Bonsai ngũ sắc đón đầu dịp Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ những gốc hoa ngũ sắc có dáng, thế đẹp, ông Lê Quang (tổ 6, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đã lai ghép thành những chậu bonsai ngũ sắc “độc, lạ” để đón đầu dịp Tết Nguyên đán 2019. 
Khu vườn của ông Lê Quang hiện đang tập kết hàng loạt cây cảnh đa dạng, trong đó có bonsai ngũ sắc với hàng trăm gốc. Dẫn chúng tôi dạo quanh vườn, ông cho biết: Cây hoa ngũ sắc (còn gọi là cây trâm ổi) là loài cây bụi thân gỗ mềm, lá hình trái xoan, nhọn đầu, hoa nhỏ nhắn hình cầu với nhiều sắc màu tươi sáng như: vàng, cam, tím, đỏ hay trắng tinh khôi. Từ sự đam mê với cây cảnh, thấy nhiều gốc cây ngũ sắc ở rừng có dáng đẹp nên ông mang về nhà trồng. Sau một thời giam chăm sóc, ông bắt đầu tạo dáng và mua thêm giống hoa ngũ sắc Nhật với nhiều màu sắc như: tím, trắng, đỏ… ghép lên.  “Sở dĩ ghép cây ngũ sắc Nhật vì đây là loài hoa có nhiều màu, nở lâu và ra hoa quanh năm. Vì vậy, cây hoa ngũ sắc ghép được rất nhiều người ưa thích”-ông Quang lý giải. 
 Ông Quang tỉ mỉ chăm sóc gốc hoa ngũ sắc. Ảnh: H.P
Ông Quang tỉ mỉ chăm sóc gốc hoa ngũ sắc. Ảnh: H.P
Thấy những gốc bonsai lạ này, nhiều người đi qua cứ tấm tắc khen; các con ông cũng chụp ảnh đưa lên facebook nên nhiều người biết và tìm mua. Nhận thấy giá trị kinh tế của loại cây cảnh mới này, ông Quang đã mạnh dạn nhập hàng trăm gốc hoa ngũ sắc từ các tỉnh phía Bắc về trồng thử nghiệm. Kế quả là cây sống rất khỏe, hợp với khí hậu Gia Lai, hoa đều và đẹp. Ông Quang cho biết: Mỗi cây bonsai ngũ sắc có giá khoảng 1 triệu đồng, còn những gốc to và có thế “độc, lạ” được ông bán với giá hàng chục triệu đồng. “Mặt hàng cây cảnh này thường không có giá cố định. Người nhìn thấy vẻ đẹp của nó thì trả giá cao, ngược lại thì trả giá thấp. Mỗi cây mỗi dáng, mỗi vẻ đẹp nên có giá khác nhau, tùy vào con mắt người nhìn...”-ông Quang phân tích.
Theo kinh nghiệm nhiều năm trồng và chăm sóc cây cảnh của ông Quang, để có được một cây cảnh đẹp, quan trọng nhất là mắt thẩm mỹ của người tạo ra nó. Vì ngay từ trên rừng, người chơi cây cảnh đã phát hiện ra dáng dấp, vẻ đẹp riêng của cây và đưa về. Sau đó phải biết cách chăm sóc, có kiến thức về cây cảnh để ghép cây, tạo dáng sao cho không chỉ cây có dáng “độc, lạ” mà hoa cũng phải đẹp.
Với hơn 300 gốc hoa ngũ sắc, hàng ngày, ông Quang phải dành rất nhiều thời gian chăm sóc và nghiên cứu tạo dáng để bán ra thị trường dịp Tết năm nay. Nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh nghe tiếng đã tìm đến chiêm ngưỡng cũng như đặt quan hệ mua-bán.
Hà Phương

Có thể bạn quan tâm