Có thể Bộ GTVT muốn nhờ Thủ tướng tác động tới Ủy ban quản lý vốn cấp thêm tiền cho VEC...
Muốn xin thêm tiền ngân sách?
Trước thông tin, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đôn đốc, chỉ đạo VEC, sớm triển khai hệ thống thu phí không dừng (ETC) tại các dự án của VEC quản lý, nhiều chuyên gia nghi ngờ Bộ có dụng ý xin thêm tiền ngân sách.
Bộ Giao thông vận tải đánh giá ngoài tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, 4 tuyến cao tốc khác của VEC rất khó hoàn thành tiến độ thu phí tự động không dừng vào cuối năm 2019. Ảnh: TTO
PGS. TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) trước đây trực thuộc Bộ GTVT cũng là đơn vị được giao thực hiện, nắm giữ nhiều trạm BOT trên các tuyến cao tốc nhiều nhất nhưng lại triển khai áp dụng hệ thống thu phí không dừng chậm nhất. Nguyên nhân như VEC đã nói là do thiếu tiền.
"Đây có lẽ là lý do Bộ GTVT muốn nhờ Thủ tướng tác động tới Ủy ban quản lý vốn cấp thêm tiền cho VEC để đẩy nhanh tiến độ, kịp hoàn thành mục tiêu", PGS Trần Chủng nói.
Cũng đưa ra nhận định tương tự, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng công tác quản lý Nhà nước đang có vấn đề. Vấn đề cơ bản nằm ở cơ chế điều hành thiếu cương quyết, không quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm, thậm chí có hiện tượng lần nữa với nhau, thỏa thuận với nhau, kéo dài thời gian không muốn thực hiện.
Theo ông Thủy, Bộ GTVT từng đưa ra lời hứa sẽ triển khai thực hiện việc lắp đặt, vận hành hệ thống ETC trong năm 2017, rồi hoàn thành vào năm 2018 và hứa sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại là tháng 8/2019 vẫn chưa hoàn thành mục tiêu.
Nhìn nhận về trách nhiệm, TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ GTVT. Ông cho biết, ở thời điểm VEC còn trực thuộc Bộ GTVT, cơ quan này đã không thể hiện được vai trò, trách nhiệm cũng như tính quyết đoán của một cơ quan chủ quản nhà nước đối với một doanh nghiệp trực thuộc trong xử lý vấn đề.
Ông Thủy nhấn mạnh, về nguyên tắc quản lý Nhà nước, Bộ GTVT là cơ quan chủ quản của VEC, mọi chỉ đạo của Bộ GTVT đều là cơ sở pháp lý và VEC phải thực hiện, không thể có tình trạng chống đối, không làm.
Việc yêu cầu VEC hoàn thành mục tiêu lắp đặt hệ thống thu phí không dừng không có gì khó khăn nếu Bộ GTVT cương quyết, muốn làm tới cùng.
Với vai trò của một cơ quan chủ quản, Bộ GTVT hoàn toàn có thể áp đặt mốc thời gian, đặt mục tiêu, buộc VEC phải thực hiện và hoàn thành.
Trong trường hợp hết thời gian cho phép, VEC vẫn không hoàn thành mục tiêu, Bộ GTVT có thể xử lý trách nhiệm với từng cá nhân, tập thể trong doanh nghiệp với lý do không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ.
Với những cá nhân làm sai, có ý đồ trì hoãn, kéo dài thời gian, lần nữa không thực hiện có thể cách chức, thay người khác.
Với hoạt động khai thác trạm thu phí, Bộ GTVT hoàn toàn có quyền yêu cầu tạm dừng thu phí cho tới khi VEC hoàn thành nhiệm vụ. Cũng có thể, xử phạt hành chính thật nặng, đánh vào tài chính của VEC.
"Việc này hoàn toàn nằm trong tầm tay của Bộ GTVT. Có sự chậm trễ trong chỉ đạo VEC triển khai thu phí không dừng có nguyên nhân do thái độ thiếu kiên quyết của ngành giao thông.
Thái độ của ngành giao thông khiến dư luận nghi ngờ có lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác quản lý dẫn tới tình trạng trên nói dưới không nghe, không thể chỉ đạo, xử lý được. Cũng có thể vì có lợi ích mà đôi bên thảo thuận, cố trì hoãn, kéo dài thời gian để đẩy trách nhiệm sang cho người khác. Vấn đề này cần phải làm rõ và phải xử lý tới nơi tới chốn nếu có", TS Nguyễn Xuân Thủy nói.
Phải xử lý nghiêm
Khi VEC được chuyển sang cho Ủy ban quản lý vốn nhà nước quản lý, Bộ GTVT lại có động thái "nhờ" Thủ tướng chỉ đạo cơ quan chủ quản đôn đốc VEC hoàn thành việc thu phí không dừng.
Ông Thủy nói thẳng, đây là động thái rất "lố" của Bộ GTVT.
"Vì sao khi còn quản lý VEC Bộ GTVT không sốt sắng chỉ đạo đơn vị này hoàn thành nhiệm vụ mà phải đợi khi chuyển sang đơn vị khác thì lại có văn bản kêu lên Thủ tướng? Có phải Bộ GTVT đang đẩy việc cho Thủ tướng hay do năng lực quản lý của Bộ GTVT hạn chế, yếu kém?", ông Thủy đặt câu hỏi.
Ngoài ra, TS Nguyễn Xuân Thủy cũng đặt ra giả thiết, việc đùn đẩy chỉ đạo VEC lắp đặt hệ thống thu phí không dừng còn liên quan tới vấn đề tài chính, kinh phí.
"Như đã nói ban đầu, sự chậm trễ trong triển khai nhiệm vụ của VEC có thể có nguyên nhân xuất phát từ vấn đề lợi ích. Chính vì sự mâu thuẫn trong vấn đề lợi ích nên không ai muốn bỏ tiền ra làm.
Nếu là doanh nghiệp tư nhân, được thu phí sẽ phải tự bỏ tiền để đầu tư thiết bị, kỹ thuật mới. Tuy nhiên, với các DNNN như VEC được giao tổ chức thu phí nhưng khi cần đầu tư lại luôn trông chờ vào ngân sách. Đây có lẽ là lý do mà Bộ GTVT có văn bản kêu lên Thủ tướng", ông Thủy đặt giả thiết.
Với giả thiết này, ông Thủy nói rõ nếu rót tiền ngân sách cho VEC thực hiện lắp đặt hệ thống thu phí không dừng sẽ rất khó thuyết phục được người dân.
Lý do được ông Thủy đưa ra là khi giao cho VEC thực hiện thu phí vấn đề quyết toán, hạch toán đã không được công khai, minh bạch, nhiều nghi ngờ có sự nhập nhèm, thất thoát, thậm chí ăn chia lợi ích khiến dư luận bức xúc.
Trong khi cơ quan thanh tra, kiểm tra đã nhiều lần phát hiện sai phạm, tình trạng thu nhiều báo ít, nộp về ngân sách không tương xứng, đặt trạm sai chỗ, cho tăng giá phí bất hợp lý... nhưng tới nay vẫn chưa thấy xử lý ai.
"Khi nghi vấn về lợi ích chưa được làm rõ thì mọi lý do xin tiền từ ngân sách đều không thuyết phục.
Kể cả trong trường hợp đã có những thỏa thuận trong ký kết hợp đồng giữa hai bên cũng cần phải tính toán thận trọng. Hợp đồng soạn thảo không chặt chẽ thì cả hai bên vẫn có thể lách luật, lợi dụng để thông đồng với nhau.
Trong trường hợp này, Ủy ban quản lý vốn nhà nước phải cân nhắc, không thể sử dụng tiền của dân một cách tùy tiện để cuối cùng làm lợi cho một nhóm người", ông Thủy nói.
Lam Nguyễn (Đất Việt)