Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

BOT giao thông, cần nhất là tính minh bạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Câu chuyện lái xe dùng tiền lẻ qua trạm BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) đã được đẩy đi khá xa khi các chuyên gia chỉ ra những điều không bình thường của dự án BOT này nói riêng và nhiều dự án BOT khác nói chung, khiến mục tiêu đặt ra của hình thức hợp tác công-tư này bị méo mó. Không thể để người dân mất lòng tin vào Chính phủ chỉ vì những toan tính mang màu lợi ích nhóm, đã đến lúc phải có người đứng ra nhận trách nhiệm về những bất ổn do sự mập mờ khi triển khai các dự án BOT giao thông gây ra.  

Sau 5 năm triển khai, đầu tư BOT giao thông đã thu được những kết quả khả quan, khi huy động trên 200 ngàn tỷ đồng triển khai trên 70 dự án, nâng cấp nhiều cầu, đường quan trọng, cơ sở hạ tầng giao thông được cải thiện đáng kể, lưu thông nhanh hơn, an toàn hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công ban đầu thì đã có hệ lụy trong quá trình triển khai xây dựng các dự án theo hình thức hợp tác công-tư này. 

 

Ảnh: H.P
Ảnh: H.P

Báo cáo kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết, đã xảy ra nhiều sai phạm trong đầu tư BOT giao thông, từ khâu phê duyệt dự án, đến mời thầu, giám sát, phê duyệt phương án tài chính… Dư luận phải giật mình, khi hơn 70 dự án với tổng vốn đầu tư trên 200 ngàn tỷ đồng, nhưng Bộ Giao thông-Vận tải lại không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu. Liệu người dân có tin khi lãnh đạo Bộ Giao thông-Vận tải lý giải rằng: 100%  dự án phải chỉ định thầu vì chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia, trong đó có cả những nhà đầu tư được lựa chọn nhưng chưa đảm bảo năng lực!

Việc thiếu những nghiên cứu đánh giá toàn diện hiện trạng giao thông để cân đối, so sánh đầy đủ trên toàn hệ thống về sự cần thiết, về lộ trình đầu tư theo từng hình thức đầu tư đã dẫn đến các dự án BOT mọc lên như nấm sau mưa giai đoạn 2011-2015, được triển khai hầu hết ở những khu vực giao thông trọng yếu, mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn; đặt một số trạm thu phí có khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí cao, khiến người tham gia giao thông không còn sự lựa chọn nào khác, dẫn đến tình trạng phương tiện né trạm thu phí, đi vào đường ngang ngõ tắt gây hư hại hệ thống giao thông địa phương và gây nguy cơ mất an toàn.  

Thực tế cho thấy đã có sự mập mờ ở các dự án BOT. Có dự án như cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ mới đầu tư 30% giá trị nhưng đã thu 1.500 đồng/km, bằng mức phí của cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình  6 làn xe hoàn chỉnh. Có dự án làm chỗ này, đặt trạm thu phí chỗ kia gây bức xúc trong nhân dân như BOT đèo Phước Tượng-hầm Phú Gia (tỉnh Thừa Thiên-Huế)… và bây giờ là BOT Cai Lậy.

Ngoài ra, còn một kiểu dự án BOT biến thái cũng được Bộ Giao thông-Vận tải phê duyệt. Đó là lồng ghép việc cải tạo với đầu tư xây dựng đường mới thành 1 dự án rồi đặt trạm thu phí gộp, thu phí đường này để hoàn vốn cho đường kia. Như ghép việc cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 với đầu tư mới đường Hòa Lạc-Hòa Bình; ghép cải tạo 7 km quốc lộ 3 với đầu tư đường mới Thái Nguyên-Chợ Mới và dự án BOT lắp ghép ở Cai Lậy mới đây cũng là một minh chứng cho kiểu kinh doanh lập lờ này.  

Việc Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm 107 năm thu phí của 27 dự án BOT trong năm ngoái cho thấy công tác phê duyệt phương án tài chính các dự án BOT có nhiều điều khuất tất. Trong đó, đáng kể là hàng loạt dự án BOT cải tạo, nâng cấp đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) qua Tây Nguyên như: đoạn qua Đak Nông giảm 12 năm 3 tháng 22 ngày; đoạn qua Bình Phước giảm 7 năm 9 tháng 21 ngày; đoạn qua Gia Lai từ Km 1610 đến Cầu 110 giảm 7 năm 2 tháng 27 ngày; đoạn qua Đak Lak giảm 6 năm 10 tháng 22 ngày…

Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, hợp tác công-tư là một hình thức huy động hữu hiệu nguồn lực xã hội để xây dựng hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, những hệ lụy nảy sinh trong quá trình triển khai các dự án này gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp vận tải, chủ yếu bắt nguồn từ sự mập mờ về tổng mức đầu tư, số năm thu phí và mức phí cao bất thường, vị trí đặt trạm thu phí không phù hợp… như kết luận của Thanh tra Chính phủ vừa công bố mới đây. Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, qua kiểm toán 24 dự án trong năm nay, đã kiến nghị giảm thu phí 62 năm 8 tháng của các dự án vi phạm. Dư luận cũng có quyền nghi ngờ tính minh bạch của hình thức hợp tác này, khi suốt mấy tuần qua, hầu hết ý kiến từ Bộ Giao thông-Vận tải là nhằm bảo vệ cho quyền thu phí của doanh nghiệp BOT.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông-Vận tải và Bộ Tài chính kiểm điểm đối với các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm liên quan đến những vi phạm trong các dự án BOT đã được kết luận. Dư luận đang chờ những cái tên cụ thể phải chịu trách nhiệm về những hệ lụy từ sự mập mờ trong quá trình triển khai các dự án BOT giao thông giai đoạn 2011-2015 gây ra.

Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm