“Trách nhiệm cá nhân hoặc trách nhiệm đối với việc lỗ này, chúng tôi sẽ đề nghị Vietnam Airlines báo cáo cụ thể rõ hơn, hàng năm có tính toán và có báo cáo tài chính. Nguyên nhân không phải do VNA sinh ra Jetstar Pacific mà để lỗ như thế", Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật thông tin về khoản lỗ 4.000 tỷ của Jetstar Pacific.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/5, chuyện khoản lỗ “khủng” của hãng hàng không Jestar Pacific đã được đặt ra. Theo đó, trong các năm qua, Công ty Cổ phần hàng không Jetstar Pacific liên tục báo lỗ, con số lỗ lên tới hơn 4.000 tỷ đồng
Cổ đông lớn nhất của Jetstar Pacific là Vietnam Airlines (HoSE: HVN) chiếm tới 68% cổ phần. Năm 2012, ông Dương Chí Thành, khi đó là Phó Tổng giám đốc của HVN, đã được điều động sang Jetstar Pacific để làm Chủ tịch HĐQT. Ông Lê Hồng Hà khi đó giữ chức Giám đốc Văn phòng miền Trung của HVN cũng được điều động sang Jetstar để làm Tổng giám đốc.
Dù vậy, từ năm 2012 đến 2016, Jetstar vẫn tiếp tục thua lỗ nặng. Đáng chú ý, ông Thành và ông Hà sau đó được điều động trở lại VN để giữ chức vụ cao hơn là Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc hiện nay. Dư luận có đặt câu hỏi về trách nhiệm của hai vị này đối với khoản lỗ tại Jetstar Pacific và vấn đề bổ nhiệm nhân sự ở đây.
Vietnam Airlines sẽ phải giải trình về việc để Jetstar lỗ "khủng" 4.000 tỷ đồng.
Trả lời vấn đề trên, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay từ tháng 2/2012, Jetstar Pacific được chuyển từ SCIC sang HVN. Kể từ thời điểm đó công ty này lỗ hơn 3.000 tỷ đồng.
“Trách nhiệm cá nhân hoặc trách nhiệm đối với việc lỗ này, chúng tôi sẽ đề nghị VNA báo cáo cụ thể rõ hơn, hàng năm có tính toán và có báo cáo tài chính. Nguyên nhân không phải do VNA sinh ra Jetstar Pacific mà để lỗ như thế. Hiện nay theo dõi các năm 2017, 2018 vừa rồi thì giảm lỗ rất nhiều. VNA đang cố gắng đến ngoài 2020 đơn vị này không lỗ nữa”, ông Nhật cho biết.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, trong giai đoạn 2008-2012, Jestar Pacific là liên doanh: phía Úc (Qantas Airlines) chiếm 30% và phía Việt Nam (Vietnam Airlines) chiếm 70%.
Từ 2012, SCIC bắt đầu bàn giao cho Vietnam Airlines. “Trong thời điểm bàn giao này chúng ta lỗ ròng 2.400 tỷ. Và sau khi bàn giao cho HVN, đến 2014 đã lãi được 8 tỷ và 2015 lãi 112 tỷ. Nhưng năm 2016 thì lỗ 901 tỷ do thị trường liên quan đến khách du lịch, trong đó có ảnh hưởng của Formosa. Năm 2017 lỗ 304 tỷ. Và năm 2018 lãi chút xíu, 34 tỷ. Như vậy tổng lỗ là 2.400 tỷ, cộng với 1.300 tỷ giai đoạn 2016-2017 thì là được 4.400 tỷ”.
“Kết quả cụ thể lỗ như thế nào thì trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải sẽ thông tin cho báo chí. Chúng tôi chỉ nêu lên viễn cảnh như thế thôi chứ chưa đặt vấn đề gì, nhưng tinh thần là chúng tôi rất tôn trọng và lắng nghe cơ quan báo chí. Nhân sự thì sang trong điều kiện như thế nào? Sang trong bối cảnh, điều kiện đã lỗ rồi, chứ không phải sang đó gánh cả cái lỗ, giai đoạn 2008-2012 rồi 2012-2018. Chúng tôi xin phép được thông tin công khai như thế để biết”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay.
Cuối năm 2018, trả lời báo chí, đại diện Jetstar từng cho biết lượng khách vận chuyển của hãng năm vừa rồi đã tăng thêm 14,3%, tổng doanh thu dự kiến đạt 9.100 tỷ đồng, tăng 21% (hơn 161 tỷ đồng) so với kế hoạch.
Tổng số chuyến bay khai thác tăng 10,8%, đạt trên 40.000 chuyến với tỷ lệ an toàn tuyệt đối 100%. Hệ số sử dụng ghế tăng hiệu quả thêm 2% và doanh thu hành khách tăng trưởng 27,6 % so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong quý 3/2018 Jetstar Pacific ghi nhận lượng khách nội địa tăng 31,7%, khách quốc tế tăng 18,5%.
Đặc biệt, trong quý 3/2018, Jetstar Pacific ghi nhận lượng khách nội địa tăng ấn tượng với 31,7%, khách quốc tế tăng 18,5%.
Hiếu Nguyễn (Người Đưa tin)