Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Bui Sơr-Làng vắng bóng đàn ông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Làng Bui Sơr (xã Ia Ka, huyện Chư Pah) nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi trùng điệp, uốn lượn. Cả làng có gần 70 nhân khẩu, đa phần là phụ nữ và trẻ em. Cuộc sống của họ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng vẫn nghèo và trĩu nặng nỗi buồn khi nhiều mái nhà luôn vắng bóng đàn ông…

Từ tỉnh lộ 661, chúng tôi rẽ vào con đường đất nhỏ, men theo lối mòn trong những lô cao su để đến làng Bui Sơr. Vật lộn với con đường gần 10 km trơn trượt sau những cơn mưa, chúng tôi mới đến được cây cầu tạm ở đầu làng. Người đồng hành cùng tôi trong chuyến đi là bà Rơ Châm H’Ken-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Ka, bảo rằng: “Hồi chưa có cây cầu này, vào mùa mưa, làng Bui Sơr như một ốc đảo, nội bất xuất, ngoại bất nhập…”.

 

Đa phần người dân làng Bui Sơr là phụ nữ và trẻ em. Ảnh: L.A

“Làng góa phụ”

Bui Sơr gọi là làng nhưng tất cả chỉ có 20 nóc nhà nằm thưa thớt, thoạt nhìn giống như những chòi canh rẫy được che tạm bởi những tấm tôn đã rỉ sét, thủng lỗ chỗ. Dạo một vòng quanh làng, chúng tôi tuyệt nhiên không nhìn thấy bóng dáng của người đàn ông nào. Nhìn ra những thửa ruộng ở phía cuối làng, chỉ có đám trẻ chăn bò và một vài phụ nữ đang cặm cụi làm cỏ lúa. Cái nghèo khó, nhọc nhằn ở Bui Sơr hiển hiện ra ngay trước mắt. Bà H’Ken tiếp câu chuyện: “Ở đây có 20 hộ dân đều là người Jrai với gần 70 nhân khẩu nhưng có đến 14 gia đình chồng mất vì bệnh tật. Những người đàn ông còn lại thì đi làm thuê hoặc lên núi làm rẫy nên làng luôn vắng bóng đàn ông…”.

Để chúng tôi hiểu hết sự nghèo khó và cảnh đời của những người đàn bà góa bụa, bà H’Ken đã tận tình đưa chúng tôi đi một vòng quanh làng rồi dừng chân trước căn nhà nhỏ của bà Rơ Châm H’Bun. Bà H’Bun dù mới bước qua tuổi 40 nhưng nom giống như người đã ngoài 60 vậy. Đã 6 năm nay, bà sống trong cảnh cô đơn, trống trải khi người chồng vì bạo bệnh mà bỏ bà và 6 đứa con thơ dại để về với cõi Atâu. Nói về cuộc đời mình, bà H’Bun nghẹn ngào: “Lúc chồng còn sống, vợ chồng tôi cố gắng làm thuê làm mướn nên cuộc sống cũng đắp đổi qua ngày. Từ khi ông ấy bị bệnh, có gì trong nhà cũng bán hết. Khi ông ấy mất, gia đình lâm vào cảnh túng đói dù có gần 3 sào đất rẫy nhưng vì thiếu nguồn nước tưới, đất đai bạc màu nên năng suất cũng chẳng được bao nhiêu…”. Trong câu chuyện, bà H’Bun bảo nhiều khi cùng quẫn, bà muốn từ bỏ tất cả để đi theo chồng. Nhưng nhìn 6 đứa con thơ, bà lại không đành lòng. Gần đây, bà H’Bun vui lên được chút ít khi có đoàn từ thiện giúp bà xây căn nhà nhỏ để mấy mẹ con che nắng, che mưa. Bây giờ bà cũng chỉ quanh quẩn với những việc vặt trong nhà và coi sóc 2 đứa con nhỏ. Còn 4 đứa lớn thì bỏ học để đi làm thuê, lo cái ăn qua ngày.

Cạnh nhà bà H’Bun là căn nhà tôn cũ nát rộng chừng 20 m2 của chị Rơ Châm H’Yi, người trước kia cũng từng là góa phụ. Nói là trước kia bởi cách đây ít ngày, chị H’Yi đã tìm cho mình được một người đàn ông để nương tựa những tháng ngày còn lại của cuộc đời. Với dân làng Bui Sơr, đây là niềm vui vì sự có mặt của anh Rơ Châm Bảo đã giúp một gia đình trong làng bớt đi sự cô quạnh khi vắng bóng đàn ông. Không hôn thú, cũng chẳng có đám cưới nào diễn ra, đơn giản chị H’Yi và anh Bảo đến với nhau vì đã từng thấm nỗi cô đơn, trống vắng khi mất đi người thương.


Chưa hết bối rối khi nhắc đến người đàn ông mới của đời mình, chị H’Yi thẹn thùng: “Cũng mới đây thôi mà, anh Bảo là người ở tỉnh Kon Tum, trong mấy lần đi làm thuê gặp nhau rồi đem lòng thương mến. Cách đây 3 ngày, anh Bảo dọn về đây ở hẳn…”. Trong câu chuyện, chị cũng không rõ rồi cuộc tình này sẽ kéo dài đến bao lâu, bởi chị không thể ràng buộc anh Bảo phải lo cho nỗi lo của mình. Thế nhưng, sự có mặt và tình yêu của anh Bảo cũng nhen nhóm trong chị hy vọng sẽ đủ sức để chăm sóc 3 đứa con nhỏ của mình. Bởi đã 2 năm qua, khi chồng qua đời vì bạo bệnh, mấy mẹ con chị H’Yi đã phải sống một cuộc đời lay lắt, khổ đau.
 

Những đứa trẻ đã biết phụ giúp gia đình. Ảnh: L.A

Trong những người mà tôi đã gặp, không ai biết được vì sao những người chồng, người cha trong cái làng này cứ lần lượt bỏ lại vợ con mà đi, để Bui Sơr bị gán thêm cái tên… làng góa phụ. Chỉ biết khi đối mặt với họ, tôi nhận ra trong những ánh mắt kia chất chứa một nỗi niềm trĩu nặng nên cũng không dám hỏi nhiều. Bởi biết đâu đấy, trong câu hỏi tôi lại vô tình động chạm, đưa họ về lại miền ký ức khổ đau, tủi hờn mà dâng trào nước mắt.

Đói nghèo đeo đẳng

Ngoài số phận hẩm hiu của những người phụ nữ thì cuộc sống của người dân làng Bui Sơr cũng đang gặp vô vàn khó khăn. Ở đây, hộ “giàu” nhất là gia đình già làng Rơ Châm Oel nhưng cũng thuộc diện cận nghèo, còn lại đều là hộ nghèo. Thiên nhiên khắc nghiệt đã đành, nhưng việc cả làng nghèo như thế rõ ràng phải có căn nguyên. Dù cách trung tâm xã Ia Ka chỉ gần 10 km, cách trung tâm huyện Chư Pah hơn 20 km, nhưng làng Bui Sơr vẫn chìm trong lạc hậu, đói kém. Trong khi điện lưới đã phủ khắp các thôn, làng trên địa bàn xã thì ở làng Bui Sơr, nguồn điện sáng vẫn là niềm mơ ước của người dân. Không có điện, các hộ dân trong làng luôn phải chịu cảnh tối tăm. Nhà nào cũng thắp sáng bằng đèn dầu, đèn pin, ai có điều kiện hơn thì dùng bình ắc quy. Cũng vì không có điện nên các hộ dân không thể khoan giếng sử dụng, sản xuất phụ thuộc cả vào nước trời. Đến nước sạch sinh hoạt, cả làng cũng chỉ biết nhờ vào cái giếng của nhà già Oel. Thế nên, mỗi khi mùa khô đến, mảnh đất này trở nên khô cằn, hạn hán mất mùa diễn ra liên miên khiến cuộc sống của người dân làng Bui Sơr nghèo lại thêm nghèo. Ở làng Bui Sơr này cũng không có điểm trường, dẫn đến việc học hành của trẻ em bị hạn chế. Để đến trường, các em học sinh phải vượt hơn 4 km đường đất. Vì vậy, hầu hết trẻ em trong làng chỉ học hết lớp 4, lớp 5 rồi nghỉ giữa chừng.

Ngoài điều kiện tự nhiên khắc nghiệt thì cái sự nghèo của dân làng Bui Sơr cũng bắt nguồn từ việc đông con. Ở làng Bui Sơr, nhà ít cũng có 3 người con, nhà nhiều thì từ 7 đến 8 đứa. Cũng vì nghèo, trình độ học vấn thấp nên thanh niên trong làng lớn lên chỉ quanh quẩn làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày chứ không dám đi ra khỏi làng lập nghiệp. Trong làng, nhiều thanh niên đến tuổi cập kê cũng chưa dám bắt vợ, bắt chồng vì không có tiền làm đám cưới và lo cho cuộc sống. Bởi thế mà gần 5 năm qua, làng Bui Sơr chỉ có thêm 3 hộ mới ra ở riêng.

 

Ông Nguyễn Quốc Hùng-Bí thư Đảng ủy xã Ia Ka: “Xã cũng rất quan tâm, trăn trở với cuộc sống của người dân làng Bui Sơr, nhưng vì xã vẫn còn nghèo nên chỉ lo được phần nào. Dự án đưa điện lưới vào làng đã có và dự tính triển khai trong thời gian tới, hy vọng khi có điện thì cuộc sống của người dân cũng dần ổn định hơn…”.

Đã có nhiều đoàn cán bộ từ huyện đến xã về làng Bui Sơr khảo sát tìm cách đưa người dân thoát nghèo nhưng nguồn lực không đủ. Nghe đâu, ở đây cũng có một công ty lớn trồng cà phê với diện tích 100 ha, nhưng việc tham gia cùng địa phương hỗ trợ, giúp đỡ về cơ sở hạ tầng, giúp dân phát triển kinh tế họ không quan tâm lắm. Có chăng, chỉ khi vào mùa thiếu nhân công thời vụ, họ mới thuê dân làng làm. Đến cả cây cầu tạm bắc qua con suối để làng không còn là “ốc đảo” khi mùa mưa đến cũng phải nhờ vào một Mạnh Thường Quân ở huyện vào làm cho. Thế nên đến nay, diện mạo nông thôn và cuộc sống của người dân làng Bui Sơr vẫn không có gì thay đổi cũng là chuyện không có gì lạ.

Chia tay Bui Sơr, người dân ở đây tiễn chúng tôi ra đến đầu làng. Quay nhìn lại bóng làng xa xa mà trong lòng chúng tôi chất chứa câu hỏi: Bao giờ Bui Sơr mới thoát khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu?

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm