Bữa ăn học đường trong "cơn bão" thực phẩm bẩn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian gần đây, câu chuyện thực phẩm bẩn luôn là vấn đề nóng khiến toàn xã hội lo lắng. Trước tình hình đó, bữa ăn học đường đã trở thành nỗi lo thường trực của nhiều bậc phụ huynh có con học bán trú, từ nguồn gốc, chất lượng thực phẩm đến quy trình chế biến món ăn…  

Canh cánh nỗi lo

Việc các trường Mầm non, Tiểu học tổ chức cho học sinh học bán trú đã giảm gánh nặng cho nhiều phụ huynh trong việc đưa đón con cái, lo lắng ăn uống và trên hết là phần nâng cao chất lượng học tập. Gửi con ở trường đồng nghĩa với việc các bậc phụ huynh đã giao phó, trông cậy hoàn toàn vào nhà trường, gửi niềm tin vào lương tâm và đạo đức của những người cung ứng thực phẩm. Tuy nhiên, trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, bữa ăn trường học luôn khiến các phụ huynh lo lắng.

 

Ảnh: Phan Lài
Ảnh: Phan Lài

Điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi năm nào cũng có những vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến bếp ăn trường học. Theo quy định của ngành Y tế, các bếp ăn trong nhà trường phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP); dụng cụ, phương tiện chế biến, phân phối thức ăn phải đúng quy định; phải có phương tiện bảo quản lạnh thực phẩm; phải có sổ sách theo dõi nhập, xuất thực phẩm, các hợp đồng cung cấp thực phẩm. Mặt khác, phải có sổ khám sức khỏe định kỳ của nhân viên nhà ăn, bếp ăn; có chứng nhận đã qua tập huấn về VSATTP… Tuy nhiên, theo khảo sát của P.V tại một số trường Mầm non, Tiểu học có tổ chức bán trú trên địa bàn tỉnh thì vấn đề đảm bảo VSATTP trong trường học vẫn còn một số bất cập. Khi mua thực phẩm, các trường đều có hợp đồng mua bán và có ký cam kết với các đơn vị cung ứng thực phẩm, tuy nhiên hợp đồng này vẫn mang tính chung chung và chỉ mang tính lý thuyết, bắt buộc; còn việc các đơn vị cung ứng có cung cấp nguồn thức ăn đảm bảo yêu cầu theo cam kết lại là một vấn đề khác, bởi nguồn thực phẩm cung ứng cho các bếp ăn học đường rất lớn, phải thu gom từ nhiều cửa hàng, nhiều nguồn khác nhau, rất khó để kiểm tra chất lượng vì không có các dụng cụ chuyên ngành. Khu chế biến của một số trường học vẫn còn chật chội, bố trí không hợp lý nên nguy cơ mất VSATTP rất cao. Vì thế, thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc vẫn có nhiều “cơ hội” len lỏi vào các bếp ăn nhà trường.

Đơn cử, tại Trường Mầm non Hoa Mai (số 40, đường Cách Mạng Tháng Tám, TP. Pleiku), dù trường đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP nhưng nơi nấu nướng vẫn còn khá chật chội. Trường có đến 321 trẻ, nhưng chỉ có 3 nhân viên cấp dưỡng. Cô Nguyễn Thị Hồng-Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc cung ứng thực phẩm chỉ có cam kết giữa hộ kinh doanh và nhà trường, tất cả thực phẩm đều được kiểm tra bằng mắt thường. Quỹ đất không có nên nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư cơ sở vật chất ở khu vực nhà bếp. Nhà trường cũng gặp khó khăn về kinh phí nên chỉ mới tuyển dụng được 3 nhân viên cấp dưỡng”.

 

Chị Nguyễn Thị Ngọc Thảo (đường Lý Tự Trọng, TP. Pleiku)-một phụ huynh có con đang học Mầm non chia sẻ: “Mỗi ngày, cháu chỉ ăn ở trường bữa chính và bữa xế nhưng tôi rất lo lắng. Bởi thức ăn ở nhà, tôi thường xuyên đi siêu thị để mua thực phẩm an toàn, về nhà còn ngâm nước muối, sục máy khử Ozone mà vẫn còn sợ bị nhiễm thuốc. Ở trường, nấu cho hàng trăm trẻ, liệu thức ăn có đảm bảo ăn toàn hay không. Lo nhưng cũng không biết làm sao?”.

Giải pháp tạm thời

Theo thống kê của Sở Giáo dục-Đào tạo, năm học 2015-2016, toàn tỉnh có 259 trường Mầm non, trong đó có 152 trường có bếp ăn tập thể với 1.614 nhóm lớp; có 309 trường Tiểu học, trong đó có 41 trường có bếp ăn tập thể. Trước thực trạng đáng lo ngại về thực phẩm bẩn, các trường Mầm non, Tiểu học có tổ chức bán trú trên địa bàn tỉnh đã và đang cố gắng chú trọng đến việc đảm bảo nguồn thực phẩm sạch để phụ huynh yên tâm gửi con ở trường. Thầy Nhữ Văn Hưng-Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 thị trấn Đak Đoa (huyện Đak Đoa) cho biết: Nhà trường hiện 720 học sinh, nhưng chỉ có 4 khối lớp (từ lớp 2 đến lớp 5) với 470 em học sinh đăng ký bán trú. Để đảm bảo sức khỏe cho các em, nhà trường luôn đặt vấn đề VSATTP lên hàng đầu và nhiệm vụ trọng tâm từ đầu năm học. Hàng ngày, vào 6 giờ 30 phút, khi cơ sở kinh doanh đưa thực phẩm tới, đại diện Ban Giám hiệu nhà trường, nhân viên nhà bếp cùng đại diện phụ huynh cùng nhận và kiểm tra thực phẩm; trước khi chế biến, thực phẩm đều được rửa bằng nước muối pha loãng và sục máy Ozone để “tẩy độc” cho thực phẩm. Nhà trường ký hợp đồng với các cá nhân, cơ sở cung cấp thực phẩm theo tháng, lựa chọn những đơn vị uy tín để đảm bảo thực phẩm tươi, ngon. “Chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra đột xuất các đơn vị cung cấp thực phẩm, nếu phát hiện sai phạm, chúng tôi sẵn sàng cắt hợp đồng. Khu nhà bếp được đầu tư xây dựng theo mô hình “Bếp ăn một chiều”; nhà bếp có 13 nhân viên, trong đó có 1 bếp trưởng, 1 quản lý. Trước khi chia cơm cho học sinh, cán bộ y tế trường học đều kiểm tra thức ăn, thực hiện lưu mẫu thức ăn để có cơ sở kiểm tra, đối chiếu nếu có trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra. Vì thế, suốt 17 năm tổ chức bán trú, nhà trường chưa có trường hợp học sinh nào bị ngộ độc thực phẩm”-thầy Hưng cho biết.

Bên cạnh việc kiểm tra, đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm, một số trường đã tổ chức trồng rau, củ để tự cung cấp cho bếp ăn nhà trường. Trường Mầm non Họa Mi (đường Hùng Vương, TP. Pleiku) là một trong ít trường học trên địa bàn tỉnh có vườn rau riêng. Với diện tích hơn 500 m2, nhà trường đã trồng nhiều loại rau như: dền, cải, bồ ngót, khoai lang… để phục vụ cho bữa ăn của trẻ; dù không thể đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu rau xanh của cả trường, nhưng đã giảm bớt phần nào nỗi lo VSATTP của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, số trường có thể tự trồng thêm rau để phục vụ bữa ăn cho học sinh là rất ít, bởi quỹ đất không có nên mỗi trường lại có một cách riêng để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ thực phẩm bẩn trong bếp ăn trường học.  

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Căn-Phó Trưởng phòng Chính trị-Tư tưởng, Sở Giáo dục-Đào tạo cho biết: “Để chấn chỉnh tình trạng thực phẩm bẩn len lỏi vào trường học, ngay từ đầu năm học, Sở đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các trường cụ thể về vấn đề đảm bảo VSATTP, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, Sở cũng đã phối hợp với các cơ quan liên ngành thường xuyên kiểm tra, thanh tra các bếp ăn trường học. Ngoài ra, các trường cần nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc mua và chế biến thực phẩm, có như vậy phụ huynh mới yên tâm với bữa ăn của con em mình tại trường, các em học sinh cũng có điều kiện để phát triển toàn diện, học tập tốt hơn”.

Phan Lài

Có thể bạn quan tâm