(GLO)- Khi Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) có cuộc điều tra và đưa ra con số về tỷ lệ nói dối trong học đường hiện nay, không chỉ cá nhân tôi mà có rất nhiều người bày tỏ sự ngỡ ngàng, lo ngại. Kết quả điều tra của viện này nêu rõ: tỷ lệ học sinh bậc Tiểu học nói dối với cha mẹ là 22%, bậc THCS là 50%, THPT là 64% và sinh viên đại học chiếm đến 80%.
Sự ngỡ ngàng, lo lắng càng nhiều hơn khi tìm hiểu thêm thông tin từ cuộc khảo sát đã được công bố của nhóm nghiên cứu do Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm chủ trì hồi năm ngoái. Theo kết quả cuộc khảo sát, thói giả dối đang đứng đầu trong số 34 tật xấu của người Việt. Đây quả là điều không bình thường!
Ảnh minh họa |
Với kết quả điều tra này, chúng ta thấy, càng lớn lên con em chúng ta càng nói dối nhiều hơn. Vậy tật xấu này có nguyên nhân từ đâu? Truy nguyên từ nguồn cội văn hóa, người Việt vốn thuần nông nên bản chất thật thà, cần cù trong lao động. Thế nên, có thể khẳng định, thói giả dối không phải căn tính của dân tộc ta. Có nghĩa rằng thói xấu này đã nảy sinh từ môi trường xã hội, mà đặc biệt là môi trường giáo dục.
Nhiều năm qua, ngành Giáo dục cả nước đã phát động phong trào chống “bệnh thành tích” trong các trường học nhưng xem ra hiệu quả đem lại không như mong muốn. Giáo viên muốn có thành tích thi đua thì phải nâng điểm cho học trò nhằm đạt các chỉ tiêu về tỷ lệ học sinh giỏi, tỷ lệ học sinh lên lớp; nhà trường muốn được cấp trên đánh giá cao cũng phải ép giáo viên bằng nhiều cách để có những con số đẹp… Từ đó, những báo cáo không đúng thực chất về chất lượng giáo dục của cấp phòng, cấp sở của các địa phương qua từng năm đã làm méo mó bộ mặt giáo dục cả nước. Đó là chưa nói đến một số người thầy thiếu gương mẫu trong đời sống thường nhật, nói không đi đôi với làm đã gây ảnh hưởng đến việc phát triển tính cách của học sinh. Thứ đến là môi trường gia đình và xã hội hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp khi đồng tiền nói riêng và vật chất nói chung đang chi phối các mối quan hệ; các giá trị văn hóa truyền thống ít được coi trọng khiến một bộ phận giới trẻ mất niềm tin. Nhiều bạn trẻ đã rất thức thời khi nhận ra rằng: Những câu nói dối đôi khi mang lại nhiều cơ hội trong cuộc sống hơn là một lời nói thật. Vậy thì việc gì không nói dối?
Làm thế nào để xóa dần thói nói dối trong học đường? Một nguyên tắc trong giáo dục là muốn con mình không bị nhiễm những tính xấu thì phải cho các em được sống, học tập trong môi trường lành mạnh. Như vậy, có nghĩa là cha mẹ, thầy-cô giáo phải là người trung thực với chính mình và với mọi người. Nhà trường và gia đình là những “viên gạch” đầu tiên xây nên nền móng cho đức tính trung thực hình thành và phát huy. Ngay từ tuổi mầm non, các em cần được giáo dục về đức tính thật thà, không quanh co, dối trá dù đó là việc nhỏ nhất. Các em lớn lên với một “kháng thể” đủ mạnh thì sẽ hình thành nên một tính cách trung thực bền bỉ, khó có điều gì lay chuyển được.
Bùi Quang Vinh