Phóng sự - Ký sự

Bình yên bên bến sông quê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với người dân ven các dòng sông ở Quảng Bình, chiếc rớ bình dị là công cụ đánh bắt cá thô sơ nhưng lại có sức bền đến lạ. Mỗi ban mai, hình ảnh chiếc rớ nhô dần khỏi mặt nước, cá nhảy loi choi, nước long tong rơi xuống tạo nên những vòng sóng tròn sống động trên mặt sông làm nhiều người thích thú. Không chỉ mưu sinh, nghề rớ trên sông đang dần trở thành một sản phẩm du lịch trải nghiệm thú vị.
 Một chiếc rớ được người dân cắm trên sông Nhật Lệ.
Một chiếc rớ được người dân cắm trên sông Nhật Lệ.
Mưu sinh bằng nghề rớ
Chưa rõ, chiếc rớ (còn gọi là vó) xuất hiện từ khi nào, nhưng cho đến nay, hình ảnh xưa cũ ấy vẫn hiển hiện trên khắp các dòng sông ở Quảng Bình. Chiếc rớ bình dị gắn với cư dân sông nước đến mức thân thuộc, có nơi người ta quên mất tên đất, tên làng mà gọi là xóm Rớ. Bác tôi kể lại rằng, xưa trên dòng Kiến Giang, huyện Lệ Thủy có làng chài Phú Bình, còn gọi là xóm Rớ. Một gia đình của làng chài với cả chục người hầu như chỉ sống dựa vào nghề cất rớ. Người dân trong làng sở hữu những chiếc thuyền lớn, đủ cho cả gia đình sinh sống quanh năm trên sông. Phía trước mũi thuyền là một chiếc rớ lớn với bộ gọng "khủng". Mỗi khi cất rớ có hai người đi từ phía trước mũi ra phía sau thuyền dùng lực đòn bẩy để cất rớ lên; rồi dùng cái gầu dài hắt cá trong lưới vào gầu. Trong chiến tranh, những chiếc thuyền và trai tráng xóm Rớ được huy động để vận tải phục vụ kháng chiến. Nghề rớ của Phú Bình cũng mai một đi từ đó.
Bây giờ, nghề rớ vẫn còn nhưng người ta không gắn rớ vào thuyền như trước mà cắm ngay các chân rớ bên mép nước. Trên dòng Kiến Giang đoạn chảy qua trung tâm huyện Lệ Thủy còn rất nhiều chiếc rớ. Anh Lê Văn Khương ở xã Xuân Thủy cho biết, nghề này do cha anh truyền lại và anh gắn bó với nó đã nhiều năm. Hồi trước, rớ còn thô sơ, bộ gọng mỏng manh và quay bằng tay; nay dùng mô-tơ điện để quay và bộ gọng rớ cũng chắc chắn hơn. Ðể sắm được bộ rớ ưng ý cũng kỳ công, anh phải vào tận tỉnh Quảng Trị chọn mua những cây phi lao dài, gốc và ngọn thon nhỏ, cân đối để làm gọng. Lưới phải đặt mua ở TP Ðồng Hới để có mắt lưới phù hợp với các loại cá trên sông. Chi phí cho bộ rớ của anh khoảng 30 triệu đồng. Theo anh Khương, mỗi đêm quay rớ bán được 200 đến 300 nghìn đồng tiền cá. Ban ngày tùy thuộc công việc, rảnh thì quay, bận thì thôi. Xem ra rớ là phương tiện làm thêm của người dân ven dòng Kiến Giang nhưng cũng cho thu nhập khá, cá được đánh bắt bằng rớ quay tươi ngon cho nên khách mua rất chuộng.
Lặng lẽ khuấy động mặt dòng Nhật Lệ, mấy giàn rớ bên sông đã tạo nên nét thanh bình và rất riêng của thành phố mặn mòi vị biển Ðồng Hới. Nghề rớ trên sông Nhật Lệ từ lâu gắn bó với cư dân, hình thành những xóm rớ, xóm câu đông đúc. Bây giờ phố xá mọc lên song nghề rớ chỉ mai một chứ không mất đi, vẫn lặng lẽ quay - thả như vốn tự lâu rồi. Bà Nguyễn Thị Ánh làm nghề này gần 30 năm nay, hiện giàn rớ của bà ở gần cầu Nhật Lệ, bên kia đường phố đông đúc xe cộ. Bà sống bình lặng, không nhà cửa, gắn bó với nghề rớ và chứng kiến bao biến thiên thời cuộc. Bà kể, trước kia, quay rớ bằng tay cho nên phải khỏe để níu vào cần trục, thu dây thừng nâng rớ lên rồi mới bắt được cá. Bây giờ khỏe hơn nhiều, chỉ cần nhấn cầu dao, tời sẽ tự thu dây, kéo lưới lên. "Nghề này vốn của nhà nghèo, trước đây người ta ít chú ý, thậm chí tui đã từng nghe chính quyền thành phố có ý định dẹp bỏ rớ trên sông Nhật Lệ vì nó nhếch nhác. Nhưng sau đó họ vẫn cho hoạt động. Gần đây, nhiều khách du lịch, các bạn trẻ xin lên chòi để quay rớ, chụp ảnh. Nhiều lúc tôi phải quay rớ vài ba lần cho họ chụp ảnh, cũng vui!", bà chia sẻ.
Bà Ánh mời tôi ghé chòi rớ chơi. Khách xuống chiếc thuyền thúng neo sát bờ kè rồi dùng tay nắm sợi dây để thúng hướng ra phía chòi. Ðến chân chòi, khách bước lên sàn theo các bậc thang buộc bằng hai cây tre. Chòi rớ có bốn chân cắm bên mé sông bằng các vật dụng tre, gỗ nhưng khá vững, phía bên trái gắn bộ tời để kéo rớ, bên phải là chỗ sinh hoạt của bà chủ, dưới một chân chòi buộc chiếc oi (giỏ) cá. Bà Ánh tâm sự, mỗi ngày vài chục lần kéo rớ, cá lúc có lúc không nhưng chưa bao giờ bà thấy buồn. Nghề này bắt được cá nhiều hay ít tùy thuộc vào con nước, thời tiết nữa. Trước đây, kéo cá lên bà đưa vào chợ bán, nhưng bây giờ người ta đến mua tận chòi, cá tươi ngon cho nên bán lúc nào cũng được. Mỗi ngày được 100 đến 150 nghìn đồng, đủ chi tiêu cho hai mẹ con. Cách đây không lâu, rớ bà trúng đậm mẻ cá mòi khoảng năm tạ. Sáng sớm đó thức dậy, từ chòi nhìn ra bà thấy một đàn cá mòi dày đặc đang bơi cuộn tròn ngang qua lưới, liền nhanh chóng bật mô-tơ kéo rớ lên, thế là toàn bộ đàn cá nằm trọn trong rớ, bà phải nhờ hai người bơi thuyền thúng ra vớt đến gần trưa mới xong. Mẻ cá hôm đó bà bán được hơn bảy triệu đồng.
Du khách nước ngoài ghi lại hình ảnh cất rớ của ngư dân.
Du khách nước ngoài ghi lại hình ảnh cất rớ của ngư dân.
Cất rớ - trải nghiệm thú vị
Ðến nay, chưa ai thống kê trên các dòng sông tại Quảng Bình có bao nhiêu rớ, nhưng chắc chắn con số đó phải hàng trăm. Với người dân địa phương, chiếc rớ và nghề quay rớ quá đỗi bình thường, nhưng với nhiều khách du lịch là điều gì đó khá lạ mắt khiến họ muốn khám phá và trải nghiệm.
Với TP Ðồng Hới, mấy chiếc rớ trên sông đã tạo thành nét rất riêng của phố biển này. Nếu không có bóng rớ, có lẽ dòng Nhật Lệ sẽ rất "cô đơn", cảm giác đi qua cầu Nhật Lệ như thiếu đi cái gì đó trên sông. Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài kể, hồi ông còn làm việc, có lần, lãnh đạo TP Ðồng Hới xin ý kiến về việc tháo dỡ các giàn rớ trên sông để tạo mỹ quan đô thị. Ông không đồng ý, bởi lẽ, những chiếc rớ trên sông đã gắn bó máu thịt với người dân, thể hiện nét văn hóa của cư dân sông nước Ðồng Hới từ xưa. Không những thế, hình ảnh đó lại càng làm thành phố trở nên dân dã, gần gũi và bình yên bên cạnh nét hiện đại và nhịp sống hối hả của đô thị trẻ. Nếu muốn đẹp lên, thành phố phải hướng dẫn và hỗ trợ cho chủ các chòi rớ sửa sang lại nhưng phải giữ được cái hồn cốt của nghề và người dân vẫn sống được bằng công việc vốn gắn bó với họ qua năm tháng. Vậy là các giàn rớ ấy vẫn giữ được không gian cho riêng mình với sự hỗ trợ một phần kinh phí từ chính quyền. Bây giờ, mỗi sớm mai thức dậy, dạo bước bên công viên Ðồng Mỹ, có thể bắt gặp những chiếc rớ quay nhô dần khỏi mặt nước, những chú cá nhảy loi choi, nước long tong rớt xuống tạo nên những vòng sóng tròn làm xáo động cả khúc sông. Ðó là hình ảnh thanh bình mà sống động trên dòng Nhật Lệ trong xanh.
Giữ lại nghề rớ không chỉ làm cho dòng sông Nhật Lệ mềm mại, sống động mà bước đầu còn tạo ra một sản phẩm du lịch trải nghiệm khá thú vị. Mấy người bạn đến từ Hà Nội cứ nằng nặc yêu cầu tôi phải tổ chức cho được một chuyến đi câu mực và một chiều quay rớ để thưởng thức cá tươi tự tay bắt từ sông lên. Chiều lòng bạn, tôi gọi cho chị Phương Lan, chủ một điểm du lịch trải nghiệm tự cất rớ bắt cá trên sông Nhật Lệ ở xã Bảo Ninh. Khoảng 17 giờ, nhóm chúng tôi đến điểm hẹn rồi mặc áo phao xuống chiếc thuyền di chuyển ra chòi nhỏ trên sông Nhật Lệ. Trong ráng chiều, nhìn từ Bảo Ninh, qua mắt lưới của giàn rớ, phố xá Ðồng Hới đẹp đến mê hoặc, bạn tôi thu được những khuôn hình rồi tấm tắc khen. Không chỉ mở tua du lịch trải nghiệm quay rớ trên sông Nhật Lệ, chị Phương Lan còn mở các dịch vụ như thả lưới, câu cá, đốt lửa trại để thưởng thức hải sản theo nhu cầu và trải nghiệm câu mực ngoài cửa biển Nhật Lệ. Các mô hình này ra đời chưa lâu nhưng đã có nhiều du khách biết tới cho nên gia đình chị Lan khá tất bật. Hôm ấy, sau khoảng hai giờ đồng hồ, nhóm chúng tôi bắt được gần 3 kg cá trích ve. Cá chỉ nhỉnh hơn ngón tay út, nhảy loi choi trong chiếc thùng nhỏ, ánh lên mầu xanh bạc trông rất đẹp mắt. Trong chòi, chị Lan đã chuẩn bị sẵn nồi nước sôi, rau sống, bánh đa, bát nước mắm ớt. Chúng tôi cùng thưởng thức món cá trích ve cuốn bánh đa ngon khó tả. Gió nồm thổi nhẹ càng làm cho "bữa tiệc cá" tự tay bắt thêm khoan khoái, thú vị. Mọi người cùng nhận thấy, sự có mặt của những chiếc rớ trên dòng Nhật Lệ này như minh chứng cho sự dồi dào tôm cá và môi trường an lành của dòng sông; đó là điều đáng quý và cần thiết phải giữ gìn.
Không chỉ trên dòng Nhật Lệ mà ở nhiều dòng sông tại Quảng Bình, nghề cất rớ vẫn khá phổ biến, có những đoạn rớ đan dày đầy mặt sông. Trong tua du lịch tham quan sông Son và các làng nghề ven sông, Giám đốc Công ty Oxalis Nguyễn Châu Á đã chọn điểm dừng chân cho khách du lịch tại các khu vực có nhiều giàn rớ xã Quảng Minh. Anh Hoàng, chủ nhân một chòi rớ rất vui khi được đón đoàn tham quan, trong đó có nhiều khách nước ngoài thích thú với mô hình mưu sinh của mình. Anh Hoàng nói, giàn rớ dân dã vùng sông nước quê anh nếu được người nước ngoài đến trải nghiệm, chụp ảnh giới thiệu với bạn bè, quảng bá nhiều nơi trên thế giới thì còn gì vui và hạnh phúc hơn. Nếu công ty du lịch có kế hoạch phối hợp, anh sẵn lòng đầu tư lại giàn rớ cho đẹp hơn.
Dẫu nông thôn, phố phường đang từng ngày đổi thay, nhưng bên triền sông vẫn còn đó những giàn rớ cần mẫn kéo cá, bóng rớ đổ dài như kéo cả thời gian và không gian lắng lại. Mỗi giàn rớ là một cuộc đời giản dị, bình yên bên bến sông quê.
 HƯƠNG GIANG - HOÀNG PHÚC (nhandan)

Có thể bạn quan tâm