Phóng sự - Ký sự

Biên cương vươn mình mạnh mẽ - Bài 1: Gió mới nơi biên cương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
LTS: Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cận kề, không chỉ người dân các dân tộc Lào anh em rộn ràng chuẩn bị chào đón năm mới ấm no, hạnh phúc, mà đồng bào các dân tộc bên này biên giới Việt Nam cũng náo nức khi biên cương Việt - Lào vươn mình mạnh mẽ, tràn trề sức sống.

Đó là thành quả tốt đẹp từ tình hữu nghị, đoàn kết và hợp tác gắn bó keo sơn giữa hai đất nước bao đời nay.

Không chỉ đồng lòng vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào, đồng bào các dân tộc sinh sống dọc biên giới hai nước còn đoàn kết, cùng nhau hướng về tương lai, ra sức phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.


“Dải lụa” biên giới

Dưới nắng xuân, dòng Sê Pôn trong xanh như dải lụa trời, là ranh giới tự nhiên của Việt Nam - Lào. Mỗi xã, thị trấn ở bên này sông thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đối xứng với mỗi cụm bản bên kia nước bạn Lào thuộc hai huyện Sê Pôn, Mường Nòng, tỉnh Savannakhet.

Ông Lê Cảnh Tuấn, Trưởng thôn Bích La Đông (xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa) cho biết, Lao Bảo và Densavanh là 1 trong 8 cặp cửa khẩu quốc tế trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào dài 2.067km, cũng là cặp cửa khẩu duy nhất trên tuyến biên giới này đã thành lập Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu Thương mại biên giới Densavanh, nằm trên Hành lang kinh tế Đông - Tây, mở ra cơ hội phát triển kinh tế, thương mại, trở thành điểm sáng đô thị vùng biên.

Dọc sông Sê Pôn phía Việt Nam là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô. Từ những năm tháng tận cùng khó khăn do bom đạn sót lại sau chiến tranh, đói ăn hay chết mòn vì bệnh tật, nay đồng bào nỗ lực vươn lên thoát nghèo và tạo ra ngày càng nhiều nông sản nổi tiếng toàn cầu như cà phê Khe Sanh, tinh bột sắn Sê Pôn...

“Đổi thay ở đây dễ nhận ra qua những căn nhà cao tầng, phố chợ sầm uất, các nhà máy, khu sản xuất công - nông nghiệp nhộn nhịp… Nhưng một đổi thay âm thầm, bền bỉ mà đầy kiêu hãnh là nhiều con người đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô là những bác sĩ, kỹ sư... đang chung tay xây dựng bản làng ấm no hạnh phúc”, ông Lê Cảnh Tuấn khoe.

Lộc non nảy thành lá phủ xanh núi rừng là lúc những người lính biên phòng cùng đồng bào nơi biên giới rộn ràng với các hoạt động Ngày hội Biên phòng toàn dân (3-3-1989 - 3-3-2024). Con đường từ trung tâm huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế sang bản Sê Sáp, huyện Kà Lừm, tỉnh Sekong (Lào) dài chừng 35km, vừa được trải đá cấp phối nên việc đi lại đỡ khó khăn, vất vả hơn trước.

Ông Bua Thoong, Trưởng bản Sê Sáp phấn khởi chia sẻ, nhờ bộ đội Đồn Biên phòng Nhâm, thuộc Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên Huế vượt nắng, thắng mưa hỗ trợ công sức đổ đá, làm cầu, cống nên đường từ A Lưới sang Sê Sáp giờ trời mưa người dân vẫn đi lại bình thường, không bị chia cắt như trước.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế tặng gà giống cho người dân bản Sê Sáp, huyện Kà Lừm, tỉnh Sekong (Lào) phát triển sinh kế

“Bản Sê Sáp có 47 hộ dân với gần 300 nhân khẩu, hơn 10 năm trước nằm sâu trong núi, lại không có đường đi nên muốn đến trung tâm huyện Kà Lừm dài chừng 300km, mất cả tuần lễ băng rừng, lội suối. Rau rừng, rễ cây trở thành thức ăn chính nuôi lớn những đứa trẻ trong bản. Thấu hiểu và được sự nhất trí của chính quyền sở tại, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhâm qua khảo sát, rồi mang các trang thiết bị, vật dụng, cây, con giống sang trợ giúp dân bản phát đồi, làm nương rẫy, đầu tư công trình nước tự chảy. Tham mưu cho Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh lập kế hoạch vận động kinh phí xây dựng trường học, các công trình dân sinh và nhà ở cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ đây, bà con không còn sống du canh, du cư, nay đây, mai đó dọc biên giới mà ở lại bản tăng gia sản xuất, chủ động nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ. Trẻ em được cắp sách đến trường học chữ tại ngôi trường kiên cố do tỉnh Thừa Thiên Huế tài trợ; tua bin lắp đặt từ các con suối phát điện chiếu sáng, nhiều gia đình có xe máy, ti vi và nhiều vật dụng đắt tiền...”, ông Bua Thoong nói.

Rong ruổi khắp các bản làng xa ngái nơi biên cương, không chỉ Sê Sáp mà người dân các bản Ka Lô, huyện Kà Lừm và bản Cô Tài, huyện Sa Muội, tỉnh Salavan nay đều có cuộc sống ấm no và yên bình, như bức tranh tô thắm thêm tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.

Kết nghĩa bản - bản

Đầu năm 2005, ở biên giới Việt - Lào diễn ra sự kiện đặc biệt, bản Ka Tăng (Quảng Trị) và bản Densavan (Savannakhet) là cặp bản Việt Nam - Lào đầu tiên triển khai xây dựng mô hình “Kết nghĩa bản - bản” nhằm phát huy hiệu quả tích cực trong công tác bảo vệ lãnh thổ, an ninh trật tự khu vực biên giới, góp phần tăng thêm tình đoàn kết nhân dân hai bên biên giới bằng những quy định và hành động cụ thể.

Đại diện bản Ka Tăng (Quảng Trị) và bản Densavan (Savannakhet) bắt tay cam kết bảo vệ biên giới và vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào

Từ kết quả bước đầu, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các địa phương nghiên cứu và triển khai thực hiện trên diện rộng. Đến nay, cả nước có gần 200 mô hình “Kết nghĩa bản - bản” trên các tuyến biến giới đường bộ Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Campuchia.

Ông Mỏn Khăm Hán Xa Nạ, Bí thư Đảng ủy cơ sở bản Densavan, nhớ lại: Ka Tăng và Densavan là hai bản đối diện bên dòng Sê Pôn. Bà con hai bản có nhiều mối quan hệ thân tộc, dòng tộc nên rất đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất. Song cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, địa bàn phức tạp do xuất hiện các đối tượng vượt biên trái phép, buôn lậu, vận chuyển ma túy, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới. Trong khi, lực lượng chức năng hai nước không thể đứng thành hàng ngang bảo vệ biên giới.

Từ thực tế ấy, BĐBP tỉnh Quảng Trị xác định cần xây dựng thế trận lòng dân, biên giới của lòng dân, gắn kết người dân hai nước có chung biên giới, xem biên giới là ngôi nhà chung để cùng nhau vun đắp, bảo vệ biên cương nên lập đề án, tham mưu lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet tổ chức “Kết nghĩa bản - bản” giữa bản Ka Tăng và bản Densavan vào ngày 28-4-2005. Theo đó, hai bên thống nhất quy chế hoạt động kết nghĩa với 12 nội dung đúng Hiệp định quy chế biên giới Việt Nam - Lào, pháp luật mỗi nước và phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào.

Từ đây, công tác đối ngoại giữa hai bên trở thành những việc rất cụ thể của làng, của xã, của cả dòng họ ở dọc hai bên biên giới. “Không chỉ tích cực bảo vệ đường biên, mốc giới mà từ việc nhỏ đến chuyện lớn, bà con hai bản đều đối chiếu theo quy chế hoạt động kết nghĩa để làm rõ lẽ đúng - sai. Những vụ việc nảy sinh liền được chính quyền và nhân dân hai bên bàn bạc, giải quyết thấu tình đạt lý, đúng hiệp định, quy chế biên giới và quy định pháp luật của từng nước”, ông Mỏn Khăm Hán Xa Nạ thông tin thêm.

Còn theo ông Kô Thăn Thả Thiệp, Trưởng bản Densavan, hai bản từ ngày kết nghĩa đã có nhiều sáng tạo trong việc giúp nhau vươn lên phát triển kinh tế, dần vượt qua đói nghèo, lạc hậu. Điển hình như trước đây, bản Densavan đất đai rộng nhưng bỏ hoang nên bà con bản Ka Tăng mạnh dạn qua hợp tác, mở rộng và phát triển các mô hình trồng chuối, trồng sắn theo giao kèo bên có đất, bên có giống và kỹ thuật. Rồi nhiều hộ dân bản Densavan dần tích lũy kinh nghiệm, mở trang trại, trồng rừng, chuối… nâng cao thu nhập, góp phần làm cho đời sống ngày càng cải thiện.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị:

Hoạt động “Kết nghĩa bản - bản” khẳng định tính đúng đắn, là nhu cầu tự thân, phù hợp ý Đảng, lòng dân nên phát huy sức mạnh đoàn kết của đồng bào các dân tộc dọc hai bên biên giới Việt Nam - Lào, cùng nhau bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia của mỗi nước; chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... Đó là hình ảnh đẹp, là minh chứng sống động công tác đối ngoại nhân dân trong bảo vệ biên giới quốc gia thời đại mới.

>> Hình ảnh về sự gắn kết của các địa phương biên giới Việt Nam - Lào:

Dòng Sê Pôn, ranh giới tự nhiên Việt Nam – Lào thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị đối xứng với tỉnh Savannakhet, nước bạn Lào

Quân dân phối hợp tuần tra biên giới bên dòng Sê Pôn

Bộ đội Biên phòng Việt Nam hỗ trợ người dân khu vực biên giới nước bạn Lào xây dựng các công trình dân sinh

Những mô hình kinh tế mới giúp người dân khu vực biên giới Việt Nam - Lào vươn lên xoá đói giảm nghèo

Công trình nước tự chảy do tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ người dân bản Sê Sáp, huyện Kà Lừm, tỉnh Sekong (Lào)

Tặng quà cho học sinh khu vực biên giới nước bạn Lào

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và nhân dân bản Ka Tăng (Quảng Trị) tặng giống cây cho người dân bản Densavan (Savannakhet)

Khám chữa bệnh cho người dân khu vực biên giới Lào

Có thể bạn quan tâm