(GLO)- Hàng trăm ngàn tấn mía của nông dân tại các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai vẫn đang “nằm đồng”, ngoài nguyên nhân chính do công suất nhà máy đường An Khê không đủ đáp ứng khiến nhiều nông dân than phiền thì việc xuất hiện một nhóm người được gọi là “cò mía” trong thời gian gần đây giúp xe mía “chạy”, điều này càng làm cho bà con nhà nông nơi đây thêm bức xúc.
Mánh khóe của “cò mía”
Tình hình nhập mía của nông dân tại các huyện, thị xã phía Đông như: Thị xã An Khê, huyện Kbang, Kông Chro, Đak Pơ cho Nhà máy Đường An Khê không còn “nóng” như đầu vụ thu hoạch, nhưng hàng ngày vẫn có trên 500 xe ô tô trọng tải lớn nằm bất động chờ được nhập nguyên liệu. Theo thống kê từ nhà máy đường An Khê mới đây, hiện còn hơn 400 nghìn tấn mía của người dân vẫn chưa thu hoạch và mỗi ngày nhà máy chỉ tiếp nhận đuợc khoảng 350 xe ô tô tương đương với khoảng 7.000 tấn mía cây/ngày.
Hàng ngày nhóm "cò mía" liên tục thao túng trước cổng Nhà máy Đường An Khê. Ảnh: Nguyễn Giác |
Để nhập mía cho nông dân, mỗi ngày từ 8 giờ đến 8 giờ 30 phút, các trạm cấp phiếu chặt mía cho các hộ theo lịch do nhà máy đường đặt ra, kèm theo phiếu này là số xe tải chuyên chở mía về nhà máy cũng được ghi nhớ vào sổ để kiểm soát tại nhà máy khi có xe nhập mía. Cùng với đó, nắm bắt được nhu cầu nhập mía sớm của nhiều nông dân, những năm qua, trước Nhà máy Đường An Khê xuất hiện nhóm người chừng hai chục người tụ tập lại với nhau để móc nối với một số bộ phận thuộc nhà máy và số còn lại tìm người dân có nhu cầu để vận chuyển mía và chúng trở thành một nhóm “cò mía” chuyên nghiệp tại khu vực này.
Mánh lới của nhóm "cò" này hoạt động theo hình thức, hướng dẫn chủ mía đăng ký ngày chặt và biển số xe chuyên chở. Sau khi nhận được yêu cầu này, “cò” tiếp tục điều xe và móc nối với bên trong nhà máy để đặt lệnh tiếp nhận, theo đó trong số khoảng 8 xe chính thức thì chúng huy động thêm những xe thân cận nhập hội cùng thao túng.
Thay vì mỗi xe chuyên chở phải mất từ 3 đến 4 ngày mới được nhập một lần, có khi phải đến cả tuần nằm đường để chờ lệnh gọi. Thì nhóm "cò" đã có lịch đăng ký phiếu từ trước chúng cho xe chạy liên tục sau khi nhập về thì xe lại tiếp tục chạy lấy hàng và nhập tiếp vì số xe tiếp theo đã có trong lịch nhập.
Cụ thể một xe có BKS 81K-1234 (số xe giả định- N.V) là đăng ký hợp lệ sẽ chạy 3 hoặc 4 ngày/chuyến, thì cũng chính từ xe này sau khi ra khỏi nhà máy đến nơi chở mía thì tài xế cho thay đổi BKS mới 81K-XXXX để tiếp tục nhập theo lệnh gọi. Mỗi xe như vậy thường có từ 5-6 BKS giả để vận hành guồng “cò mía” của mình.
Cứ nghĩ là giản đơn, tuy nhiên theo những người trong nghề lâu năm tại huyện Kbang, Đak Pơ… thì không dễ được nhập vào nhóm “cò” này. Không riêng gì chuyện lợi dụng kẻ hở trong kiểm soát phiếu và bất chấp quy định về luật giao thông đường bộ khi sử dụng BKS giả để hoạt động mà chúng còn nhận luôn phần thanh toán tiền mía với nhà máy rồi thanh toán lại với chủ hàng sau khi lấy đi %/tổng số tiền bán mía mà chủ hàng đã cam kết chi cho việc “nuôi cò”.
Trong câu chuyện kể, một người dân trồng, chở mía tại huyện Kong Chro, than phiền với chúng tôi: Chuyện làm ăn, dù biết thế, việc diễn ra trước mắt là không thể chấp nhận, nhưng vì cuộc sống và mưu sinh lâu dài nên không ai có thể làm gì, nếu động đến phải bỏ luôn nghề.
Qua tìm hiểu, nhóm người này được phân cấp ra thành 2 nhóm khác nhau, với những “cò nhà”, họ thường mua khoán lại của dân với giá chừng 650 nghìn/tấn khai thác tại ruộng. Riêng “cò” trước cổng nhà máy họ không phải bỏ ra chút kinh phí nào nhưng lại bắt chẹt người dân, nhờ “buôn mồn”. Nhiều người nôn nóng lòng bán mía sớm, để tháo vốn và giải phóng xe cho bãi mía khác nên đành chấp nhận “bắt tay” với "cò" để chia phần trăm. Biết giao mía cho họ như “giao trứng cho ác” nhưng nhiều người đành cắn răng làm liều. Trong nhiều người khi đã giao dịch với "cò" được chúng tôi tiếp cận họ đều lắc đầu và im lặng vì sợ bị trả thù. Chỉ khi hỏi thoáng có mất nhiều tiền cho "cò" không thì họ gật đầu lấy lệ rồi vội bỏ đi như sợ một ai trông thấy.
Tình trạng cung vượt cầu trong sản xuất và tiêu thụ đã nảy sinh nhiều tiêu cực. "Cò" lộng hành một phần do kẻ hở trong việc cấp phiếu nhập hàng ở các trạm tạo điều kiện cho một nhóm người trục lợi “bảo kê” để xe mía được nhập sớm gây bức xúc cho người dân. Trong đội xe chừng 25 chiếc hoạt động thường xuyên cùng với bùa hộ mệnh là những bộ BKS “dỏm”, qua tìm hiểu ba đối tượng là Hùng, Ánh, Cảnh thì chỉ trong 45 ngày (từ 1-1-2012 đến 15-2-2012 giai đoạn nóng nhất về nhập mía) trong lúc nhiều người cả tuần hoặc đến chục ngày mới nhập được một xe thì nhóm này đã nhập vào nhà máy hơn 270 xe mía. Cá biệt có ngày nhập đến 13 xe.
Các cơ quan chức năng vào cuộc
Hàng trăm xe mía nằm chờ lệnh trước Nhà máy Đường An Khê. Ảnh: Nguyễn Giác |
Chuyện “cò mía” lộng hành đến mức cơ quan chức năng phải vào cuộc thông qua việc trình báo từ phía lãnh đạo nhà máy với việc chốt chặn, kiểm soát xe nhập mía trước khu vực cổng vào nhà máy để hạn chế tình trạng xe mang biển số “dỏm” nhập mía. Theo ông Trần Ngọc Hùng, Đội trưởng CSGT thị xã An Khê: “Với lỗi gắn BKS không đúng quy định này chỉ phạt để mang tính răn đe, còn việc không kiểm soát được BKS, bề ngoài của xe hay phiếu là do bộ phận chức năng của nhà máy chịu trách nhiệm”.
Đề cập về chuyện “cò mía” lộng hành tại khu vực nhà máy khiến nhiều nông dân than phiền thì ông Nguyễn Văn Hòe- Quyền Giám đốc Nhà máy Đường An Khê thừa nhận: Có chuyện này, tuy nhiên qua tìm hiểu vẫn chưa phát hiện vi phạm từ nhà máy. Cũng theo ông Hòe: Nhà máy đã tiến hành theo dõi, nắm chứng cứ và tiến hành xử lý nghiêm và đuổi việc với bất kỳ trường hợp nào bị phát hiện. Mặt khác chúng tôi đã phối hợp với cơ quan chức năng hỗ trợ trong việc điều tra, phát hiện cũng như xử lý các đối tượng “cò” tại khu vực này tránh gây mất trật tự xã hội.
Để người nông dân sống và mưu sinh bền vững với cây mía, ngoài việc cải tạo, nâng cấp nhà máy theo hướng hiện đại đáp ứng nhu cầu cấp mía mỗi khi vào vụ thì việc nhà máy đường An Khê thay đổi cách cấp phiếu như cũ và phối hợp thường xuyên hơn với cơ quan chức năng kiểm soát giao thông và trật tự trên địa bàn là việc làm cấp thiết trong thời gian đến.
Trước việc nhập mía chậm trễ đã ảnh hưởng rất lớn đến làm đồng xuống giống cho vụ sau của nông dân, do vậy nhiều người đành liều chặt mía cho xe nằm chờ, số khác thì vận chuyển đi nơi khác để tiêu thụ.
Nguyễn Giác