Bình yên Kret Krot

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xã Hà Ra (huyện Mang Yang) từng được biết đến là điểm nóng về hoạt động của tà đạo “Hà Mòn”. Từ năm 2012 đến nay, chính quyền địa phương và lực lượng Công an đã tích cực đấu tranh, phá rã nhiều khung ngầm FULRO, bắt giữ những kẻ cầm đầu, đưa ra xét xử trước pháp luật. Với quyết tâm giáo dục cảm hóa, giúp đỡ những người từng lầm lỡ hướng thiện, đến nay một số người lầm theo tà đạo “Hà Mòn” đã ra trình diện chính quyền và có cuộc sống ổn định.

Làng Kret Krot (xã Hà Ra) hôm nay đã có nhiều thay đổi. Trước đây, nạn đói giáp hạt là nỗi ám ảnh với nhiều người làng thì nay chỉ còn trong ký ức. Con đường vào làng được bê tông hóa, những vườn cây công nghiệp phủ xanh 2 bên đường là minh chứng cho sự nỗ lực của cộng đồng.

 

Ông Rân (áo trắng) bên vườn chanh dây của gia đình. Ảnh: L.A
Ông Rân (áo trắng) bên vườn chanh dây của gia đình. Ảnh: L.A

Nơi đây từng là địa bàn có nhiều người theo tà đạo “Hà Mòn”, họ thường xuyên trốn ra rừng, tụ tập cầu nguyện với niềm tin mù quáng “đức mẹ hiện hình” sẽ mang đến cuộc sống giàu có, sung sướng không phải lao động. Nhiều người làng từ bỏ truyền thống vốn có, lười lao động, bỏ bê nương rẫy… Trẻ em không được đi học, cái đói, cái nghèo bủa vây. Sau khi bị chính quyền và người dân đấu tranh, vạch mặt, một số đối tượng cầm đầu tà đạo “Hà Mòn” trốn ra rừng, tiếp tục hoạt động. Chúng ép một số người dân nộp tiền, gạo, lương thực… để tiếp tế cho các đối tượng đang lẩn trốn. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương và lực lượng Công an đã tích cực vận động, giúp đỡ nhiều cá nhân quay trở về.

Đến thăm gia đình anh Wung, 38 tuổi, một trong những nạn nhân của “cơn gió độc Hà Mòn”, chúng tôi được anh chia sẻ: Năm 2011, Wung nghe theo FULRO trốn vào rừng, tụ tập cầu nguyện. Những tháng ngày sống khổ cực, đói khát, anh mới thấm thía nỗi nhớ vợ, thương con rồi dần nhận ra bản chất lừa phỉnh của bọn phản động. Được chính quyền, lực lượng Công an vận động, thuyết phục, năm 2013, Wung ra trình diện với quyết tâm sửa chữa lỗi lầm. Hiện tại, gia đình anh chuyên tâm trồng cà phê, bắp, mỗi năm thu nhập trên 70 triệu đồng.

Một trường hợp khác là ông Rân, 50 tuổi, cùng làng Kret Krot. Năm 2013, ông Rân trốn ra rừng theo FULRO. Những lời hứa hão huyền về chức danh dành cho ông khi “nhà nước Đê-ga” thành công và luận điệu xuyên tạc “đạo Hà Mòn là đạo riêng của dân tộc Tây Nguyên, cứ cầu nguyện đi sẽ được sống sung sướng” khiến ông mụ mị. Nhưng rồi chờ mãi chẳng thấy đâu. Ông Rân biết mình bị lừa và tìm đường quay trở về. Thuộc hộ nghèo trong làng, gia đình ông Rân được chính quyền xã giúp đỡ, hỗ trợ 20 triệu đồng để ổn định cuộc sống. Chỉ vào căn nhà đang xây, ông kể chúng tôi nghe về những dự định phát triển kinh tế. Nếu lúc trước ông tin theo FULRO bao nhiêu, thì giờ ông căm ghét sự giả dối đó bấy nhiêu.

“Đến khi tôi về trình diện chính quyền một thời gian thì con tôi lại bỏ trốn lên rừng. Tôi buồn và hối hận lắm. Được chính quyền giúp đỡ, kinh tế cũng bớt khó khăn, tôi chỉ mong con trai mình quay về, người làng đừng trốn lên rừng nữa. Tụi nó lừa mình thôi. Tôi khuyên những ai đang còn trốn trong rừng nên quay trở về sống đoàn kết với dân làng. Đây chỉ là chiêu trò lừa phỉnh của bọn FULRO…”-ông Rân ân hận.
 

Từ năm 2012 đến nay, Công an huyện Mang Yang đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh bắt giữ 41 đối tượng cầm đầu tà đạo “Hà Mòn” đưa ra xét xử trước pháp luật. Qua tuyên truyền, vận động, có hơn 70 lượt người tránh mặt, trốn ra rừng trở về trình diện chính quyền. Hầu hết số người bị lôi kéo theo FULRO đã từ bỏ tà đạo “Hà Mòn”, quay về với sinh hoạt tôn giáo truyền thống.

Những năm qua, tranh thủ sự giúp đỡ của những người có uy tín, chính quyền địa phương và Công an huyện Mang Yang đã tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền phát động; kêu gọi hàng chục lượt người trốn ra rừng về trình diện chính quyền. Ông Yung-Bí thư chi bộ làng Kret Krot, cho biết: “Chính quyền địa phương và lực lượng Công an thường xuyên đến vận động các gia đình có người trốn ra rừng về trình diện. Bên cạnh đó, sự có mặt của tổ an ninh địa bàn và Công an huyện đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, ngăn chặn tình trạng thanh-thiếu niên tụ tập uống rượu, đua xe trái phép, kéo giảm tội phạm trộm cắp tài sản, khiến bà con an tâm hơn trong sinh hoạt hàng ngày”.

Từ bỏ tà đạo, người làng Kret Krot đang từng ngày nỗ lực chăm lo phát triển kinh tế, vun đắp tình yêu gia đình, thôn làng. Với truyền thống đoàn kết, gắn bó của người Tây Nguyên, họ đã trở về trong vòng tay bao dung của cộng đồng, nỗ lực vượt khó, ổn định cuộc sống.

Lê Ánh

Có thể bạn quan tâm