Thượng nguồn dòng sông Côn xuất phát từ huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế). Con sông quanh co giữa rừng theo hướng bắc-nam, đi qua các xã A Ting, Sông Kôn, Kà Dăng (huyện Đông Giang) rồi hòa vào dòng sông Vu Gia tại xã Đại Lãnh (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).
Dòng sông uốn khúc giữa rừng. |
Về làng ăn gạo ba trăng
“Người Cơ Tu có giống lúa ba trăng. Đó là giống lúa cạn, ngắn ngày cứu đói. Đói là ngày xưa thôi, chứ nay khác rồi”, một người bạn nói với tôi như vậy và dẫn tôi về làng bạn bên kia bờ sông Côn.
Chúng tôi băng qua cây cầu treo vô làng Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn, Đông Giang), buổi sớm mai, âm thanh lao nhao của đàn vịt, đàn gà rộn rã ngày mới. Tại nhà văn hóa cộng đồng cách làng Bhơ Hôồng không xa đang có giải bóng chuyền, thanh niên trong làng đi thi đấu hết. Ông Achắc Anhơr (già làng Alăng Bảy), 92 tuổi, sửa soạn mấy nhạc cụ truyền thống để chuẩn bị đi dạy cho nhóm con cháu. Cả làng hiện có 15 người trong đội trình diễn các nhạc cụ của người Cơ Tu. Già Bảy vừa chỉ đạo trình diễn mà cũng là người thầy khó tính trong làng.
“Mình hay đi sang Thừa Thiên Huế để chỉ người dân hát lý, nói lý bên đó. Bày họ cách đánh cồng chiêng, chơi nhạc cụ, thổi khèn nữa. Sắp trẻ làng mình mới chỉ có hai, ba người biết thổi khèn sơ sơ thôi. Mình dạy kỹ nên chúng học phải từ từ. Các bài khèn dùng cho từng mục đích như khi nhảy múa cả làng, mời khách thăm nhà ăn cơm…”, già Bảy cho hay.
Nước sông Côn ngày càng cạn dần, mùa này có vài đoạn khô trơ đáy. Giai đoạn những năm 1960 nước sâu quá đầu người. Ngày trước, khúc sông ở những khu K8, K9 của huyện Đông Giang còn có con cá chình quậy đục nước. Bây giờ thì không.
Bên dòng sông Côn thuở trước, biết bao cặp nam nữ của làng cũng nên duyên từ chính tiếng khèn của người con trai. Nhớ ngày còn chiến tranh, dù bom đạn ác liệt nhưng tiếng khèn của già Bảy khi đó đã động lòng được cô thôn nữ chính là người vợ hiện nay, bà Bríu Thị Lee. “Mình suy nghĩ, muốn nói điều chi cũng chỉ dám thể hiện thông qua chiếc khèn ni thôi. Ngại lắm”, già Bảy thổi lại một đoạn “lời tỏ tình” năm xưa, nhịp nhanh chậm đan xen nhau. Tiếng khèn rền vang có chút lúng túng như của những chàng trai tuổi đôi mươi.
Dân làng sống quy tụ bên dòng sông, con cháu sinh ra từ làng bày dạy nhau lẽ sống, điều hay. Ở Bhơ Hôồng, đôi lúc lũ trẻ đùa vui hằng ngày dẫn đến xích mích mấy chuyện cỏn con, người già rất ít khi la rầy. Họ tập trung chúng lại dưới mái Gươl giảng giải cho chúng hiểu chuyện qua câu nói lý. Vừa răn dạy, cũng chính là gợi nhớ lại lời người xưa mong con cháu mình sống hòa thuận, yêu thương nhau.
“Cho con trâu, cho con bò, cho của cải, cho ché. Sui gia cho cá, cho rượu uống. Hai bên phải đoàn kết lấy nhau…”, lời một đoạn hát lý truyền thống Cơ Tu mang cái ân tình hai nhà kết sui với nhau.
Cuộc sống đổi thay, bây giờ có những người trẻ lớn lên thường muốn đi làm ăn xa, nhưng theo tập quán của đồng bào Cơ Tu thì không nên. Các thành viên của làng làm việc chi cũng đều định cư gần nhà. Mẹ cha thương con cái, con đi xa cha mẹ mong nhớ, không thể sống tách rời.
Già Alăng Bảy còn nhớ, ngày dân làng mới tập trung về làng Bhơ Hôồng, những suy nghĩ, tư tưởng còn nhiều lạc hậu. Ngày đó nhà nào có con dựng vợ gả chồng thường tổ chức gần một tháng. Già Bảy thấy quá tốn kém, trai làng nhậu nhẹt nhiều ngày không tốt. Ông góp ý cùng những bậc cha chú trong làng dần đổi thay nếp sống chung. Tiệc cưới xin không còn kéo dài, đến nay, bao nhiêu cặp vợ chồng chỉ tổ chức tiệc mừng một ngày.
“Người già trong gia đình phải biết làm gương cho con cháu. Nó còn nhỏ, có nhiều điều chưa phải thì mình răn dạy. Mỗi gia đình của làng đều tốt thì cả làng sẽ tốt”, già Bảy nói.
Từng vào sinh ra tử ở nhiều chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khí phách của già Bảy vẫn mạnh mẽ, cương quyết đậm chất người lính khi xưa. Ngày còn đạn bom giày xéo trên đất quê hương, hàng trăm gia đình chỉ có vài ba gốc sắn ăn cho một ngày dài. Nông sản không trồng được, đất rừng bị giặc phá nát. Thoắt cái, hơn 40 năm sau, cuộc sống ở Bhơ Hôồng giờ đây trù phú một sắc xanh của cây lúa, cây cau, cây mít…
Mùa đi săn bắt, có khi trai làng lội bộ dọc bờ sông Côn thả tấm lưới. Để lưới ở đó, họ băng lên rừng theo dấu đàn chim đánh bẫy. Nhằm tránh làm đàn chim rừng phát hiện, nhóm người đi săn khi trao đổi, nói chuyện luôn dùng một nhạc cụ bằng ống tre để thổi, tựa tiếng chim giữa rừng.
Cuộc sống dựa sông, đi săn nhờ rừng là vậy.
Vị “sứ giả” nơi lưng chừng mây
Dòng sông Côn bao đời xanh mát. Sông ôm lấy từng nét mộc mạc, cái khéo tay của người dân xứ này.
Cuộc sống dân làng Cơ Tu nhẹ nhàng, đơn giản như chiếc A Đhung, hay chiếc Hi Đing treo trên giàn bếp. Người Cơ Tu bản địa dùng mấy chục năm càng ngày càng bền chắc. Dây mây bứt trên rừng, người chồng kéo sợi mây về, chẻ nhỏ, đan lại làm chiếc gùi cho vợ đi rẫy. “Sợi dây tinh thần” kết nối tình thân ấy như dòng Côn uyển chuyển với bao bận đổi thay của bản làng.
Lớp thế hệ người già ăn con cá sông Côn, hưởng đọt chuối trên triền đồi như sợ một ngày không còn ai kế tục nghề đan lát. Họ hội họp, chọn ra những thanh niên khéo tay, biết quý trọng giá trị của tộc người để truyền nghề. Ở Bhơ Hôồng hiện nay đã thành lập một nhóm người thợ chuyên đan lát mây tre truyền thống. Người góp sức vào việc bảo tồn và trực tiếp dạy nghề đan lát tại làng là ông Bhling Blóo, 60 tuổi.
Bởi nắm chắc những kỹ năng đục đẽo, vót mây, buộc lạt mà ông Blóo đi suốt. Dọc dòng sông Côn, từ xã này qua xã khác, hễ ai cần sửa nhà gỗ hay đặt chiếc gùi mây…, người đàn ông uy tín của làng này không ngại. Thoắt cái mấy hôm, mái hiên nhà gỗ lại khang trang, cái gùi đi rừng đựng măng đã xong.
Cộng đồng người Cơ Tu sống bên dòng sông Côn giờ đây đã phát triển hơn mấy chục năm về trước. Phụ nữ không còn phải đi bộ từ nhà ra chợ. Xe cộ, đường sá khang trang hơn. Giữa cuộc sống hiện đại với các vật dụng gia đình tiện nghi, vậy nhưng đồng bào Cơ Tu ở Đông Giang vẫn luôn tự hào mỗi khi nhắc lại những giá trị lịch sử, văn hóa của mình.
Đã gần 10 năm kể từ ngày làng Bhơ Hôồng trở thành điểm tham quan du lịch, cây x’nur (cây nêu) vẫn đứng hiên ngang giữa sân làng. Bây giờ, nếp nhà sàn đã không còn nhiều.
Bê-tông hóa cột nhà, mái tôn đỏ thay cho lớp lá truyền thống. Nhà sàn làm bằng cây gỗ khoảng 5 năm sẽ bị hư hại, cần thay cây mới. Những năm qua, lượng gỗ từ rừng xanh không còn như trước. Bà con đồng bào ở Bhơ Hôồng muốn giữ nếp nhà sàn truyền thống cũng khó hơn. Gỗ rừng đã cạn. Xi-măng, gạch, thép được dùng tạo phần nền móng cho ngôi nhà.
Già Bảy buồn: “Ngôi nhà Gươl đã sửa lại lớp mái lá khác, cũng nhờ con cháu ở gần đây. Ai có công góp công, ai có đọt lá thì mang đến. Vì cố gắng giữ cái tập tục nhà ở bao đời cho thế hệ sau mà làng phải họp hội kỹ lưỡng trước khi sửa nhà”.
Bhơ Hôồng làm du lịch cộng đồng, sông Côn trở thành vị “sứ giả” mang thương hiệu núi rừng đến với khách thập phương. Nhờ vậy, cuộc sống của bà con xứ này phát triển, thêm phần khấm khá. Trẻ con Cơ Tu bây giờ đã biết nói “Hello”, “Nice to meet you” mỗi khi có khách nước ngoài vô nhà hỏi thăm đường.
Sắc mầu tự nhiên của con sông Côn tuôn chảy trước làng Bhơ Hôồng hàng trăm năm qua càng quyến rũ giữ chân du khách lui tới. Trời xế trưa, hai vị khách phương T ây vừa check-in bên mé sông Côn, họ vào thăm làng. Thẳng hướng tìm đến mái hiên nơi tiếng khèn của già Alăng Bảy ngân vang, họ cười tươi như thể gặp “người làng mình”.
Theo TRƯỜNG MAI (NDĐT)