Biển Đông, Tổ quốc và tuổi trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Chúng tôi rất phấn khởi và ấm lòng trước tình cảm, sự chăm chú lắng nghe của cán bộ, lãnh đạo và đoàn viên thanh niên tỉnh nhà. Có thể nói, chưa bao giờ ý thức dân tộc của mỗi người dân lại cao đến thế!”- Thượng tá Lê Cao Thịnh- Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân cảng Sài Gòn-xúc động thốt lên sau 3 hội nghị được tổ chức tại Gia Lai để thông tin về tình hình biển Đông thời gian gần đây cũng như chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề này.
Tuổi trẻ Gia Lai nghe thời sự về biển Đông. Ảnh: Phương Duyên
Tuổi trẻ Gia Lai nghe thời sự về biển Đông. Ảnh: Phương Duyên
Trong nhiều hội nghị, hoạt động do Tỉnh đoàn Gia Lai hoặc các Đoàn khối tổ chức, cảnh thường thấy là không ít đoàn viên thiếu sự chăm chú, thường làm việc riêng như tán gẫu, đọc báo, nghe điện thoại, bỏ về sớm… Song, tại Hội nghị thông tin về tình hình biển Đông tổ chức cho 600 cán bộ, đoàn viên thanh niên trên địa bàn TP. Pleiku vào sáng 30-6, người ta lại thấy điều hoàn toàn ngược lại: Đoàn viên trật tự và chăm chú lắng nghe, nhiều người còn ghi chép rất cẩn thận. Dường như, trong sự im lặng và trật tự gần như tuyệt đối ấy, họ nghe rõ từng nhịp đập của những trái tim cùng hướng về Tổ quốc. Có thể nói, Hội nghị đã chạm vào và khơi gợi một điều hết sức sâu xa và thiêng liêng trong lòng mỗi con người trước khái niệm mà giờ đây không còn “chung chung”: Tình yêu đất nước và ý thức bảo vệ chủ quyền dân tộc.
Trong vài giờ ngắn ngủi, cùng với đèn chiếu và những hình ảnh minh họa sinh động, Thiếu tá Phạm Đức Hùng- Trưởng ban Tuyên huấn Quân cảng Sài Gòn, báo cáo viên tại Hội nghị-đã kịp thông tin cho đoàn viên thanh niên cái nhìn tổng quan, cơ bản về chủ quyền của Việt Nam trên 5 vùng biển theo Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982 gồm vùng nội thủy, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; về sự phong phú của tài nguyên sinh vật và khoáng sản dưới đáy biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Chưa một lần đặt chân đến Trường Sa nhưng các bạn trẻ hiểu rõ những khái niệm về đảo chìm, đảo nổi, xúc động về cuộc sống còn nhiều gian khó nhưng đầy ý chí, quyết tâm của các chiến sĩ Trường Sa trong nhiệm vụ sống còn là bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên biển-vốn quan trọng không kém chủ quyền trên đất liền. Một nội dung cũng được các bạn đoàn viên thanh niên hết sức quan tâm là chính sách của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề biển Đông sau sự cố các tàu thăm dò của Việt Nam liên tiếp bị tàu hải giám của Trung Quốc gây hấn và cắt cáp; đồng thời các tàu cá Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, cản trở từ phía nước láng giềng này trong hoạt động khai thác, đánh bắt. Báo cáo viên tại Hội nghị nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta chủ trương dùng biện pháp ngoại giao, đối thoại, tránh xung đột; xây dựng quân đội cách mạng chính quy, từng bước hiện đại, trong đó Hải quân Nhân dân Việt Nam-một trong 4 lực lượng quân đội-được ưu tiên tiến thẳng lên hiện đại.
Có thể nói, những thông tin từ báo chí và hội nghị lần này đã gây ra sự biến chuyển không nhỏ trong nhận thức, tư duy, tình cảm của mọi người dân, nói như một tờ báo bạn là làm dấy lên mạnh mẽ “ngọn sóng biển Đông trong lòng người Việt”. Chưa khi nào hai từ “Tổ quốc” được nhắc đến nhiều như lúc này. Đến với Hội nghị, ngoài mong ước một lần được đến thăm Trường Sa, bạn Diệp Kim Yến-đoàn viên chi đoàn cơ sở Chi cục Thi hành án Dân sự TP. Pleiku, bày tỏ: “Tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều hội nghị có tính thời sự và sinh động như thế này cho đoàn viên thanh niên. Qua Hội nghị, tôi cảm thấy rất tự hào, đồng thời cũng ý thức đầy đủ hơn về trách nhiệm của tuổi trẻ đối với Tổ quốc. Mong sao lực lượng Hải quân Việt Nam mau chóng được hiện đại hóa để bảo vệ Tổ quốc tốt hơn, sánh kịp với các quốc gia khác”. Theo dõi thông tin hội nghị từ đầu đến cuối buổi, anh Nguyễn Quang Phú-Bí thư chi đoàn Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Gia Lai, cũng đã ghi chép rất cẩn thận để về trao đổi lại với các đoàn viên trong chi đoàn.
Anh nói: “Thế hệ trẻ chúng tôi rất tự hào về quá trình lập nước, mở cõi của cha ông ta. Nếu có sự biến gì xảy ra, tuổi trẻ chúng tôi sẽ cống hiến hết mình để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”. Anh cho biết, trước mắt, hành động thiết thực nhất của anh cho biển đảo Tổ quốc là sẽ đóng góp một phần nhỏ bé vào chương trình “Góp đá xây Trường Sa” do Báo Tuổi Trẻ phát động.
Là báo cáo viên tại Hội nghị, Thiếu tá Phạm Đức Hùng chia sẻ: “Khi nhận được lời mời của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai, chúng tôi rất bất ngờ. Tuy là một tỉnh Tây Nguyên nhưng sự quan tâm của Gia Lai đến vấn đề biển đảo khiến những người giữ biển chúng tôi hết sức xúc động. Qua 3 buổi trao đổi thông tin về tình hình biển Đông, các cán bộ chủ chốt của tỉnh, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ Thành ủy Pleiku… và các đoàn viên thanh niên đã thể hiện rất rõ trách nhiệm chính trị của họ trước sự an nguy của Tổ quốc.
Đặc biệt, các bạn đoàn viên thanh niên-thế hệ trẻ của đất nước-rất quan tâm đến vấn đề này; không bàng quan, mơ hồ, đứng ngoài. Điều này rất đáng trân trọng”. Vâng, thật đáng trân trọng và thật ấm lòng khi lòng dân cùng đồng thuận, cùng hướng về tâm điểm thời sự, đau đáu vì chủ quyền Tổ quốc, hiểu rõ hơn bao giờ hết trách nhiệm của mỗi cá nhân với đất nước…
Phương Duyên
 

Có thể bạn quan tâm