(GLO)- Theo thống kê của Ban An toàn Giao thông (ATGT) quốc gia, năm 2011, Gia Lai là một trong 2 tỉnh ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên, là một trong 7 tỉnh của toàn quốc có tai nạn giao thông (TNGT) liên tiếp tăng. Trong Hội nghị tổng kết năm 2011 của ngành Giao thông-Vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thêm một lần nữa, phát biểu gây sốc rằng, sẽ kiến nghị “cách chức” Chủ tịch UBND tỉnh nào để TNGT tăng liên tiếp trong 3 năm. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai xung quanh vấn đề này.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng. Ảnh: H.N.C |
- Thưa Chủ tịch, ông nghĩ sao về phát biểu mới đây của Bộ trưởng Đinh La Thăng, về việc “cách chức Chủ tịch tỉnh” liên quan đến TNGT tại một cuộc họp ngành và với tư cách Bộ trưởng?
Cho đến nay, chúng tôi cũng chưa thấy văn bản nào của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nội dung này. Đó chỉ là ý kiến cá nhân Bộ trưởng Thăng. Tôi khẳng định là Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và nhân dân về tất cả mọi lĩnh vực quản lý nhà nước trên địa bàn; phải trực tiếp chỉ đạo, điều hành rất nhiều công việc chứ không riêng công tác đảm bảo trật tự ATGT. Những năm qua, kinh tế Gia Lai tăng trưởng khá và bền vững, an ninh-chính trị ổn định, an sinh xã hội bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện về mọi mặt… là biểu hiện hiệu quả công tác quản lý, điều hành của UBND tỉnh. Nếu chỉ vì TNGT tăng mà phủ nhận nỗ lực, thành tích của chính quyền và cá nhân Chủ tịch UBND tỉnh để rồi “cách chức” như ý kiến của Bộ trưởng Giao thông-Vận tải là một cách nhìn phiến diện, đồng thời cũng thể hiện nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của Bộ chuyên ngành đối với công tác quản lý nhà nước về giao thông tại các địa phương.
- Xin ông nói rõ hơn về “trách nhiệm địa phương” và “tầm nhìn của Bộ Giao thông-Vận tải” trong vấn đề này?
Ở góc độ quản lý, chỉ đạo, điều hành, UBND tỉnh và cá nhân Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã làm tất cả những gì có thể khi tình hình trật tự an toàn giao thông diễn biến phức tạp, như thường xuyên tổ chức các hội nghị chuyên đề, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, “thúc bách” các ngành liên quan, đồng thời với rất nhiều giải pháp cụ thể, cả cấp bách và lâu dài nhằm chấn chỉnh tình hình. Song để TNGT tăng, tôi xin chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và nhân dân.
Tuy nhiên, có những diễn biến ngoài tầm của tỉnh, thuộc về trách nhiệm của cơ quan Trung ương mà cấp tỉnh không thể khắc phục. Xin ví dụ: Về hạ tầng giao thông, tại Gia Lai có 5 tuyến quốc lộ đi qua với chiều dài 752 km; tai nạn xảy ra trên quốc lộ chiếm trên 50%. (Ngoài ra còn có 11 tuyến nội tỉnh, đường đô thị, đường huyện, xã, thôn, buôn và đường chuyên dùng với tổng chiều dài-cả quốc lộ-lên đến 10.234 km). Nhiều năm qua, các tuyến quốc lộ không được Bộ Giao thông-Vận tải nâng cấp, gây khó khăn cho lưu thông và quản lý trật tự.
Điển hình như quốc lộ 19 với chiều dài 168 km nhưng mặt đường chỉ rộng 7,5 mét; quốc lộ 14 dài 112 km, mặt đường chỉ rộng 6-7,5 mét; quốc lộ 25 dài 112 km, mặt đường chỉ 3,5- 5,5 mét… thì không thể phân làn cho xe khi nhiều loại phương tiện với vận tốc quy định khác nhau cùng lưu thông nên rất dễ tai nạn. Thêm vào đó, tại Gia Lai, số lượng phương tiện gia tăng nhanh chóng, một mặt phản ánh tăng trưởng kinh tế và đời sống xã hội, mặt khác cũng gây nhiều hệ lụy về ATGT.
Toàn tỉnh hiện có 1,3 triệu dân với 298.000 hộ thì đã có gần 500.000 xe mô tô và trên 24.000 xe ôtô; bình quân 12 hộ dân có một ôtô và 1,7 hộ dân có 1 xe máy; về mật độ- quy đổi theo chuẩn, riêng quốc lộ 19 và trong năm 2011 có tới 7.408 xe (lưu thông)/ngày đêm (trong khi năm 2010 chỉ có 6.645 xe/ngày đêm), tỷ lệ này trên quốc lộ 14 là 9.993/9.860 xe, quốc lộ 25 là 4.221/3.031 xe…
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm soát giao thông quá mỏng, toàn tỉnh chỉ có 213 cán bộ, chiến sĩ mà phải xử lý khối lượng công việc vô cùng lớn và thực sự quá tải... Chưa kể, công tác quản lý đào tạo, sát hạnh cấp phép lái xe do Bộ quản lý vẫn còn nhiều yếu kém, bằng lái thiếu thực chất… Tựu trung, không thể lấy “con số tuyệt đối” về số vụ TNGT, số người chết, bị thương hàng năm-trong bối cảnh mỗi tỉnh, mỗi vùng có những đặc điểm địa lý, địa hình, chất lượng hạ tầng, mật độ dân số, mật độ lưu thông, tốc độ phát triển… khác nhau-để so sánh. Vì vậy, để hạn chế TNGT cần có tầm nhìn, cách nghĩ chiến lược và công bằng hơn nhiều.
- Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Thịnh