Phóng sự - Ký sự

Buốt lạnh cùng hoa, cây cảnh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Mỗi khi đường phố xuất hiện đào, quất cùng hình ảnh những người buôn bán khắp nơi tụ về là xuân đang về rất gần. Đêm vỉa hè Hà Nội, trong gió lạnh thấu xương, bên đống lửa bập bùng, chuyện nghề, chuyện đời, chuyện Tết rộn ràng, khấp khởi…

Bên đống lửa vỉa hè

21h đêm, ngày 12 tháng chạp âm lịch, màn đêm bao trùm kèm theo cái lạnh cắt da, cắt thịt. Trời thỉnh thoảng lại rây rây những đợt mưa phùn khiến cái lạnh càng thêm tê tái. Tết năm nay về muộn hơn vì là năm nhuận. Còn họ - những người bán đào, quất, cây cảnh dịp Tết ít khi lỡ hẹn với vỉa hè Hà Nội. Từ nhiều năm nay, cứ độ này cho đến Tết, vỉa hè nhiều tuyến phố tại Hà Nội, nhất là những tuyến phố mới, tuyến có vỉa hè rộng hoặc tuyến có các khu đất trống, chưa xây cao ốc sẽ ken đặc đào, quất, và các loại hoa cây cảnh.

Đường Tố Hữu - trục đường lớn, vỉa hè rộng ở quận Hà Đông, Hà Nội mấy hôm nay lung linh hơn các đêm trước nhờ những bóng đèn nhỏ ở các điểm bán cây cảnh ngày Tết. Chúng tôi tạt xe vào làm quen với hai thanh niên đang ngồi bên đống lửa.

Hai thanh niên này là Trương Duy Vương (28 tuổi) và Phan Văn Cơ (24 tuổi) cùng quê ở Hà Nam.

Vương kể, học hết lớp 6, Vương đã vào TP Hồ Chí Minh làm thuê ở các quán ăn, có khi xin vào nhà máy. Năm 2016, cậu về quê và được người anh cùng làng rủ đi bán quất Tết. Hai năm sau, khi đã chắc tay nghề, Vương mở bán riêng.

Còn Cơ, sau khi học hết lớp 12 và đi nghĩa vụ quân sự về, mới bắt đầu chung vốn cùng Vương làm được 3 năm nay. “Phần nhiều ở tuyến phố này đều là người Hà Nam buôn bán cây cảnh ngày Tết. Ngay bên cạnh là điểm bán của hai vợ chồng, cũng là người cùng quê với em”, Vương cho hay.

Nói là “nghề” nhưng công việc này chỉ làm vào dịp cận Tết nguyên đán. Những ngày bình thường họ làm những công việc khác nhau để kiếm sống. Vương buôn bán hoa quả trên xe tải, cũng thường đỗ trên tuyến đường này; còn Cơ làm thợ sửa chữa điện lạnh. Dịp cuối năm, họ dùng khoản tiền tiết kiệm cả năm, vay thêm người thân một ít để chung vốn, nhập quất ở ngay Tứ Liên (phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội) về bán.

Tranh thủ vận chuyển, cắt tỉa vào đêm khuya
Tranh thủ vận chuyển, cắt tỉa vào đêm khuya

Số vốn của Vương và Cơ bỏ ra cho chuyến hàng Tết này cũng gần trăm triệu đồng. Khi hàng bán được một nửa, hai cậu sẽ tiếp tục nhập hàng gối hàng. Vương nói, nếu buôn bán thuận lợi, mỗi người cũng được một khoản vài chục triệu đồng, đủ lo cho Tết.

“Ba mươi chưa phải Tết”

22h đêm, đống lửa lại bập bùng sau khi được tiếp thêm củi mới. Sương xuống và trời bắt đầu rét hơn. Bên ngoài, lác đác vẫn còn một vài người đi qua ngắm, hỏi giá xong rồi lại lên xe phóng đi. Theo Vương, thời điểm này vẫn là sớm, khách sắm đào, quất nhiều thường phải sau 15 tháng Chạp. Hôm nay, hai cậu mới bán được một cây quất. “Nhiều người bận chưa mua, người muốn mua sát ngày để chơi Tết cho đẹp; cũng có người tính toán chi li, mua sát Tết cho rẻ… Mỗi người nghĩ một kiểu”, Cơ tiếp lời.

Hiểu được tâm lý của khách như thế, cánh buôn bán quất đào như Cơ và Vương cũng phải có chiến thuật nhập hàng theo tình hình hàng hóa bán được. Ngoài ra, về mặt hàng, mỗi người cũng cố gắng chọn lối đi riêng. Có người chuyên chọn những loại hàng giá thấp để cạnh tranh, có người lại phiêu lưu với hàng thế đẹp, giá cao.

Nhưng buôn bán cũng có cái đỏ đen của cờ bạc mà không thể tiểu thương nào lường hết được. Đợt nhập đầu tiên, các lái buôn như Cơ và Vương sẽ có nhiều sự lựa chọn ở nhiều nhà vườn khác nhau. Những đợt nhập sau, cây đẹp, thế đẹp càng hiếm.

Để chúng tôi dễ hình dung, Vương chỉ tay vào những cây quất đang được bày trí tại đây, giải thích, với quất Tứ Liên, đẹp thì thế phải đều từ trên xuống dưới, cành chắc khỏe, quả to đều, căng mọng, lá xanh … Không chỉ đẹp, quất bán Tết phải chịu được lạnh buốt, gió lớn hay nắng nóng. Đó cũng là lí do mà Vương và Cơ chọn quất Tứ Liên để buôn.

Đốt lửa sưởi ấm

Đốt lửa sưởi ấm

Vương ngồi hát bên đống củi
Vương ngồi hát bên đống củi

Trời càng về khuya càng buốt. Vương dẫn chúng tôi vào trong lều chống rét. Căn lều được quây bằng bạt xanh, buộc chắc chắn bằng dây thừng vào các gốc cây, thanh rào chắn quanh vỉa hè. Trong lều cũng có giường gỗ đưa từ quê lên lắp kèm đệm và chăn ấm. “Rét như này nằm đây cũng chẳng ngủ được mấy. Mà ngủ cũng chẳng yên tâm. Tám năm buôn bán ở đây mà mất đến 4, 5 cái điện thoại. Cây quất không cẩn thận là cũng mất, đến đôi giày ngủ dậy cũng mất luôn”, Vương vừa nói vừa chỉ xuống đôi dép đang đi ở chân. Vì thế, hôm nay, Vương và Cơ thay phiên nhau ngủ. Mỗi người chỉ ngủ khoảng 3-4 tiếng mỗi đêm, mệt thì ngày lại tranh thủ chợp mắt.

Vương chỉ tay vào những cây quất đang được bày trí tại đây, giải thích, với quất Tứ Liên, đẹp thì thế phải đều từ trên xuống dưới, cành chắc khỏe, quả to đều, căng mọng, lá xanh… Không chỉ đẹp, quất bán Tết phải chịu được lạnh buốt, gió lớn hay nắng nóng.

Vất vả không ngại nhưng điều Cơ và Vương luôn khấp khởi vì không biết lỗ hay lãi. Nghề này, ngặt nỗi, cơ bản, phải đến đêm 30, khi dọn hàng về mới biết lỗ hay lãi. Vương nhìn xa xăm, nhớ lại đêm 30 Tết năm ngoái, hai em lỗ hơn 30 triệu đồng vì đến tận chiều 30 vẫn tồn 100 cây quất. Hôm đó, khách đợi đến tối 30 mới ra mua, trả giá dưới cả giá nhập. Khách trả giá nào Vương cũng bán nhưng lại xin thêm khách 20 nghìn đồng khi bê cây lên xe cho khách. Có một nguyên tắc, mà Vương và Cơ đặt ra với nhau, đó là, dù năm đó bán được nhiều hay ít tiền, thì vẫn phải về đến nhà trước 12 giờ đêm giao thừa.

Tạm biệt Cơ và Vương, chúng tôi tiếp tục dạo phố đào quất lúc quá nửa đêm. Trời lạnh ngắt, vắng lặng nhưng sau những hàng quất những người bán hàng vẫn thức. Nhóm của anh Bùi Văn Quân (38 tuổi, quê Ninh Bình) và anh Lê Mạnh Thắng (39 tuổi, quê Bắc Ninh) chuẩn bị cả bếp than tổ ong, vừa đun nước, vừa sưởi ấm lại vừa nướng khoai. Nhóm của anh cũng bán quất Tứ Liên nhưng là hàng nhỏ, đựng trong bình gốm. Nhờ quảng cáo trước, có mối quen nên nhóm đã bán được hơn 500 bình.

Đào có vẻ được bán muộn hơn quất một chút nhưng cũng đã bắt đầu xuất hiện. Ngay ngã ba phố Hà Thì - Cầu Đơ (cũng thuộc quận Hà Đông) cách điểm của Cơ và Vương vài cây số có chiếc xe tải chở hàng trăm cây đào đang xuống hàng. Chị Nguyễn Thị Linh, 38 tuổi bán hàng nước ở ngã ba đợt này kiêm luôn việc bán số đào này. “Mọi năm, tôi bán đào cây, năm nay dự báo dân tình khó khăn, tôi nhập cành đào này từ Hòa Bình về bán. Giá phải chăng, tiện cho khách mua, chắc ăn cho mình”, chị Linh nói.

Có thể bạn quan tâm