Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Bộ Y tế phát động chiến dịch phòng-chống bệnh bạch hầu tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước tình hình dịch bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp, ngày 9-7, Bộ Y tế đã phát động chiến dịch phòng-chống dịch tại Gia Lai. 
Sáng 9-7, tại trụ sở UBND tỉnh Gia Lai, Bộ Y tế có buổi làm việc với các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi về phòng-chống dịch bệnh bạch hầu. Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long-Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì buổi làm việc. Tham dự có ông Đỗ Xuân Tuyên-Thứ trưởng Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo các cơ quan trực thuộc Bộ Y tế; lãnh đạo UBND, Sở Y tế các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam và Quãng Ngãi. Về phía tỉnh Gia Lai có bà Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế và một số sở, ban, ngành.
Theo Bộ Y tế, diễn biến bệnh bạch hầu năm nay có nhiều điểm khác biệt so với các năm trước, diện mắc rộng hơn, đối tượng ở mọi lứa tuổi. Tại khu vực Tây Nguyên, tính từ đầu tháng 6-2020 đến ngày 9-7 đã ghi nhận 69 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu; trong đó, Đak Nông có 25 ca, Kon Tum 24 ca, Gia Lai 19 ca và Đak Lak 1. Trong số này có 3 trường hợp tử vong (Đak Nông 2, Gia Lai 1).
Quang cảnh buổi làm việc với với các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam và Quảng Ngãi về phòng, chống dịch bệnh bạch hầu tại UBND tỉnh Gia Lai vào sáng 9-7. Ảnh: Như Nguyện
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi làm việc với với các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam và Quảng Ngãi về phòng-chống dịch bệnh bạch hầu sáng 9-7. Ảnh: Như Nguyện
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Mai Xuân Hải-Giám đốc Sở Y tế Gia Lai-cho biết: Ngay sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên tại làng Bông Hiot (xã Hải Yang, huyện Đak Đoa), ngành Y tế tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên tập trung triển khai các hoạt động phòng-chống dịch; thành lập các tổ chống dịch cơ động; khoanh vùng, cách ly, triển khai công tác khám sàng lọc cho 1.431 lượt người và cấp phát thuốc kháng sinh dự phòng 18.690 liều Erythromycin cho nhân dân làng Bông Hiot.
Ngoài ra, qua khám sàng lọc đã phát hiện 36/40 trường hợp có biểu hiện các triệu trứng ho, đau họng, khám họng có giả mạc, chuyển đến các cơ sở khám-chữa bệnh để cách ly, điều trị theo quy định. Đến ngày 9-7, ngành Y tế tỉnh đã lấy tổng cổng 57 mẫu bệnh phẩm của các trường hợp nghi ngờ chuyển gửi xét nghiệm khẳng định. Qua xét nghiệm có 19 mẫu dương tính. Như vậy, đến ngày 9-7, Gia Lai đã ghi nhận 19 ca dương tính với bệnh bạch hầu (1 ca tử vong). Tất cả các ca dương tính đều ở làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa. Ngành Y tế tỉnh Gia Lai cũng đã chủ động chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư phục vụ công tác phòng-chống dịch.
Tại buổi làm việc, đại diện các tỉnh, các cơ quan trực thuộc Bộ Y tế đã đóng góp nhiều ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng-chống dịch bệnh bạch hầu. Để phục vụ công tác phòng-chống dịch, các địa phương đề xuất Bộ Y tế xem xét hỗ trợ vắc xin để triển khai chiến dịch tiêm chủng nhằm tăng cường, củng cố miễn dịch phòng bệnh bạch hầu.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long động viên các bé an tâm tiêm phòng. Ảnh: Như Nguyện
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long động viên một cháu bé tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Ảnh: Như Nguyện
Kết luận buổi làm việc, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Bệnh bạch hầu mọi năm vẫn xảy ra nhưng trên quy mô rải rác, nhỏ. Năm nay, bệnh diễn biến phức tạp, tương đối lan rộng. Bộ Y tế rất chủ động trong công tác phòng-chống dịch. Vấn đề là làm thế nào dập tắt dịch trong thời gian nhanh nhất. Bệnh bạch hầu đã có vắc xin và thuốc điều trị, vì vậy cần phát hiện, điều trị càng sớm càng tốt và làm tốt công tác dự phòng. Song song với công tác phòng-chống bệnh bạch hầu, các địa phương  không được lơ là với dịch Covid-19.
Theo GS-TS. Nguyễn Thanh Long, ngành Y tế sẽ triển khai tiêm vắc xin phòng bạch hầu trên quy mô lớn, trước mắt là 4 tỉnh Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông và Kon Tum, sau đó mở rộng ra Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Lần này, tất cả người dân từ 2 tháng tuổi trở lên sẽ được tiêm. Sẽ có hơn 10 triệu liều vắc xin được cấp cho 4 địa phương và gần 4,7 triệu người sẽ được tiêm vắc xin này. Bên cạnh đó, muốn ngăn chặn nhanh, triệt để cũng như giảm tử vong thì phải phát hiện sớm, điều trị triệt để. Các địa phương phải thực hiện phương châm lập tức cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị dự phòng cho các đối tượng trên địa bàn có ca dương tính với bệnh bạch hầu. Vừa triển khai khoanh vùng, dập dịch vừa điều trị dự phòng cho tất cả mọi người trong khu vực có ca dương tính với bệnh bạch hầu thì sẽ dập dịch hiệu quả. Muốn chống dịch thành công phải có sự phối hợp chặt chẽ, huy động các lực lượng, hệ thống chính trị, phải giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Việc tiêm chủng lần này được tiến hành lưu động, vì vậy cần tăng cường tuyên truyền đến mọi người dân.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long động viên các bé an tâm tiêm phòng. Ảnh: Như Nguyện
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng lãnh đạo tỉnh Gia Lai và đoàn công tác động viên các cháu bé tại một điểm tiêm phòng. Ảnh: Như Nguyện
Về công tác điều trị, lập các tổ điều trị chuyên môn, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chủ động mua thuốc men để đảm bảo thuốc điều trị cho các bệnh nhân. Đối với các địa phương, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ toàn bộ vắc xin. Bộ cũng sẽ xuất cấp khẩu trang, dung cụ phòng hộ. Theo đó, mỗi địa phương được cấp khoảng 200 ngàn khẩu trang y tế, nếu thiếu thì sẽ xuất cấp thêm. Bộ cũng sẽ hỗ trợ thuốc men, chuyên môn cho các địa phương. 
Chiều cùng ngày, tại Trường THPT Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa), Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức phát động Chiến dịch phòng-chống bệnh bạch hầu tại 7 tỉnh thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên, bao gồm: Đak Lak, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đak Nông, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và lãnh đạo UBND 7 tỉnh tham dự lễ phát động.
Đây là chiến dịch tiêm vắc xin phòng-chống bệnh bạch hầu, bắt đầu được triển khai từ tháng 7-2020, trước hết thực hiện ở 4 tỉnh Tây Nguyên gồm Đak Lak, Gia Lai, Kon Tum và Đak Nông với đối tượng là tất cả những người từ 2 tháng tuổi trở lên. Theo đó, trẻ từ 2 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi tiêm 1 mũi vắc xin 5 trong 1; trẻ từ 19 tháng tuổi đến 48 tháng tuổi tiêm 1 mũi vắc xin DPT và người từ 48 tháng tuổi trở lên tiêm 2 mũi vắc xin Td (mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1 tháng). Phát biểu tại lễ phát động, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Biện pháp phòng-chống dịch bạch hầu hiệu quả nhất và căn cơ nhất là tiêm vắc xin bạch hầu trên diện rộng để phòng-chống dịch toàn diện và mang tính bền vững.
Lễ phát động chiến dịch. Ảnh: Như Nguyện
Quang cảnh lễ phát động chiến dịch. Ảnh: Như Nguyện
Việc tổ chức được triển khai theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các điểm tiêm chủng cố định và lưu động. Theo đó, tại trạm y tế tiến hành tiêm chủng cho đối tượng là trẻ 2 tháng trở lên và thực hiện tiêm vét; các điểm lưu động sẽ thực hiện tiêm chủng cho đối tượng sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận. Dự kiến, trong chiến dịch này sẽ tiêm khoảng 120.446 liều vắc xin 5 trong 1; 279.608 liều vắc xin DPT và 10.111.461 liều vắc xin Td. Như vậy, gần 4,7 triệu đối tượng tại 4 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak, Đak Nông sẽ được tiêm các mũi vắc xin khác nhau để phòng-chống dịch bạch hầu.
Dịp này, đại diện Unilever Việt Nam đã trao tặng 1.500 túi nước rửa tay diệt khuẩn Lifebuoy cho bà con xã Hải Yang, huyện Đak Đoa để góp phần chung tay phòng-chống bệnh bạch hầu.
Sau lễ phát động, đoàn công tác đã đi thăm điểm tiêm chủng bố trí tại Trường THPT Nguyễn Huệ. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đoàn công tác cũng đã đến thăm Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa; đồng thời đến thăm hỏi, động viên các trường hợp đang cách ly, điều trị bạch hầu tại đây. Đoàn cũng đến thăm và động viên các nhân viên y tế tại Trạm Y tế xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa.
NHƯ NGUYỆN 

Có thể bạn quan tâm