(GLO)- Năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Nội vụ đã ban hành các thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên từ mầm non đến bậc phổ thông; xếp hạng giáo viên từ I đến IV với các tiêu chí về trình độ chuyên môn-nghiệp vụ, đạo đức... Tuy vậy, việc áp dụng vào thực tế là một khoảng cách khá xa!
Ảnh minh họa (nguồn internet) |
Ví dụ, trong Thông tư 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học từ hạng III lên hạng II, ngoài tiêu chuẩn chuyên môn như có bằng đại học sư phạm, trình độ ngoại ngữ bậc 2 (theo tiêu chí 6 bậc dành cho Việt Nam), trình độ tin học vận dụng thông thạo trong chuyên môn của mình... thì còn phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghề nghiệp giáo viên hạng II. Bên cạnh đó, còn phải hội đủ các điều kiện như: tham gia biên tập, biên soạn chương trình bồi dưỡng cho giáo viên cùng cấp, cùng khối; tham gia làm giám khảo giáo viên giỏi của cấp tiểu học; chủ trì các chuyên đề bồi dưỡng giáo viên… Từ những tiêu chuẩn và yêu cầu nói trên, chiếu vào thực tế của đội ngũ giáo viên tiểu học hiện nay thì thấy không mấy người đạt được. Chỉ riêng về trình độ ngoại ngữ bậc 2, nếu kiểm tra, thi cử nghiêm túc thì hầu hết giáo viên cấp này không thể đạt yêu cầu. Đó là chưa nói đến việc họ còn phải làm đầu tàu trong hoạt động chuyên môn của mình. Chỉ những tổ trưởng chuyên môn hay phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn giỏi, có thâm niên nghề nghiệp mới đủ điều kiện tham gia.
Hiện nay, một số địa phương đã vận dụng nội dung các thông tư này vào điều kiện cụ thể để đào tạo, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghề nghiệp giáo viên các cấp một cách máy móc, không đem lại hiệu quả như mong muốn. Hầu hết giáo viên các cấp ở cơ sở khi được thông báo về tiêu chuẩn thi nâng hạng ngạch (hoặc để giữ hạng ngạch hiện tại) thì đều phải kinh qua lớp bồi dưỡng nghề nghiệp từ 4 ngày đến 1 tuần, đồng thời phải nộp một khoản lệ phí khá cao (có nơi phải đóng 2,8 triệu đồng/giáo viên).
Đa số giáo viên, nhất là số giáo viên trẻ, vì lo trụ hạng nên vội vàng bỏ một số tiền lớn để tham gia khóa đào tạo nhằm có được chứng chỉ bổ sung hồ sơ. Đó chỉ là mơ ước được giữ hạng ngạch để được trụ lại với ngành nghề mà mình theo đuổi, chưa nói đến điều xa vời là thi nâng ngạch với một số yêu cầu ngoài tầm tay của họ. Theo ý kiến của một số giáo viên đã từng tham gia lớp bồi dưỡng nghề nghiệp vừa qua ở các địa phương thì chương trình, tài liệu mà họ được tiếp thu tại khóa học ngắn ngày ít có tác dụng cho việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ hoặc bổ sung kinh nghiệm giáo dục đối với những người trực tiếp giảng dạy. Những chuyên đề chung chung như: nhiệm vụ của tổ trưởng chuyên môn, công tác thanh-kiểm tra trong giáo dục, giáo viên với tư vấn học đường… ít mang lại kiến thức cần thiết cho họ. Giảng viên được phân công giảng các chuyên đề tại lớp bồi dưỡng này thường chỉ truyền đạt lý thuyết chung mà tài liệu đã có hoặc giảng về nhiều vấn đề không mấy mới mẻ nên dẫn đến tình trạng người thuyết giảng cứ nói, học viên thì... làm việc riêng!
Theo một số giáo viên có tâm huyết, cách làm như vậy vừa ít hiệu quả, vừa gây lãng phí thời gian và tốn kém tiền bạc của giáo viên khi họ đang còn khó khăn. Giải pháp ở đây là chỉ cần rà soát, kiểm tra thực tế hoạt động chuyên môn và đạo đức nhà giáo của các đối tượng bảo lưu hạng ngạch nghề nghiệp tại các cơ sở trường học để xác nhận cụ thể giáo viên đó đủ điều kiện hay chưa. Còn đối với đối tượng xin thi nâng ngạch, trong điều kiện hiện tại không nên đưa ra các tiêu chí quá cao mà chỉ yêu cầu một số tiêu chuẩn vừa phải đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy, đặc biệt là có đóng góp trong việc vận dụng sáng tạo các phương pháp dạy học đem lại hiệu quả thiết thực. Nếu mở các lớp bồi dưỡng cho giáo viên theo yêu cầu nâng ngạch thì cần có chương trình tài liệu bài bản, có bổ sung những tri thức mới về giáo dục để sau khóa học họ được nâng lên tầm cao mới đúng nghĩa.
Bùi Quang Vinh