Phóng sự - Ký sự

Bóng hồng đầu tiên ở nơi đặc biệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tự nguyện xung phong về công tác tại Bộ môn-Khoa Giải phẫu bệnh lý-Pháp y, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y), Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thùy Linh làm không ít người kinh ngạc.

Nguyên nhân là bởi kể từ ngày thành lập Khoa đến nay, lần đầu tiên có một bóng hồng dám tình nguyện gắn bó với công việc vô cùng đặc biệt: Giải phẫu bệnh lý và giám định pháp y, thường xuyên tiếp xúc với mẫu mô từ bệnh nhân và tử thi.

Vượt qua chính mình

Khác với không khí tấp nập thường thấy ở các khoa điều trị bệnh nhân, tại Bộ môn-Khoa Giải phẫu bệnh lý-Pháp y không gian bao trùm là sự tĩnh lặng, trầm mặc. Khi tìm hỏi về Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, những người làm việc ở đây nhiệt tình chỉ dẫn: "Tầng 2, rẽ trái, phòng cuối cùng, bác sĩ Linh làm việc ở đó”. Nhiệt tình, thân thiện là vậy, nhưng không ít người tỏ ra ngạc nhiên khi thấy có “người lạ” chủ ý đến thăm Khoa và cá nhân bác sĩ Linh.

Đem thắc mắc này hỏi bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, chị hồn hậu mỉm cười: "Do nhiệm vụ đặc thù nên Khoa rất ít khi có khách ghé thăm. Chuyện đó cũng giống như kể từ khi thành lập, gần như mặc định chỉ có y sĩ, bác sĩ là nam giới làm việc tại Khoa cho đến ngày tôi về nhận nhiệm vụ (tháng 9-2009)".

Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thùy Linh công tác tại Bộ môn-Khoa Giải phẫu bệnh lý-Pháp y, Bệnh viện Quân y 103.

Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thùy Linh công tác tại Bộ môn-Khoa Giải phẫu bệnh lý-Pháp y, Bệnh viện Quân y 103.

Năm 2002, tốt nghiệp THPT, Nguyễn Thùy Linh được tuyển thẳng vào Học viện Quân y vì thành tích đoạt giải ba Quốc gia môn Hóa. 7 năm học tập trong môi trường Quân đội đã trui rèn cho Linh bản lĩnh, sự kiên trì và niềm đam mê dành cho nghiên cứu y học. Năm 2009, tốt nghiệp ra trường, Linh đã khiến bạn bè, người thân kinh ngạc khi quyết định đầu quân về Bộ môn-Khoa Giải phẫu bệnh lý-Pháp y. Lúc bấy giờ, rất nhiều người đã can Linh, rằng tốt nghiệp ở ngôi trường danh giá, chị có nhiều cơ hội tốt để lựa chọn, trong khi môi trường đó vốn không dành cho nữ.

Nhớ lại thời điểm đó, Linh khe khẽ sẻ chia: "Nghe nhiều lời khuyên can, khi đó tôi cũng có phần hoang mang, dao động bởi nhiệm vụ và tính chất của Khoa hết sức đặc thù. Thêm nữa, quá trình tìm hiểu thực tế, tôi được nhiều người thuộc thế hệ đi trước ái ngại bảo: Từ trước đến giờ chưa có cô gái nào “dám” xin về Khoa, trong khi nhìn tôi mảnh mai yếu đuối thế này liệu có đủ dũng khí đảm đương công việc? Không hiểu sao, lúc đó máu “tự ái” nghề nghiệp trong tôi nổi lên. Tôi nghĩ, được công tác ở bệnh viện đầu ngành về y học trong Quân đội là điều hết sức may mắn. Vì vậy, ở vị trí nào mình cũng phải nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao".

Tháng 9-2009, Nguyễn Thùy Linh chính thức trở thành nữ bác sĩ đầu tiên về công tác tại Bộ môn-Khoa Giải phẫu bệnh lý-Pháp y của Bệnh viện Quân y 103 sau 44 năm kể từ ngày thành lập (ngày 27-4-1965). Khi đó Nguyễn Thùy Linh vừa bước sang tuổi 25.

Chuyện làm quen với tử thi vốn không xa lạ với những người được đào tạo trong ngành y. Nhưng làm quen là một chuyện, còn hằng ngày làm việc trực tiếp trên các tử thi lại là câu chuyện khác. Nguyễn Thùy Linh bảo: Mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ càng cả về tâm lý cũng như tinh thần, nhưng quả thực mà nói, thời gian đầu tôi vẫn có phần bị sốc. May mắn cho Linh là chị được các thầy đi trước quan tâm, động viên, hướng dẫn tận tình, chu đáo, như: Đại tá, TS Nguyễn Ngọc Hùng, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Giải phẫu bệnh lý-Pháp y; Đại tá, bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu bệnh lý-Pháp y; Đại tá, TS Trần Ngọc Dũng, Chủ nhiệm Bộ môn-Khoa Giải phẫu bệnh lý-Pháp y hiện nay... Chính điều này đã tạo động lực mạnh mẽ giúp Linh nhanh chóng vượt qua những sợ hãi, yếu mềm mang tính cố hữu của giới để tiếp cận nhanh với công việc.

Và cứ thế, công việc dần thấm và ngấm vào chị như một lẽ tự nhiên. Linh khao khát được chinh phục những kiến thức mới trong ngành y để giúp người bệnh giảm bớt nỗi đau, tiết giảm chi phí trong quá trình điều trị bệnh, nhất là đối với những căn bệnh nan y.

Nỗ lực nghiên cứu vì người bệnh

Gắn bó với Bộ môn-Khoa Giải phẫu bệnh lý-Pháp y từ đó đến nay, bằng nhiệt huyết và đam mê cháy bỏng với nghề, Nguyễn Thùy Linh đã kịp sở hữu "vốn liếng" kha khá: Tham gia và trực tiếp làm chủ nhiệm hai đề tài cấp Nhà nước; chủ trì 3 sáng kiến cấp Học viện và một sáng kiến cấp Bộ Quốc phòng. Các đề tài, sáng kiến của Thùy Linh đã tham gia và giành nhiều giải thưởng ở các cấp. Tiêu biểu như đề tài “Đặc điểm cận lâm sàng và biểu hiện p63 trong ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú trên nền viêm tuyến giáp Hashimoto” đoạt giải nhì hội nghị khoa học công nghệ tuổi trẻ các trường đại học, cao đẳng y dược Việt Nam năm 2021; Chủ nhiệm sáng kiến cấp II Bộ Quốc phòng “Cải tiến kỹ thuật khối tế bào trong chẩn đoán giải phẫu bệnh các loại dịch của cơ thể và bệnh phẩm chọc hút bằng kim nhỏ”; Chủ nhiệm đề tài cơ sở “Đánh giá giá trị siêu âm và xét nghiệm chọc hút kim nhỏ tuyến giáp trong chẩn đoán ung thư tuyến giáp”...

Trong số đề tài, sáng kiến đó, Nguyễn Thùy Linh say sưa nói về sáng kiến “Kỹ thuật lai tại chỗ gắn màu (CISH) phát hiện virus Epstein-Barr trên các bệnh phẩm sinh thiết vòm họng”. Đây là sáng kiến Thùy Linh dành nhiều tâm huyết và đã đoạt giải nhất cuộc thi đề tài, sáng kiến trong tổ chức Công đoàn Quân đội lần IV, giai đoạn 2016-2021.

Nói về sự ra đời của sáng kiến, Thùy Linh chia sẻ: "Căn bệnh ung thư vòm họng rất khó phát hiện khi đang ủ bệnh. Khi đã phát hiện, bệnh thường đi vào giai đoạn di căn, bệnh nhân vừa bị đau đớn giày vò, vừa chịu chi phí tốn kém trong quá trình điều trị. Với suy nghĩ làm thế nào giúp bệnh nhân phát hiện sớm để kịp thời ngăn chặn nguy cơ tiến triển của bệnh, đồng thời giảm chi phí trong quá trình điều trị nên tôi đã miệt mài nghiên cứu". Trên thực tế, từ quá trình thai nghén đến hoàn thiện sáng kiến, Linh gặp nhiều khó khăn, thử thách. Khó nhất là làm thế nào để có thể vận động các bác sĩ lâm sàng sẵn lòng gửi mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân có biểu hiện ung thư vòm họng về Khoa để chị đủ điều kiện tiến hành các thí nghiệm. Thất bại rồi lại thất bại, chị vẫn không nản lòng, lùi bước.

Thùy Linh tâm huyết, nỗ lực hết sức với nhiều đêm thức trắng, quyết tâm nghiên cứu thành công, đưa sáng kiến vào ứng dụng trong thực tế nhằm giúp người bệnh được tiếp cận xét nghiệm có giá thành hợp lý, đồng thời giúp phát hiện sớm tỷ lệ nhiễm EBV trên mẫu mô của bệnh nhân ung thư vòm họng; qua đó, giúp đánh giá sớm nguy cơ tiến triển của bệnh và hỗ trợ các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Giá trị của sáng kiến là đối với những bệnh nhân có di căn hạch, khi xét nghiệm EBV sẽ giúp chuẩn đoán vị trí nguyên phát, đồng thời đây cũng là xét nghiệm để khuyến cáo sớm về nguy cơ mắc ung thư vòm họng trên bệnh nhân có những bệnh lý vòm họng mạn tính.

Trả lời câu hỏi "Động lực nào giúp chị không chỉ gắn bó với Bộ môn-Khoa Giải phẫu bệnh lý-Pháp y, mà có nhiều nghiên cứu, sáng kiến hướng đến người bệnh như vậy?", Nguyễn Thùy Linh khẳng định chắc nịch: “Lời thề Hippocrates là động lực thôi thúc tôi không được dừng lại. Với tôi, phải luôn hướng về phía trước chứ không phải ngoái lại phía sau để nhìn thành tích mình đã làm được gì. Mục tiêu tôi luôn hướng tới là nỗ lực chẩn đoán đúng bệnh trên các mẫu bệnh phẩm, từ đó giúp bệnh nhân, nhất là bệnh nhân hiểm nghèo được điều trị sớm nhất với phác đồ điều trị đúng nhất”.

Không chỉ tiên phong trong nghiên cứu khoa học, Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thùy Linh còn tích cực tham gia viết các bài báo khoa học đăng trên các báo, tạp chí uy tín trong nước và nước ngoài về lĩnh vực y học (tác giả chính của hai bài báo quốc tế thuộc ISI/Scopus và tác giả chính của 15 bài báo trong nước). Hiện chị là nghiên cứu sinh tại Đại học Y Hà Nội, đang trong giai đoạn chuẩn bị bảo vệ cơ sở và dự kiến hoàn thành luận án vào cuối năm 2023.

Cùng với đó, bác sĩ Nguyễn Thùy Linh còn được nhiều người biết đến bởi sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm trong tham gia hoạt động phong trào quần chúng. Là Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở Bộ môn-Khoa Giải phẫu bệnh lý-Pháp y, Thùy Linh đã cùng Ban Chấp hành Hội Phụ nữ khơi gợi nhiều mô hình, hoạt động phong trào góp phần khuyến khích, động viên chị em phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn.

14 năm gắn bó với Bộ môn-Khoa Giải phẫu bệnh lý-Pháp y, Nguyễn Thùy Linh không chỉ khẳng định bản lĩnh, trình độ chuyên môn mà còn giúp Khoa hóa giải “lời nguyền” rằng khoa vốn không dành cho phái yếu. Sau Thùy Linh, đến nay đã có thêm 3 bóng hồng đầu quân về công tác tại Bộ môn-Khoa Giải phẫu bệnh lý-Pháp y. Và chắc chắn rằng, nếu ai đó đặt câu hỏi "vì sao là phận nữ mà các chị lại gắn bó với công việc liên quan đến tử thi?", chắc hẳn họ sẽ nhận được câu trả lời: Trong nghiên cứu y học không có vùng cấm cho nam hay nữ, mà ở đó, chỉ có nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm và tấm lòng yêu thương dành cho người bệnh!

Có thể bạn quan tâm