(GLO)- Cách đây 13 năm, ngày 25-11-2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên Việt Nam đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại. Đây là sự ghi nhận, tôn vinh của quốc tế đối với di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc bản địa, đồng thời cũng đặt ra nhiệm vụ cấp thiết về bảo tồn và phát huy giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng trong những năm tiếp theo.
Nhằm đáp ứng nguyện vọng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, năm 2009, thay mặt 5 tỉnh trong khu vực, Gia Lai đã đăng cai tổ chức Festival Cồng chiêng Quốc tế với sự tham gia của không chỉ các đoàn trong cả nước mà còn có sự hiện diện của các nước thuộc khu vực ASEAN. Thành công của Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 là tiếng chiêng ngân xa báo hiệu cho thế giới biết rằng, Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng là một vùng trầm tích văn hóa đặc sắc của nhân loại. Không chỉ có cồng chiêng, Gia Lai còn là mảnh đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch, là điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước.
Biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: Đ.T |
Cũng với mục đích bảo tồn, phát huy giá trị di sản phi vật thể của nhân loại, năm nay, trên mảnh đất Gia Lai tươi đẹp và giàu bản sắc một lần nữa sẽ diễn ra lễ hội văn hóa cồng chiêng. Tuy không phải là lễ hội mang tầm quốc tế nhưng Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 được tổ chức rất quy mô với 11 hoạt động chính và nhiều hoạt động bên lề. Tham gia lễ hội dự kiến có hàng ngàn người thuộc 26 đoàn nghệ nhân đến từ các tỉnh trong khu vực. Đặc biệt, chương trình lễ hội diễn ra trong một không gian rất rộng, gắn liền với đời sống sinh hoạt của cư dân địa phương. Với cách làm như vậy, những người thiết kế chương trình muốn tạo ra một không gian văn hóa đích thực, gắn liền với đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Để tổ chức thành công Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018, tỉnh ta đã huy động rất nhiều nguồn lực về tài chính, trong đó có nguồn xã hội hóa. Đặc biệt, tỉnh cũng đã huy động sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân, già làng, những người có uy tín trong cộng đồng. Càng gần đến ngày khai hội, không khí chuẩn bị càng trở nên khẩn trương, gấp gáp. Đích thân các đồng chí lãnh đạo đã trực tiếp thị sát kiểm tra và chỉ đạo công tác chỉnh trang đô thị, chuẩn bị địa điểm tổ chức các hoạt động lễ hội.
Trong buổi làm việc với UBND tỉnh mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã đặt ra yêu cầu: “Làm sao để Festival năm nay diễn ra phải thành công bằng hoặc hơn năm 2009”. Điều đó cho thấy, Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 rất có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà. Ngoài ý nghĩa bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng, đây còn là dịp để quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để xúc tiến hợp tác, liên kết phát triển kinh tế, đặc biệt là “ngành công nghiệp không khói”. Festival sẽ mở ra cơ hội rất lớn nếu được tổ chức bài bản, công phu, giảm thiểu những “hạt sạn” không đáng có trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.
Liên quan đến lễ hội này, lãnh đạo tỉnh cũng rất lưu ý đến việc tạo dựng hình ảnh của Gia Lai trong mắt bạn bè trong cả nước và quốc tế. Đó là một Gia Lai giàu tiềm năng; thân thiện, mến khách; là điểm đến lý tưởng của du khách; là đối tác tin cậy của các nhà đầu tư... Muốn vậy, đến với lễ hội, du khách sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía chủ nhà, không chỉ của những người tổ chức lễ hội mà cả các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Thành phố Pleiku-nơi diễn ra lễ hội-phải là đô thị xanh, sạch, đẹp, thân thiện, an toàn. Theo đó, các điểm diễn ra lễ hội phải đảm bảo vệ sinh; đường phố phải sạch đẹp; hàng quán phải an toàn vệ sinh thực phẩm, không để xảy ra tình trạng “chặt chém”; các cơ sở lưu trú đảm bảo tiện nghi; phương tiện đi lại phải thuận tiện, văn minh, lịch sự... Cùng với đó, chính quyền thành phố cần tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, ngăn chặn có hiệu quả các tệ nạn xã hội.
Không chỉ dừng lại ở việc góp phần làm cho lễ hội thành công, các tổ chức, doanh nghiệp cần xem Festival Văn hóa Cồng chiêng là cơ hội để tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư. Muốn vậy, các ngành, địa phương, doanh nghiệp du lịch cần tranh thủ lễ hội để quảng bá danh lam thắng cảnh, địa điểm du lịch, kết nối tour tuyến, nghiên cứu áp dụng mô hình phát triển du lịch phù hợp...
Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 mở ra cơ hội phát triển rất lớn. Vì vậy, các ngành, địa phương và người dân cần chung tay để lễ hội được tổ chức thành công, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.
Duy Lê