Vùng biên giới vừa mới vào mùa khô cao nguyên mà khí hậu đã khắc nghiệt. Từng cơn gió hòa với nắng gắt táp vào người rất khó chịu. Cư dân mưu sinh nơi vùng biên này, đặc biệt là làm nông, chẳng dễ dàng gì. Ở nơi điều kiện sinh kế còn không ít khó khăn ấy, những đứa trẻ mang phận mồ côi như cơn gió hoang ngoài bãi vắng. Buồn mênh mang! Nhưng mô hình "Con nuôi biên phòng" mà Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Gia Lai triển khai trong thời gian qua đã thắp lên bao ước mơ, hy vọng đổi đời cho các em.
Nỗi buồn mồ côi
Đôi mắt Nguyễn Quốc Tĩnh (15 tuổi) - cậu bé làng Mooc Chê (xã Ia Dom, H.Đức Cơ, Gia Lai) ngấn lệ khi nhắc đến chuyện buồn của gia đình. Hơn 7 năm trước, trong một chiều mưa, mẹ Tĩnh qua đời trong cơn bạo bệnh. Dân làng thương tiếc người phụ nữ vắn số bao nhiêu thì cũng ái ngại cho tương lai của ba cha con Tĩnh bấy nhiêu.
Cảnh nhà đã khó, tiền bạc trong nhà lẫn vay mượn chữa bệnh bao lâu càng khiến gia cảnh họ khánh kiệt. Bố của Tĩnh cùng hai đứa con trai như bất lực trước số phận cùng cực đổ xuống gia đình. Anh trai Tĩnh phải bỏ học, đi làm đủ việc để cùng cha gánh vác gia đình. Nhưng rồi cái khó, cái khổ cứ bủa vây lấy anh em Tĩnh. Bố uống rượu suốt từ ngày vợ mất. Hai năm sau, trong một ngày chán chường, thất vọng cùng cực, ông chọn giải pháp tự kết liễu cuộc đời. Hung tin nghiệt ngã tiếp tục ập đến anh em Tĩnh. Chỗ dựa cuối cùng của gia đình đã mất, hai anh em bơ vơ dắt díu nhau trong buồn tủi lẫn đói khổ, lắt lay qua ngày bằng số tiền làm thuê mà người anh trai kiếm được, còn Tĩnh cũng phải tạm dừng việc học.
Cán bộ, chiến sĩ biên phòng thay phiên nhau bồi dưỡng kiến thức thêm cho các con nuôi. Ảnh: Trần Hiếu |
Người anh khi đó mới 14 tuổi quyết định vào TP.HCM làm thuê, tính kế sinh nhai, để lại người em trai côi cút nơi miền biên giới. Cách đây 2 năm, may mắn đã đến với Tĩnh khi em được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh nhận làm con nuôi. Em lại được đến trường, được chỉ bảo mọi điều trong cuộc sống. Khát vọng vươn lên của em một lần nữa được nhen nhóm bởi tình thương của những người lính mang quân hàm xanh.
Ươm mầm cho những phận mồ côi
Hơn 2 năm nay, mô hình "Con nuôi biên phòng" được Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Gia Lai triển khai ở nhiều đồn biên phòng trực thuộc. Mỗi tháng, các cán bộ biên phòng trích một phần tiền lương để giúp đỡ trẻ mồ côi và những bếp ăn tình thương. Hiện các đồn biên phòng đã nhận nuôi 11 trẻ. Các em được bố trí ăn ở, sinh hoạt cùng cán bộ, chiến sĩ tại các đội vận động quần chúng để thuận tiện cho việc học tập. Môi trường quân ngũ đã rèn luyện thêm cho các em ý chí, nếp sinh hoạt lành mạnh, rắn rỏi.
Những ngày đầu, các chiến sĩ cũng chật vật, vất vả với con nuôi khi học lực của các em rất yếu. Một số em do bỏ học lâu ngày nên đánh vật với con chữ. Các đồn biên phòng đều cắt cử người cùng thầy cô giáo để trông nom, đồng hành với các em theo từng trang sách, giấc ngủ.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thiều, Đội phó Đội vận động quần chúng, Đồn Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (thuộc Bộ đội biên phòng Gia Lai), cho biết: "Sau thời gian bỡ ngỡ, các em hòa nhập rất tốt. Bên cạnh việc học hành, các em được sinh hoạt, ăn ngủ, tăng gia sản xuất, hoạt động thể thao cùng các bố nên thể trạng phát triển tốt hơn nhiều".
Em Lê Đại Vĩ (13 tuổi, ở xã Ia Dom), một thân phận mồ côi đáng thương khác, cũng đang sống trong tình thương đong đầy của các bố nuôi biên phòng.
Bữa cơm trưa tại bếp ăn tình thương của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Trần Hiếu |
Một lần mưu sinh trong rừng, ba của Vĩ không may bị tai nạn qua đời. Lúc đó, Vĩ mới hơn 1 tuổi. Rồi khi em lững chững tập đi thì mẹ em bỏ đi biệt xứ. Em ở với bà nội già yếu. Hai bà cháu dắt díu nhau trong cảnh khốn khó. Sau khi bộ đội biên phòng nhận làm con nuôi, em được đến trường, được sự quan tâm chăm sóc của những chiến sĩ mang quân hàm xanh.
"Con được các bố chăm lo ăn uống đầy đủ lắm. Ở đây, các bố dạy con học, dạy con cách tự chăm sóc bản thân, làm việc nhà. Con sẽ cố gắng học và muốn được làm người chiến sĩ biên phòng như các bố", Vĩ nói.
Niềm vui nơi vùng biên
Điều kiện sinh hoạt nơi biên giới còn không ít thiếu thốn nhưng các bố nuôi mang quân hàm xanh luôn cố gắng để các em có những bữa cơm đủ chất dinh dưỡng, sách vở, áo quần tươm tất mỗi khi đến lớp. Ngoài giờ học, các em được dạy cách làm việc, cùng tăng gia sản xuất hay luyện tập thể thao.
Ngoài Vĩ, Tĩnh, 9 em mồ côi khác cũng nhận được sự chăm sóc từ bàn tay và trái tim của các cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Trải qua thời gian được sống trong môi trường đong đầy tình yêu thương, những phận đời kém may mắn đang dần trưởng thành. Từ đứa trẻ nhút nhát, suy dinh dưỡng, giờ đây Tĩnh đã ra dáng một chàng trai rắn rỏi, tự tin nhờ sự trui rèn trong môi trường quân ngũ.
Em Lê Đại Vĩ (nam sinh ngồi bàn đầu) hiện là học sinh khá của trường. Ảnh: Trần Hiếu |
"Ba mẹ không còn nữa, hai anh em sống rất khổ. Việc học cũng phải bỏ dở để kiếm cơm ăn hằng ngày. Từ khi được sống dưới mái ấm tình thương của các bố bộ đội biên phòng, em đã học được rất nhiều điều bổ ích. Em sẽ cố gắng học giỏi, rèn luyện bản thân và thực hiện được ước mơ sau này làm người có ích cho xã hội, giúp đỡ mọi người", Tĩnh tâm sự.
Ngoài nhận con nuôi, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh còn tổ chức một bếp ăn tình thương. Mỗi buổi trưa, 15 em thuộc diện khó khăn đến ăn cơm. Toàn bộ kinh phí do cán bộ, chiến sĩ của đồn đóng góp, tài trợ. Bếp ăn này đã được tổ chức từ hơn 3 năm nay. Em Rơ Châm Tin (11 tuổi, học lớp 5 Trường tiểu học Trần Phú) vui vẻ kể: "Con được ăn no và ngon lắm. Đến năm học mới lại được các chú bộ đội biên phòng giúp cho áo quần, sách vở".
Cô giáo Ngô Thị Nguyên, chủ nhiệm lớp 7C Trường THCS Nguyễn Trãi (nơi hai em Vĩ và Tĩnh đang theo học), chia sẻ: "Hoàn cảnh, gia cảnh đã ảnh hưởng đến tâm lý, thái độ học tập của các em. Các giáo viên của trường đã phối hợp chặt chẽ với phía Bộ đội biên phòng uốn nắn, bồi dưỡng những kiến thức cũng như hành xử cho các em. Giờ đây, các em đã hòa nhập với bạn bè cùng trường, cùng lớp, chăm ngoan, lễ phép với thầy cô. Trong chuyện học, các em đã tiến bộ rất nhiều, vươn lên loại khá ở lớp".
Ngoài nhiệm vụ chính là bảo vệ an toàn vùng biên giáp nước bạn Campuchia, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã sẵn sàng nhận thêm nhiệm vụ nuôi dạy các cháu mồ côi. Lòng nhân ấy đang ươm mầm cho những thân phận không may. Đại tá Nguyễn Văn Nghị, Phó chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Gia Lai, cho biết: "Được nuôi nấng bằng tình yêu thương, được sống trong môi trường quân ngũ, những ước mơ xanh đang được dưỡng mầm chờ ngày đâm chồi. Trở thành những người lính biên phòng để giữ vững sự bình yên cho biên cương là mơ ước của không ít cậu bé đang là con nuôi của bộ đội biên phòng. Bây giờ các em đang cố gắng để cụ thể hóa ước mơ ấy, còn chúng tôi cũng sẽ luôn ở bên để động viên, dẫn dắt các em".