(GLO)- Tây Nguyên có nhiều bí ẩn, có những bí ẩn đã được giải mã, nhưng có những bí ẩn vẫn đang là... bí ẩn. Trong cuộc sống, có những điều có khi cứ để nó bí ẩn thế lại thú vị, lại hấp dẫn, lại vi diệu, lại sinh động, chứ cứ chẻ hoe ra, bạch hóa ra, trắng phớ hết ra, có khi lại chả còn gì để hấp dẫn.
Ví như cồng chiêng giờ là đặc sản của Tây Nguyên, như là độc quyền của người Tây Nguyên, nhưng thật ra người Tây Nguyên lại không làm ra chiêng. Họ trao đổi với người Kinh, làng đúc đồng Phước Kiều (Quảng Nam) hoặc An Nhơn (tỉnh Bình Định) hay người Lào, thậm chí là người Mã Lai. Vì thế trong hệ thống chiêng có chiêng Joăn, chiêng Lao là thế. Vấn đề là họ có những người kỳ tài, những nghệ nhân siêu đẳng để làm một việc siêu đẳng, đó là chỉnh chiêng. Phải chỉnh chiêng thì những bộ chiêng của người Việt, người Lào, người Mã Lai mà họ mua về mới trở thành chiêng Tây Nguyên bây giờ. Rất đơn giản nhưng tài hoa mọi nhẽ, làm nên một Tây Nguyên vĩ đại...
Ché Tuk vợ chồng-cổ vật của người Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Hay như rượu cần (ghè) tùy cách gọi. Người Tây Nguyên chưa làm ra ghè. Họ đi trao đổi về. Và từ những cái ghè bình thường ấy, họ cho ra đời cái thứ nước mà cả nhân loại này, từ hàng vạn năm nay, dân tộc nào cũng biết cách chế ra, mỗi nơi mỗi cách, để phục vụ mình, phục vụ sự bình an khoái lạc của con người.
Và họ biến những cái ghè đựng rượu ấy thành vô giá. Thành tài sản, có cái đổi bằng voi, bằng trâu trắng, tức là cả cơ nghiệp, là quý hơn những gì quý nhất của họ. Và chưa hết, những cái ghè đựng rượu ấy còn tham gia vào đời sống tinh thần của họ, từng gia đình hoặc cả làng.
Cách đây chừng hơn 20 năm, chúng tôi được báo là ở làng nọ có một chiếc ché cổ. Ché cổ ở Tây Nguyên thì thiếu gì, Hà Nội, Sài Gòn... còn nhiều hơn (do những người buôn tích trữ). Nhưng không, chiếc ché này vừa cổ vừa thiêng, lạ lắm, phải đến mới biết... Tôi hăng hái tháp tùng cố Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin Gia Lai-Kon Tum Trịnh Kim Sung cùng một số cán bộ chức năng trên chiếc xe Jeep về một ngôi làng Jrai ngay bên quốc lộ 25 thuộc Ayun Pa (nay là Phú Thiện). Được báo trước, chúng tôi vào thẳng nhà anh KPao (trong sổ tay của tôi, tên anh bị nhòe nên không biết ghi thế này có chính xác không), chủ nhân của chiếc ché cổ. Mới nhìn từ xa, sau khi chủ nhà lật tấm chăn phủ, nó cũng giống như mọi chiếc ché khác. Đây là loại ché to, cao cỡ ngang ngực người, men da lươn thông thường. Một con gà do chúng tôi mua được làm thịt để cúng, báo với Yàng rằng có người lạ xem ché. Tiết gà được cắt trực tiếp vào ché mấy giọt, còn lại hứng vào đĩa. Lòng gan mề tim phổi... mỗi thứ một ít cùng với tiết trong đĩa bày bên ghè rượu. Chủ nhân cúng bằng tiếng Jrai, đại loại là hôm nay có khách là các nhà báo, nhà văn hóa... đến thăm ghè, có tí rượu, tí thịt cúng ghè để ghè chứng giám... Phải khoảng 2 giờ đồng hồ, chúng tôi mới tới gần được chiếc ché cổ. Thế nó có gì lạ? Thứ nhất là nó cổ. Thì hẳn là cổ rồi. Theo chủ nhân của nó thì chiếc ché này đã truyền qua 15 đời, đến đời anh đang sở hữu là thứ 16. Thứ hai là nó đắt, có người đã trả đến 50 con trâu trắng vào thời điểm cách đấy... 50 năm. Thứ ba là nó thiêng. Cũng chủ nhân của nó cho biết, mỗi tháng anh phải cho nó ăn... tiết gà 3 lần. Thế công dụng của nó? Cũng theo chủ nhà, nó có thể báo trước những điều sắp xảy ra trong gia đình, trong dòng họ bằng cách đổi màu đỏ như máu. Tôi ghi là màu đỏ như máu nhưng chủ nhà nhất quyết là nó chảy máu.
Anh kể, lúc bố anh chuẩn bị mất một cách đột ngột, chiếc ché này đã đổi màu. Trong làng có người đau ốm, đến cúng ghè sẽ khỏi (?). Trẻ em khóc về đêm, khóc ngằn ngặt, ai dỗ cũng không nín, làm cách gì cũng không ngủ, bế đến cho sờ vào tai ché thì nín liền, ngủ ngon lành như chó con... Theo người nhà, thỉnh thoảng chiếc ché này còn... khóc như trẻ con và chỉ khóc vào ban đêm. Những lúc ấy, mọi người sợ lắm, lại làm gà cho ché ăn... tiết vì mọi người nghĩ rằng nó... đói.
Tất cả những điều trên, chúng tôi chỉ... nghe kể. Còn hôm ấy thì toàn bộ công dụng cũng như sự huyền diệu của ché chúng tôi không được chứng kiến, đơn giản vì không có ai đau ốm để mà cúng, không có đứa trẻ nào khóc suốt đêm để mà bế nó đến cho nó sờ tai ché và cũng không có sự kiện quan trọng nào sắp xảy ra để nó đổi màu đỏ như máu... Nhưng chủ nhân và dân làng thì rất thành kính và tin tưởng. Tiếc rằng vì lý do tín ngưỡng, chúng tôi đã không thể chụp được ảnh chiếc ché ấy, dù đã làm đủ mọi cách. Có khi nhờ thế, nó lại... bí ẩn hơn chăng?
Và thật là, giờ tôi cũng không nhớ cái ché này nó ở làng nào của Phú Thiện nữa. Nhưng trong dân gian còn nhiều chuyện như thế. Nó dệt nên những huyền thoại, những huyền thoại có ích trong đời sống. Và không chỉ huyền thoại, rất nhiều ché cổ, ché thiêng đang tồn tại ở các buôn làng. Cổ luôn đi với thiêng.
Tôi cũng từng rất hào hứng khi được giới thiệu ở nhà Amí Đanh ngay trung tâm xã Ia Mlah (huyện Krông Pa) có 2 cái ché cổ, một cái trị giá 30 con bò, tức bằng nửa con voi (khoảng 150 triệu đồng) và một chiếc trị giá 20 con bò (khoảng 100 triệu đồng, thời điểm cách đây 15 năm). Cái ché trị giá 30 con bò tên là Prung, còn cái 20 con bò tên Chanr. Ché này không biết có thiêng không nhưng rõ ràng là nó rất giá trị. Hỏi mấy anh lãnh đạo xã người Jrai rằng tại sao nó đắt tiền, bảo tại nó là ché Tuk (Dok). Hỏi tại sao ché Tuk lại quý lại đắt thế thì... không biết!
Thực ra thì cuộc sống có khi cứ phải linh thiêng hóa đi một tí như thế, nó lung linh hơn, bí ẩn hơn, khiến chúng ta thăng hoa hơn. Có một nhánh du lịch tâm linh là vì thế?
Văn Công Hùng