Phóng sự - Ký sự

Bình yên vùng biên Đông Nam bộ - Bài 1: Sức sống mới ở miền biên viễn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
LTS: Việt Nam và Campuchia là 2 nước láng giềng có lịch sử quan hệ gắn bó lâu đời, có đường biên giới dài 1.270km, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam. Trong đó, khu vực Đông Nam bộ phía Việt Nam có 2 tỉnh Tây Ninh và Bình Phước tiếp giáp 5 tỉnh nước bạn là Svay Riêng, Prey Veng, Tboung Khmum, Mondulkiri và Kratie với đường biên dài khoảng 500km.

Thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước đã có nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác, đảm bảo an ninh quốc phòng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, thúc đẩy việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Đi dọc tuyến biên giới tỉnh Bình Phước, đến đâu chúng tôi cũng thấy những khu dân cư mới của đồng bào S’tiêng, M’nông, Khmer bên những con đường bê tông phẳng phiu. Màu xanh của điều, cà phê, cao su, tiêu trải dài.

Điểm tựa từ những khu tái định cư

Xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) có 1.351 hộ dân, gần 7.700 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 73% (chủ yếu là người S’tiêng, Nùng, M’nông). Trước đây, bà con trong vùng coi điều là cây giữ đất của dòng tộc nên bỏ bê, không chăm sóc; tình trạng bán điều non, cầm cố, sang nhượng nương rẫy âm ỉ cả một vùng. Thế nhưng, giờ nhiều hộ thay đổi nếp nghĩ, cách làm khi biết cắt tỉa cành điều khô chết, xịt thuốc, dưỡng bông trái nên vườn điều sạch sâu bệnh, sống khỏe, cho thu hoạch năng suất cao.

Gia đình anh Điểu Khoa (người S’tiêng, thôn Bù Dốt) có hơn 1ha điều cùng với khoản lương giữ rừng tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập, nên cuộc sống tương đối ổn định, đủ nuôi 2 con ăn học. Ngoài lương, anh Điểu Khoa còn hưởng nhiều lợi ích từ rừng như được phép lấy lá nhíp, đọt mây, măng, các loại trái cây như xoài, vải, chôm chôm để cải thiện bữa ăn gia đình…

Với nghị lực vượt khó, nhiều hộ gia đình khác của xã Bù Gia Mập đã thoát nghèo, vươn lên khá giả, có cơ ngơi nhà cửa khang trang, thậm chí sắm được cả ô tô. Điển hình như hộ gia đình anh Điểu Vi Rút có vườn điều 8ha, cho thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm; hay hộ anh Điểu Vơn có 7ha cao su, xây nhà cửa khang trang, con cái ăn học đàng hoàng… Cuộc sống khấm khá của nhiều gia đình đã góp phần tạo nên sức bật mới làm thay đổi diện mạo vùng sơn cước giáp Vương quốc Campuchia.

Theo chân Thiếu tá Trần Quang Bắc, Đội phó Đội sản xuất số 5 thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 - Quân khu 7 (Đoàn 778, đóng ở huyện Bù Gia Mập), chúng tôi đến Khu tái định cư (TĐC) Đắk Á (xã Bù Gia Mập) trên diện tích gần 9ha, xây dựng từ năm 2020. Thiếu tá Trần Quang Bắc cho biết: Trước đây, bà con người S’tiêng và người Mông có kinh tế khó khăn, không nhà cửa, vườn tược, ai kêu gì làm đó.

Từ khi chuyển vào khu TĐC, đời sống kinh tế đã khá hơn nhiều, ai cũng có công ăn việc làm, con cái không bỏ học giữa chừng. Khu TĐC đã có 60 hộ dân vào ở, dự kiến năm 2025 sẽ tăng lên 120 hộ, mỗi hộ được cấp 500m² (400m² đất thổ cư) và 1 nhà ở cùng công trình điện, nước, đường, đèn năng lượng trị giá 110-135 triệu đồng.

Từ miền quê nghèo Nghệ An, gia đình chị Mông Thị Hương (dân tộc M’nông) chuyển vào thôn Bù Rên (xã Bù Gia Mập) hái tiêu, cà phê, nhặt điều kiếm sống. Cuộc sống ăn bữa nay, lo bữa mai nên khi được cấp đất, cấp nhà TĐC, gia đình chị nuôi bò, mở cửa hàng tạp hóa, mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng và trở thành hộ thoát nghèo nhanh nhất khu TĐC. Còn với các hộ Đỗ Thị Lan, Thị Phia, Điểu Lý… cũng không còn lo từng bữa, chạy vạy vay mượn mỗi khi ốm đau, mùa màng thất bát.

Bà con đồng bào S’tiêng (huyện Bù Gia Mập) được trao bò sinh sản để phát triển kinh tế, góp phần thoát nghèo. Ảnh: HOÀNG BẮC

Bà con đồng bào S’tiêng (huyện Bù Gia Mập) được trao bò sinh sản để phát triển kinh tế, góp phần thoát nghèo. Ảnh: HOÀNG BẮC

Rời Khu TĐC Đắk Á, chúng tôi đến Khu TĐC Tiểu khu 119 (thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập) rộng 36,5ha do Đoàn 778 xây dựng, hiện bố trí cho 146 hộ dân sinh sống, chủ yếu là người Việt từ Campuchia về và đồng bào DTTS. Ngoài căn nhà xây cấp 4, mỗi hộ được cấp 2 con bò làm vốn để ổn định cuộc sống.

Trò chuyện với vợ chồng ông Nguyễn Văn Kênh (72 tuổi) được biết, năm 2002, từ Biển Hồ (Vương quốc Campuchia) gia đình ông trở về lòng hồ Cần Đơn (xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập) làm nhà bè nổi để nuôi cá nhưng thu nhập chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Mỗi khi mưa dông, gió lớn, gia đình ông Kênh thót tim vì bè cá vỡ. Đến năm 2017, gia đình ông được cấp 1 căn nhà TĐC tại Tiểu khu 119 và mở thêm quán tạp hóa, nhận điều về bóc vỏ lụa, thu nhập cả chục triệu đồng mỗi tháng, con cái được đến trường, không còn nỗi lo thất học.

Sức bật từ vùng sơn cước

Từ TP Đồng Xoài, chúng tôi men theo con đường thảm nhựa giữa rừng cao su của các nông trường đang mùa dưỡng lá chừng hơn 70km mới tới huyện Lộc Ninh, nơi có đường biên giới dài 110km, tiếp giáp Vương quốc Campuchia. Xe chạy bon bon trên tuyến quốc lộ 13 đầu tư theo hình thức BOT chạy dài đến cửa khẩu quốc tế Hoa Lư qua nước bạn. Tuyến đường giúp cho việc giao thương qua lại hai bên biên giới thuận tiện.

Lộc Ninh có 116.744 nhân khẩu, trong đó hơn 20% là đồng bào DTTS, chủ yếu người S’tiêng và Khmer. Trước đây, cuộc sống bà con phụ thuộc vào rẫy cao su, hồ tiêu nhưng canh tác manh mún, tự phát nên cho thu nhập thấp, mỗi khi mất mùa lại thiếu thốn triền miên.

Giờ đây, bà con đã ý thức chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác nên nhiều hộ khấm khá. Gia đình ông Lâm Út Le (ấp Tà Thiết, xã Lộc Thiện) có 1ha đất trồng cao su, hoa màu nhưng giá cả lên xuống thất thường, bị thương lái ép giá, sau mỗi vụ thu hoạch phải chắt bóp chi tiêu mới đủ trang trải cuộc sống.

Tuy nhiên, nhờ học hỏi, được hướng dẫn thêm kỹ thuật trồng, chăm sóc nên chẳng mấy chốc, rẫy cao su nhà ông Le cho năng suất cao, thu nhập ổn định. Giờ ông Lâm Út Le đã có 15ha đất trồng tiêu, cao su, thu về khoảng 800 triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm ổn định cho nhiều bà con trong vùng.

Cũng là địa phương giáp biên của tỉnh Bình Phước, huyện Bù Đốp có các điểm dân cư liền kề Đồn biên phòng Bù Đốp (thuộc ấp Phước Tiến, xã Hưng Phước) được xây dựng trên khu đất bằng phẳng. Ngoài nhà ở, ở đây còn có đầy đủ điện, đường, nước sinh hoạt, giúp cho đồng bào DTTS tin yêu cuộc sống, hăng say lao động, tích cực cùng bộ đội biên phòng tham gia giữ từng tấc đất quê hương.

Cuộc sống nơi biên giới yên bình, ngày một đầm ấm. Gia đình anh Vũ Văn Biên (39 tuổi) trước đây ở xã Thiện Hưng (huyện Bù Đốp), do trồng tiêu chết nên đổ nợ, phải ở nhờ người thân, phải đi làm thuê để sống. Đang túng quẫn thì gia đình anh được chính quyền cấp đất, nhà ở. Anh làm thợ xây, vợ cạo mủ cao su, mở tạp hóa tại nhà nên có thu nhập khá.

Tương tự, gia đình anh Điểu Khoen (47 tuổi, dân tộc S’tiêng) không có nương rẫy, phải bươn chải đủ thứ việc kiếm sống, nay được cấp đất, nhà diện tích 360m² cùng nhiều vật dụng sinh hoạt nên rất phấn khởi. Mấy năm trước, gia đình ở ấp Bù Tam (xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp) không có nhà phải đi ở nhờ, làm thuê làm mướn để kiếm sống, vợ chồng với 4 đứa con bữa đói bữa no. Năm 2022, chính quyền xét cho lên điểm dân cư liền kề, vợ chồng đi cạo mủ cao su, hái tiêu cho các hộ trong vùng, cuộc sống đã ổn định.

Anh Điểu Khoen vui vẻ nói: “Nhà mình khổ nhiều rồi, nay có chỗ ở, đất sản xuất nên vui lắm và được cán bộ biên phòng tuyên truyền để làm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Người dân như mình là tai mắt của chính quyền mà, nếu có ai vượt biên mang hàng cấm, phương tiện ăn cắp về thôn là mình báo ngay cho đồn biên phòng”.

Với chủ trương xây dựng đường biên giới “Hòa bình, ổn định và phát triển”, những năm qua, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và tỉnh Bình Phước đã triển khai Đề án xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới giai đoạn 2019-2025 và điểm dân cư liền kề đồn, trạm biên phòng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, nhằm từng bước ổn định cuộc sống người dân, giữ vững phên dậu của quốc gia.

Dọc tuyến biên giới Bình Phước có 16 đồn biên phòng, lực lượng mỏng nên tỉnh lập các điểm dân cư, chốt dân quân và phối hợp chính quyền 15 xã biên giới cùng bộ đội biên phòng phát triển kinh tế; phối hợp tuần tra, truy quét, tạo nên “bức tường thép” ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ gây mất an ninh khu vực, góp phần giữ bình yên biên giới.

Có thể bạn quan tâm