Những nhà sàn phía sau cánh rừng già, các hộ dân phải sống trong cảnh không điện, không đường, tự cung tự cấp. Đó là tình cảnh của thôn Ba Nhà (xã Ba Giang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) từ bao đời nay.
Nhiều hộ dân thôn Ba Nhà sống cô lập, không điện, không đường |
Thức dậy từ 4 giờ sáng, các em học sinh từ mầm non đến trung học bắt đầu một tuần mới bằng việc đi bộ băng rừng, lội suối, vượt đèo dốc hơn 10km để đến trường học. Những nhà sàn phía sau cánh rừng già, các hộ dân phải sống trong cảnh không điện, không đường, tự cung tự cấp. Đó là tình cảnh của thôn Ba Nhà (xã Ba Giang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) từ bao đời nay.
Gian nan đường đến trường
Cánh rừng phòng hộ rộng lớn với diện tích hơn 2.100ha trùng điệp núi non, những dốc núi dựng đứng, thác nước từ suối đổ ầm ầm, chảy len lỏi khắp cánh rừng.
Hàng trăm học sinh của các điểm, tổ trên thôn Ba Nhà phải đi bộ đến trường, các em từ tổ 2 (Gò Lút, thôn Ba Nhà) đi bộ hơn 10km, các em từ tổ 1 (Gò Xiêng, thôn Ba Nhà) đi bộ hơn 14km đường rừng, đi suốt hơn 5 giờ liền, men theo sườn núi, đi qua các con suối, đá lởm chởm, hiểm trở, những vách núi dựng đứng sừng sững.
Nhiều học sinh thôn Ba Nhà đi bộ băng rừng để đến điểm trường chính ở dưới trung tâm xã Ba Giang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: NGUYÊN TRANG |
Em Phạm Thị Thành (lớp 5, Trường Tiểu học - THCS Ba Giang), chia sẻ: “Nhà em ở Gò Lút phải đi băng rừng hơn 10km, có nhiều lần mệt quá, em lấy nước suối uống, rồi ngồi nghỉ, rồi lại đi tiếp... cứ 4-5 lần như thế mới đến trường. Khó nhất là điểm dốc cao thẳng đứng, mấy anh chị đi trước phải kéo tay tụi em đi phía sau lên dốc…”. Các em đến trường nguy hiểm, trời mưa dông thì ướt nhẹp, lên sườn núi cheo leo không cẩn thận là trượt ngã. Nguy hiểm nhất là về mùa mưa lũ, nước chảy xiết, đèo dốc trơn, đường rừng lầy lội. Người lớn đã nhọc, học sinh đến trường càng khó.
Vất vả, nguy hiểm là thế nhưng bước chân của các em vẫn đều đặn, đầu tuần thì cả nhóm rủ nhau đến trường, cuối tuần lại về nhà lấy thêm ít lương thực rồi tiếp tục lên đường. Các em được ở tập trung tại khu bán trú tạm, hàng ngày tự lo giặt giũ, ăn uống. Em Phạm Thị Ham (lớp 7, Trường Tiểu học - THCS Ba Giang) nói: “Nhà em có 3 anh em, mỗi lần đều đi học cùng nhau. Sau này em ước mơ làm cô giáo để về làng dạy cho các em nhỏ để các em khỏi vất vả đi bộ, trèo núi, lội suối”.
Thầy Đào Văn Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Ba Giang, cho biết: “Học sinh các tổ, điểm thôn Ba Nhà rất khó khăn, mỗi cuối tuần các em về mà gặp phải mưa lớn, không thể đi qua rừng được thì phải nghỉ học, đến khi mưa tạnh thì lại xuống. Tinh thần của trường là phải đảm bảo an toàn cho học sinh, điều đáng khích lệ là các em vẫn ra lớp đầy đủ. Hàng ngày, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở các em khi đi rừng phải đi cùng nhau, không được đi riêng lẻ, lỡ có bạn nào gặp nạn thì còn giúp đỡ”.
Cô lập giữa rừng già
Thôn Ba Nhà, xã Ba Giang, là thôn đặc biệt khó khăn của xã, với 146 hộ/540 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo 77,24%, hộ cận nghèo 8,27%. Địa hình đồi núi khó khăn, hiểm trở. Từ trung tâm xã, muốn đến với các tổ, làng của dân phải đi băng rừng, các vùng hẻo lánh chỉ có vài hộ dân sống biệt lập giữa mênh mông đại ngàn. Ông Trần Thanh Hoài, Chủ tịch UBND xã Ba Giang, nhẩm đếm: Vùng Khâm có 8 hộ, Gò Xiêng có 30 hộ, Gò Lút có 17 hộ... các vùng cách nhau những dãy núi dựng đứng.
Ông Phạm Văn Lên, Trưởng thôn Ba Nhà, cho biết: “Những lúc người dân bị đau ốm nặng phải dùng cáng, võng khiêng qua hết đồi núi đến trạm y tế xã, điều này mất quá nhiều thời gian cho việc đi lại, nên đã có nhiều trường hợp không kịp cứu. Việc trao đổi hàng hóa hầu như không có, người dân sống chủ yếu tự cung tự cấp, các hộ dân đều thuộc hộ nghèo và thiếu hụt điều kiện sống”.
Không có đường, không có điện, người dân các vùng Khâm, Gò Xiêng, Gò Lút như chìm vào bóng đêm tĩnh mịch giữa núi rừng âm u. Hàng chục ngôi nhà le lói từ chiếc máy phát điện loại nhỏ đặt dưới suối. “Cả vùng chỉ có khoảng 5 cái máy phát điện tuabin nước đủ thắp mấy căn nhà, không có ti vi, điện thoại lúc được lúc mất. Cuộc sống rất khó khăn…”, ông Lên thở dài.
“Tự cung, tự cấp” là cuộc sống hàng chục năm nay của người dân thôn Ba Nhà. Không buôn bán, giao thương bên ngoài nên người dân nuôi rất ít heo, gà, chủ yếu nuôi trâu, bò. Ông Phạm Văn Dung nuôi nhiều trâu nhất thôn Ba Nhà cũng chỉ nuôi 11 con, các hộ còn lại trong thôn đa phần chỉ nuôi 2-3 con trâu, bò. Ông Lên nói: “Ở cái rừng núi này chỉ có trâu mới đi hết rừng. Con heo, con gà nuôi không đi nổi, không hợp thời tiết rồi dịch bệnh chết hết”.
Mỗi lần có người đến muốn mua trâu thì gọi lên cho trưởng thôn hoặc cho người dân trên các tổ để đặt ngày xem và trao đổi ngày đến. Người nuôi trâu ở vùng Khâm, Gò Xiêng, Gò Lút dắt theo trâu đi bộ qua hết rừng chừng vài giờ để đến Nhà văn hóa thôn Ba Nhà, đây là nơi giao dịch chính của làng.
Cả khu vực đều là rừng phòng hộ, không thể mở đường, không có đất trồng lúa, người dân nơi đây sống dựa vào khoản hỗ trợ trong chính sách giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ và hỗ trợ hộ nghèo của Nhà nước; học sinh thì nhận trợ cấp gạo và hỗ trợ mỗi năm trong chính sách giáo dục.
Nhiều lần xã Ba Giang cũng họp dân để đưa các hộ ra khỏi rừng, tuy nhiên nhiều hộ vẫn chưa muốn di dời. Họ đã sống từ những năm kháng chiến chống Pháp, xã Ba Giang được công nhận là xã An toàn khu năm 2013, đây là cái nôi cách mạng. Nhiều người vì quen đất ông cha để lại đã không muốn di dời.
Nguyễn Trang (sggp)