Bời lời... Tàu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mùa bơ năm 1975, trong một chuyến về thăm quê ở xứ nẫu, tôi mang theo đâu chừng vài chục quả bơ già để làm quà cho bà con lối xóm. Ở quê, đây là loại quả lạ chưa ai biết, cho nên món quà nhỏ trở thành thứ quý, quanh xóm mỗi nhà chỉ được tặng vài quả, bà con mừng lắm. Nhiều người nghe tôi bảo đây là loại quả chỉ có ở Gia Lai và rất ngon nên có ý sẽ lấy hạt ươm trồng loại cây cho trái này trong vườn nhà. Chẳng biết mô tê, nhưng tôi làm ra vẻ người từng biết việc ươm trồng thông thạo nên hướng dẫn chi li...

Khi ấy, sau tiếp quản thị xã Pleiku, cơ quan Tỉnh ủy Gia Lai đã sử dụng khu nhà không có chủ mà trung tâm là số 20 Lê Hồng Phong bây giờ để đặt trụ sở. Trong khu vực này, hầu như nhà nào cũng có một vài cây bơ đã cho quả. Mấy anh chị em trẻ chúng tôi trong Tỉnh ủy lần đầu thấy loại cây này ra hoa kết trái nhưng chẳng biết tên nó là gì, nên hỏi. Mà hỏi ai, rồi ai cũng hỏi, kết quả những câu trả lời chỉ là... không biết. Nhìn những chùm hoa màu trắng đục phớt vàng, những chùm quả vừa hình thành, trông hình thù chẳng khác những quả bời lời ở quê, mà lũ trẻ con chẳng ai còn xa lạ khi sử dụng chúng làm “đạn” cho súng ống thụt làm bằng ngọn tre già trong trò chơi đánh trận giả, tôi lại trổ tài “là người hiểu biết”, phán luôn: Đó là cây bời lời Tàu (bởi bời lời “ta” thì quả nhỏ, chỉ có... Tàu quả mới to?!). Thế là “bời lời Tàu” trở thành tên gọi của loài cây... “không biết” cho đến khi mùa thu hoạch quả năm ấy, bà con mua bán trái cây hỏi mua, thì té ra bời lời Tàu chính là bơ.

 

Cây bơ giờ đã trở nên quen thuộc với người Tây Nguyên. Ảnh: K.N.B
Cây bơ giờ đã trở nên quen thuộc với người Tây Nguyên. Ảnh: K.N.B

Cây bơ, cho đến thời điểm sau năm 1975, chỉ được biết đến ở một số vùng thuộc Tây Nguyên. Theo một số tài liệu sau này, cây bơ có nguồn gốc đầu tiên ở tỉnh Puebla, Mexico và nó đã phát triển từ nhiều triệu năm trước, khi loài người còn trong chế độ ăn lông ở lỗ và hái lượm để sinh tồn; tiếp sau đó các giống bơ cổ được phát hiện tại Guatemala và quần đảo Antiles, những vùng này đều thuộc khí hậu nhiệt đới và thích hợp cho sự phát triển của cây bơ. Ngày nay, Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung, bơ không còn là loài trái cây lạ nữa. Nhiều loại giống cho năng suất cao, chất lượng tốt, nhiều nơi các nhà khoa học và nhà vườn của ta đã tạo ra những giống bơ ngoài năng suất, chất lượng cao còn cho quả trái vụ hoặc quanh năm. Ngay cạnh Gia Lai, bên Đak Lak, mà theo đồng nghiệp của tôi-Hoàng Thiên Nga-Trưởng Văn phòng đại diện của Báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên thì hiện đã có người được tôn vinh là vua bơ, đó là anh nông dân Trịnh Xuân Mười. Chị Nga bảo rằng anh ấy từng là người tay trắng, lang thang từ xứ Nghệ vào Nam kiếm sống với những “nghề” chưa bao giờ có trong danh mục... nghề, thế mà giờ sau 20 năm lăn lộn với đất, với bơ, anh ấy đã là một tỷ phú tầm cỡ trong vùng, mỗi năm anh thu về từ bơ hàng chục tỷ đồng.

Lan man đã dông dài, giờ xin trở lại món quà mà tôi mang về quê năm ấy... Đang trong những câu chuyện không đầu, không cuối của những ngày chiến tranh ác liệt, chia xa quê hương, xóm giềng, gia đình, bà con họ hàng thân thích; chuyện từ làng quê đến chiến trường, từ đồng bằng đến Trường Sơn, Tây Nguyên, khi vô cùng rôm rả, lúc trầm lắng đau buồn giữa khách và chủ, thì có bà thím Chương, rồi sau nữa là anh bạn Minh gần nhà “đến tham gia một chuyện nhỏ...”-là anh bạn Minh bảo thế. Thì ra, là chuyện về những trái bơ. Anh bạn và bà thím kể, khi đem bơ về nhà là “xử” ngay, những tưởng ngon ngọt, dẻo bùi, ai dè nó vừa đắng vừa hôi, không thể nào chịu nổi. Vui hơn, anh bạn tên Minh còn bổ ra làm đồ nhắm...

Ấy là thuở xưa, giờ loài bơ là loại quả được nhiều người khắp trong Nam ngoài Bắc ưa chuộng, nhiều giống bơ vô cùng ngon và cũng vô cùng đắt. Nó có mặt trong các siêu thị lớn, nhỏ, các quầy hàng trái cây dành cho khách bình dân. Trong các nhà hàng, quán giải khát ở khu vực Tây Nguyên thì gần như đâu cũng có bơ... Hơn thế, được biết, bơ còn là nguyên liệu để chế biến ra nhiều loại mỹ phẩm dành cho phái đẹp. Tuy thế, đôi khi bơ cũng là loại nông sản chịu chung số phận với “đồng loại” của chúng do quy luật khắc nghiệt của cơ chế thị trường-“được mùa thì rớt giá, được giá thì mất mùa”, nhiều nhà vườn, trang trại chuyên canh cây bơ đã từng điêu đứng với cái quy luật này. “Điêu đứng” còn là chuyện của chính người trồng và kinh doanh bơ gây ra từ sự sử dụng vô tội vạ thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất bảo quản làm mất uy tín cho người tiêu dùng.

Giờ trụ sở Tỉnh ủy đã trở thành khu dân cư sầm uất, những cây bơ trong khu vườn ngày nào đương nhiên cũng không còn tồn tại. Và cái thuở từ căn cứ ra, từ quê lên, bao người còn lạ lẫm với nhiều thứ mà nơi mình sinh ra, lớn lên không có, hoặc có mà chưa biết, từ hồi làm việc trong Tỉnh ủy năm nào, giờ họ đã thành ông, bà nội, ngoại cả. Và với họ, từ những chuyện lớ ngớ ban đầu như chuyện về cây “bời lời Tàu” thuở trước, giờ đã không ít người trở thành triệu phú từ kinh tế trang trại, những ông bà chủ vườn tầm cỡ, mà nếu kể ra có lẽ cần có một bài viết khác vậy. Và, nhất định người viết câu chuyện nhỏ này sẽ không lỗi hẹn cùng bạn đọc.

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm