất hẳn. Trước kia, riêng nhà xe Thiên Phú đăng ký trong bến khoảng 120 chuyến/ngày, còn hiện nay có nhiều hãng xe chạy tuyến Vũng Tàu nhưng số chuyến trong bến giảm tới 100 chuyến, chỉ còn 20 - 30 chuyến/ngày. Đối với tuyến Vũng Tàu, phí quản lý nộp cho bến là 3.100 đồng/ghế/chuyến. Như vậy, bến xe bị thiệt hại khoảng 3.100.000 đồng/ngày.
Ông Lê Viết Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng cho biết, tình trạng xe trá hình, xe dù hoạt động rầm rộ nhưng không được xử lý triệt để dẫn đến nhiều hệ lụy. Từ đầu năm 2017 đến nay, lượng xe vào bến giảm dần, kéo theo doanh thu giảm sút đáng kể.
“Năm 2016, bến đóng thuế cho Nhà nước 20 tỷ đồng thì đến năm 2018 chỉ còn một nửa, khoảng hơn 10 tỷ đồng. Bằng chứng là lượng xe xuất bến dịp Tết Nguyên đán vừa rồi chỉ từ 350 - 400 lượt xe/ngày, chỉ đạt 60/% so với thời điểm 2016”, ông Hoàng cho biết.
Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Điện Biên cho biết, phần cứng doanh nghiệp phải nộp chiếm khoảng 10% tổng doanh thu chuyến xe, tính ra một chuyến xe Điện Biên - Hà Nội DN phải nộp khoảng 1,5 triệu đồng. Ngoài ra, hàng tháng phải nộp 10% thuế VAT. Ngay cả khi xe không có khách vẫn phải nộp chi phí này, trong khi xe Limousine không có khách thì họ có quyền không chạy. Nhà nước cũng không thu được 10% thuế VAT của DN chạy xe Limousine do không xác định được doanh thu.
“Loại hình xe hợp đồng Limousine có thể gọi là kinh tế ngầm vì Nhà nước khó quản lý được đối tượng này. Loại hình này lợi dụng hình thức xe hợp đồng chạy như tuyến cố định nhưng lại hoạt động lẩn tránh không vào bến, không bán vé tại bến mà thu tiền trực tiếp trên xe, luồn lách trong thành phố nên cơ quan quản lý không xác định được doanh thu của họ là bao nhiêu để thu thuế. Mục tiêu hoạt động của loại hình này trốn thuế là chính, tạo ra môi trường cạnh tranh bất bình đẳng với xe tuyến cố định. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường thanh, kiểm tra để giám sát minh bạch hoạt động của loại hình này. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long" |
Với các tuyến miền Bắc, đại diện bến xe này cho biết, phí quản lý bến thu là 8.400 đồng/ghế, tuy nhiên đến nay trong bến còn rất ít xe hoạt động, chỉ 1- 2 chuyến/tháng, thậm chí nhiều tuyến mất hẳn. Đơn cử như các tuyến đi Đô Lương (Nghệ An); Bãi Cháy (Quảng Ninh), Đồng Hới (Quảng Bình), Cầu Rào (Hải Phòng)…
Nghiêm trọng hơn, theo ông Việt, nhiều hãng xe bỏ ra ngoài chạy, đón khách ở trung tâm thành phố còn quay trở lại vòng quanh Bến xe Miền Đông để “vợt” khách của các nhà xe trong bến.
Ông Trần Văn Phương, Phó tổng giám đốc Bến xe Miền Tây cũng cho biết, hiện có rất nhiều hãng xe lợi dụng hình thức chạy xe hợp đồng để chở khách bên ngoài mà không vào bến. Điển hình với các tuyến miền Tây có xe Kim Hoàng, Thanh Thủy (Trà Vinh), Huệ Nghĩa (An Giang), Anh Tuấn, Quốc Trọng, Tuấn Hưng (Bạc Liêu)… Những xe này tổ chức đón trả khách ngay tại các văn phòng ở các quận trung tâm như quận 11, quận 5, quận 6 mà không vào bến. Điều này khiến cho Nhà nước thất thu nhiều khoản, trong đó có thuế giá trị gia tăng từ việc bán vé.
Ở khu vực phía Bắc, ông Phạm Đăng Thiện, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải Thái Nguyên, đơn vị quản lý Bến xe trung tâm Thái Nguyên cho biết, một chiếc Limousine 9 chỗ chạy tuyến Hà Nội - Thái Nguyên với giá vé 120.000 đồng/hành khách, trung bình mỗi chuyến xe, tài xế thu được 960.000 đồng.
Nếu vào bến, các xe Limousine này phải chịu thuế bến bãi khoảng 12.800 đồng/lượt; hoa hồng bán vé khoảng 19.200 đồng/lượt. Ngoài ra, các DN vận tải tuyến cố định phải chịu phí bảo hiểm hành khách chiếm 3% giá vé, thuế thu nhập DN tạm tính bằng 5% doanh thu. Do các xe hoạt động tuyến vận tải cố định phải vào bến đi bến đến, đóng sổ nhật trình, nên tổng số lượt chuyến xe đi/đến đều được thống kê và nộp thuế đầy đủ.
Trong khi đó, các xe Limousine không phải đóng thuế VAT (do xe Limousine không xuất vé); không mất phí bến và hoa hồng bán vé; nộp ít thuế thu nhập DN (vì nhà xe không khai báo lượt xe chạy nên cơ quan chức năng sẽ không tính được hết doanh thu); không mất phí bảo hiểm hành khách (3% trên tổng giá vé) do không xuất vé... Ước tính, một chuyến xe này chở 8 hành khách có thể giảm được 190-200 nghìn đồng, bằng khoảng 20% doanh thu của chuyến xe đó.
Hiện, nhiều nhà xe Limousine công khai đưa đón khách như tuyến cố định với tần suất 30 phút/chuyến, chạy từ 5h -21h. Một lộ trình, một nhà xe có thể chạy được tới 30 chuyến mỗi ngày, có thể giảm bớt được khoảng 6 triệu đồng/ngày tiền thuế phí so với xe chạy tuyến cố định vào bến xe. Một nhà xe có 3 lộ trình chạy, một ngày có thể né được gần 20 triệu đồng từ việc không vào bến.
“Việc phát triển rầm rộ của xe dù, bến cóc, xe chở khách tuyến cố định trá hình đội lốt xe hợp đồng vợt hết khách của xe tuyến cố định. Tại Bến xe khách trung tâm TP Thái Nguyên, đã có 3 đơn vị vận tải vì quá khó khăn mà bỏ 18 lốt xe chạy tuyến Hà Nội, các nhà xe còn lại đang ngắc ngoải trong sự thua lỗ kéo dài”, ông Thiện nói.
Nhóm PV (Giao Thông)