Biến chất thải thành nguồn nguyên liệu hữu ích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tái sử dụng nước thải hay biến chất thải thành năng lượng phục vụ sản xuất đang là xu thế được nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh chú trọng nhằm tiết kiệm chi phí cũng như góp phần bảo vệ môi trường.
Biến chất thải thành năng lượng sạch
Chúng tôi tới Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai (TTC Gia Lai) khi các công nhân đang bảo trì, bảo dưỡng hệ thống thiết bị sản xuất và xử lý chất thải để đảm bảo cho vụ ép mía mới. Giám đốc Công ty Vũ Thị Lan cho biết: Nhà máy Đường Ayun Pa nằm ngay cửa ngõ đi vào thị xã. Do đó, Công ty luôn gắn sản xuất với bảo vệ môi trường. Những năm qua, Công ty đã chi gần 30 tỷ đồng để đầu tư về hạ tầng, công nghệ xử lý chất thải và xây dựng 2 trạm quan trắc khí thải tự động, 1 trạm quan trắc nước thải tự động để truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường. Bên cạnh đó, hàng năm, Công ty còn chi 10-14 tỷ đồng bảo trì, nâng cấp công nghệ để tăng hiệu quả sản xuất, giảm tiếng ồn và các phát sinh về môi trường.
Theo bà Lan, khi nâng cấp công suất ép mía của nhà máy lên 6.000 tấn/ngày, Công ty đã đầu tư 2 hệ thống lò hơi với tổng công suất 175 tấn hơi/giờ. Theo đó, hơi trong quá trình đốt bã mía sẽ làm quay turbine để phát điện phục vụ cho sản xuất đường và phát lên lưới bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam. “Ngoài tiết kiệm chi phí mua điện phục vụ sản xuất, mỗi vụ ép, Công ty còn thu về hàng tỷ đồng từ việc bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam”-bà Lan thông tin.
Hệ thống xử lý nước thải của Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai. Ảnh: Hồng Thương
Hệ thống xử lý nước thải của Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai. Ảnh: Hồng Thương
Tương tự, Nhà máy Tinh bột sắn Gia Lai (cơ sở 2) đã đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống hồ biogas để tận thu khí phục vụ cho việc sấy tinh bột và bã mì. Ông Đinh Phi Hùng-Giám đốc Nhà máy-cho hay: Công suất của nhà máy là 200 tấn tinh bột/ngày đêm và xả thải hơn 1.900 m3. Nhà máy đã đầu tư gần 50 tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Theo đó, nước thải được thu gom và xử lý thông qua các bể kỵ khí, hiếm khí và cặn lắng sinh học. Tại bể kỵ khí, chúng tôi sử dụng bạt phủ kín và cung cấp thêm các vi khuẩn để tạo ra khí gas. “Nhờ tận dụng được khí gas, mỗi tháng, nhà máy tiết kiệm hơn 600 triệu đồng mua nhiên liệu sấy tinh bột và bã mì. Bên cạnh đó, hệ thống hồ biogas phủ bạt đã giúp giảm được khí thải xả ra môi trường”-ông Hùng cho hay.
Xem nước thải là tài nguyên
Có 2 nhà máy lớn chuyên sản xuất giấy cuộn và thùng carton với công suất 15 ngàn tấn giấy/năm, mỗi ngày, Công ty cổ phần Iapacco (thôn Phú Tân, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) xả thải khoảng 200 m3 nước. Công ty đã đầu tư 5 tỷ đồng xây dựng hạ tầng và thiết bị xử lý nước thải theo công nghệ hóa sinh, vi sinh. Sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn cột B (QCVN 40:2011), nước thải sẽ được sử dụng lại cho hoạt động sản xuất của nhà máy. Riêng bùn được tách từ nước thải thuộc chất nguy hại đã được đơn vị hợp đồng với Công ty TNHH thương mại và xây dựng An Sinh (tỉnh Đak Lak) thu gom 3 tháng/lần để xử lý theo quy định.
Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai đã đầu tư Trạm quan trắc nước thải tự động để theo dõi kết quả xử lý nước thải và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và môi trường. Ảnh: Hồng Thương
Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai đầu tư Trạm quan trắc nước thải tự động để theo dõi kết quả xử lý nước thải và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Hồng Thương
Bà Lê Thị Hồng Quyên-Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường): Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng xử lý nước thải trong hoạt động sản xuất. Đặc biệt, một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư nâng cấp hệ thống để xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn trước khi xả ra môi trường. Cùng với đó, tận dụng chất thải để tạo ra nguồn năng lượng sạch phục vụ sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí và góp phần bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Văn Hùng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty-cho hay: “Nước thải sau khi được xử lý đạt cột B và trữ trong hồ chứa để phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy, sau đó, tiếp tục tái sử dụng khi nhà máy đi vào hoạt động. Như vậy, Công ty cũng đỡ tốn chi phí khi chỉ cấp một ít nước đã bị hao hụt để bù đủ lượng nước cung cấp đầu vào. Chúng tôi luôn đặt tiêu chí xem nước thải là tài nguyên”.
Cũng với mục đích tiết kiệm chi phí đầu vào và giảm thiểu tác động đến môi trường, TTC Gia Lai cũng đã tận thu lượng lớn nước thải để phục vụ cho hoạt động sản xuất. Bà Vũ Thị Lan cho biết: Công ty đã dành hơn 2 ha để xây dựng hệ thống xử lý nước thải với kinh phí hơn 23 tỷ đồng. Nước thải sẽ được xử lý thông qua các hồ chứa điều hòa, kỵ khí, hiếm khí, lắng sinh học, keo tụ tạo bông, lắng hóa lý, đệm sinh học. Những năm gần đây, nước thải sau xử lý đạt chất lượng cột B sẽ tuần hoàn tái sản xuất khoảng 500-700 m3/ngày đêm. Nhờ vậy, Công ty đã tiết kiệm chi phí đầu vào khoảng 500-800 ngàn đồng/ngày đêm.
HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm