Kinh tế

Nông nghiệp

Bệnh khảm lá 'oanh tạc' cây mì Quảng Ngãi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bệnh khảm lá cây mì (sắn) đang lây lan và tàn phá rất nhanh ở tỉnh Quảng Ngãi.

 

Cây mì non bị bệnh khảm lá queo lại, không phát triển - Ảnh: Phạm Anh



Cả tỉnh có hơn 2.700 ha cây mì bị bệnh này thì 70% diện tích phải phá bỏ, chưa kể vùng nguyên liệu mì của tỉnh đang bị ảnh hưởng rất nặng.

Lây lan ra khắp tỉnh

Tại các địa phương miền núi tỉnh Quảng Ngãi, nhất là H.Sơn Hà, nông dân đang khốn đốn với bệnh khảm lá cây mì. Cả huyện có gần 2.100 ha cây mì bị bệnh này, chiếm khoảng 35% diện tích mì của huyện, trong đó các xã Sơn Cao, Sơn Hải, Sơn Trung, Sơn Bao có 100% diện tích cây mì bị nhiễm bệnh.

Ông Đinh Văn Ren (ở thôn Tà Màu, xã Sơn Trung, H.Sơn Hà) cho biết gia đình ông có 1.500 m2 trồng mì, nhưng khi mì cao chừng 15 - 20 cm (khoảng hơn 2 tháng tuổi) thì lá bắt đầu nhiễm bệnh khảm, cây không phát triển nữa mà còi cọc. Theo ông Ren, đất đồi núi này chỉ phù hợp trồng cây mì. Những năm trước, người dân ở đây nhờ cây mì đã thoát nghèo. Năm 2019, cây mì cũng bị bệnh khảm lá vào cuối mùa, nên khi thu hoạch ông đã phá giống, đốt hết cây nhưng không hiểu vì sao năm nay trồng hom giống khác, mì cũng bị bệnh.


 

Một hom mì vừa trồng xuống đã bị bệnh queo rễ



Bà Phạm Thị Hoa (ở thôn Kim Thành Hạ, xã Hành Dũng, H.Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) cho biết gia đình bà đầu tư 5 triệu đồng trồng nửa héc ta mì. Khi được khoảng 2 tháng tuổi, toàn bộ diện tích mì bị bệnh khảm lá, còi cọc, cong queo. Phun thuốc, nhổ cây bị bệnh... nhiều lần không được, bà Hoa đành phá bỏ toàn bộ diện tích, mất trắng tiền đầu tư.

Ông Nguyễn Thế Vĩnh, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, cho biết bệnh khảm lá mì xuất hiện ở tỉnh Tây Ninh tháng 5.2017. Ở địa bàn Quảng Ngãi, bệnh này xuất hiện tháng 9.2019 tại xã Sơn Giang, H.Sơn Hà và sau lan ra 600 ha ở tỉnh. Đến năm 2020, tốc độ lây lan chóng mặt ở hầu hết 12 huyện, thành phố. Toàn tỉnh có 13.800 ha cây mì thì có hơn 2.700 ha bị bệnh và chưa dừng lại ở con số này. Trong đó, 70% diện tích mì nhiễm bệnh phải nhổ, bỏ, tiêu hủy, còn lại khuyến khích người dân trồng cấy vào ruộng mì, thay cây bị bệnh. Ông Vĩnh cho biết, lý do phải nhổ bỏ diện tích bị bệnh là vì nếu để lại thì không cho năng suất và bệnh càng lây lan mạnh hơn.

Loay hoay tìm mì giống cho nông dân

Theo ông Vĩnh, trước tình trạng bệnh khảm lá cây mì lây lan quá nhanh, tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng trừ dịch bệnh khảm lá trên cây mì, do ông Nguyễn Tăng Bính, Phó chủ tịch UBND tỉnh, làm trưởng ban. Ở các huyện cũng thành lập ban chỉ đạo này để quyết liệt phòng chống bệnh. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã gặp vài rắc rối. Đó là do xưa nay chưa từng xảy ra bệnh này, nông dân có diện tích bị bệnh đáng ra phải tiêu hủy thì họ giữ lại phun thuốc và dùng các biện pháp thủ công khác. Cuối cùng cây mì không hết bệnh, mà sự lây lan thì diễn ra nhanh hơn. Nhiều người dân lại dùng hom giống bị bệnh để trồng vụ mới; chưa tiêu hủy ruộng mì bị bệnh để cắt nguồn lây lan cho vụ mùa tiếp theo...

Ông Vĩnh cho biết, tình hình bệnh khảm lá gây ảnh hưởng lớn đến vùng nguyên liệu mì của tỉnh. Bởi hiện nay việc tìm giống mì "sạch" cung ứng cho nông dân trồng mới rất khó khăn. Nếu tìm nguồn trong dân thì không đảm bảo, còn đặt giống ở các vùng sản xuất thì không có liền. Đó là chưa kể, khi mì bị bệnh mà chưa tiêu hủy, thì hom giống mới cũng không giống thể cấp để trồng.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị Công ty CP nông sản thực phẩm Quảng Ngãi khoanh vùng giống và đến nay đã cung cấp được 22.000 hom giống để trồng 220 ha mì bị bệnh đã tiêu hủy; số diện tích còn lại đang tìm nguồn để cung cấp.

Theo Phạm Anh (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm