Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Bộ Y tế cử thêm đoàn công tác hỗ trợ Gia Lai dập dịch Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 5-2, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp giao ban trực tuyến với 11 địa phương và các cơ sở đang tham gia phòng-chống dịch Covid-19 tại các địa phương nói trên.

Tại điểm cầu Trung ương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp. Tại điểm cầu tỉnh Gia Lai, tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch; TS. Viên Chinh Chiến-Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; bác sĩ CK2 Trần Thanh Linh-Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy) cùng đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn của Sở Y tế.

Quang cảnh cuộc họp giao ban trực tuyến tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện


Tại cuộc họp, các địa phương đã báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đồng thời nêu kiến nghị, đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng-chống dịch cũng như tư vấn, hướng dẫn thêm về chuyên môn từ Bộ Y tế.

Báo cáo về tình hình dịch trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ông Mai Xuân Hải-Giám đốc Sở Y tế-thông tin: Hiện nay có 5 địa phương là Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa, Ayun Pa và TP. Pleiku ghi nhận ca dương tính. Chiều 4-2, tỉnh Gia Lai ghi nhận thêm 4 ca dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca dương tính trên địa bàn đến 10 giờ ngày 5-2 lên 18 ca.

Tỉnh đã nhanh chóng triển khai công tác khoanh vùng, truy vết và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Tổng số mẫu đã lấy xét nghiệm là 4.134, đã xét nghiệm 2.964 (kết quả âm tính), còn lại đang chờ kết quả. Bộ Y tế đã chi viện các lực lượng chung tay cùng với tỉnh Gia Lai trong phòng-chống dịch như: Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy… Đến nay, Gia Lai cơ bản khống chế và kiểm soát dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ đã cử đoàn công tác của Đà Nẵng lên Gia Lai cùng với Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên giúp tỉnh trong việc truy vết cũng như chia sẻ các kinh nghiệm của Đà Nẵng trong đợt chống dịch vừa qua để giúp tỉnh Gia Lai phòng-chống dịch.

Về phía Bệnh viện Chợ Rẫy cũng giúp thiết lập ngay bệnh viện dã chiến cho Gia Lai; trong đó trưng dụng khu điều trị chất lượng cao (đã xây xong nhưng chưa đưa vào hoạt động) để làm bệnh viện dã chiến. Khu này có 2 khu và dự kiến giai đoạn 1 sẽ sử dụng khu B làm khu tiếp nhận, điều trị. Khu A sẽ làm khu sạch là tổng chỉ huy hành chính của bệnh viện dã chiến. Ngay trong ngày hôm nay sẽ kiểm tra lại các hệ thống và tiến hành phân luồng, cách ly khoa, phòng đảm bảo an toàn bệnh viện phòng-chống dịch Covid-19; đồng thời nhanh chóng đưa ra đề án cụ thể để bệnh viện dã chiến tại Gia Lai đi vào hoạt động.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, chủng mới lần này có tốc độ lây nhiễm cao hơn 70% nên đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tập huấn đầy đủ cho cán bộ y tế về việc dự phòng lây nhiễm trong bệnh viện. Đối với trang phục, trang-thiết bị phòng-chống dịch còn thiếu thì địa phương và Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm đảm bảo đầy đủ cho các lực lượng tham gia phòng-chống dịch.

Kết luận cuộc họp giao ban, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực của các ngành, đặc biệt đội ngũ cán bộ y tế và một số địa phương đã chủ động phòng-chống dịch. Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Tất cả những hướng dẫn về chuyên môn đã có, chúng ta phải đảm bảo an toàn cao nhất trong công tác phòng-chống dịch. Tùy điều kiện, hoàn cảnh mà áp dụng phòng-chống dịch cho phù hợp nhưng vẫn phải đảm bảo cho phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Bộ Y tế sẽ luôn túc trực, có những hỗ trợ kịp thời cho các địa phương trong phòng-chống dịch. Trong thời gian tới, chúng ta phải quyết liệt hơn, nhanh hơn để dập dịch một cách nhanh nhất, chủ động ứng phó trong thời gian sớm nhất.

 

NHƯ NGUYỆN

 

Có thể bạn quan tâm