Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Các đại biểu thẳng thắn chỉ ra các vấn đề còn tồn tại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tiếp tục ngày làm việc thứ ba (10-12), kỳ họp thứ 8-HĐND tỉnh Gia Lai khóa X các đại biểu HĐND tỉnh với phiên thảo luận tại tổ và phiên thảo luận tại hội trường diễn ra vào buổi chiều cùng ngày. Thường trực HĐND tỉnh đã thông báo các ý kiến, kiến nghị của cử tri được tổng hợp qua các đợt tiếp xúc trước kỳ họp.

Ghi nhận nhiều vấn đề “nóng”

Trong buổi thảo luận tổ sáng 10-12, bên cạnh các ý kiến trong buổi thảo luận tổ chiều qua, nhiều ý kiến, kiến nghị của đại biểu tập trung vào các vấn đề “nóng” của địa phương cũng được các đại biểu tiếp tục đề cập.

 

Các đại biểu trong phiên thảo luận tại hội trường chiều 10-12. Ảnh: Lê Hòa
Các đại biểu trong phiên thảo luận tại hội trường chiều 10-12. Ảnh: Lê Hòa

Vấn đề quản lý chất lượng giống cây trồng, phân bón và vật tư nông nghiệp hiện vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Đại biểu Ksor Oét-Đoàn Đại biểu huyện Ia Grai, cho rằng, tỉnh nên xem xét lập những đơn vị chuyên sản xuất cây-con giống cung ứng cho bà con, thay vì “thả nổi” thị trường sản xuất, cung ứng cây-con giống như hiện nay. “Tỉnh ta là một tỉnh sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, nó tác động trực tiếp đến đời sống của phần lớn người dân trong tỉnh. Vậy nhưng thị trường cây, con giống gần như chưa có đơn vị nào của Nhà nước đứng ra ươm trồng để cung cấp, trong khi nhu cầu của người dân là rất lớn. Cứ để tình trạng mua bán tràn lan các loại cây, con giống không rõ nguồn gốc như hiện nay sẽ rất nguy hiểm, nếu chất lượng kém nông dân phải chịu thiệt hại lớn”-đại biểu Oét, nêu quan điểm.

Đại biểu Oét đề cập thêm, về hiện tượng tiêu chết hàng loạt và nhiều như hiện nay, liệu có hay không nguyên nhân do yếu tố cây giống không đảm bảo và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có vấn đề?

 

Đại diện UBND tỉnh thông báo kết quả trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp trước. Ảnh: Lê Hòa
Đại diện UBND tỉnh thông báo kết quả trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp trước. Ảnh: Lê Hòa

Cùng quan tâm tới vấn đề chất lượng giống, phân bón và vật tư nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Minh Phúc-Đoàn Đại biểu HĐND huyện Ia Pa, nêu ý kiến: “Chúng ta cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động buôn bán, sản xuất các sản phẩm phân bón và vật tư nông nghiệp, thực tế về các thôn, làng, thị trấn… có rất nhiều các loại hàng hóa song đa phần là hàng kém chất lượng”.

Đại biểu Phúc, nhấn mạnh thêm: Công tác khuyến nông được chúng ta triển khai nhiều, song hiệu quả thực tế lại chưa cao. Nguyên nhân là do nhiều chương trình không sát thực tế. “Nhiều chương trình triển khai chưa thực sự xuất phát từ thực tế và khả năng của địa phương, nên không đem lại hiệu quả như mong muốn. Ví dụ như ở Ia Pa, chúng ta lại đem triển khai thí điểm mô hình “nuôi tắc kè” hay “sử dụng phân urê và rơm để nuôi bò cao sản” là chuyện không mấy khả thi ở địa phương, chưa bàn đến sẽ tốn kém và gây dư luận nhân dân không tốt”-đại biểu Phúc, dẫn chứng.

Vấn đề quản lý và bảo vệ rừng được nhiều đại biểu đề cập. Trong 881 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trong năm qua, đã có tới 28 vụ phá rừng trái phép, 53 vụ vi phạm về quy định về khai thác gỗ và lâm sản khác. Tại buổi thảo luận tổ, nhiều đại biểu đã đưa ra nhận định, so với cùng kỳ năm 2013, số vụ vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng có giảm 137 vụ (13,5%) nhưng chưa đồng nghĩa với việc vấn đề vi phạm Luật quản lý, bảo vệ rừng đã “hạ nhiệt”.

Ông Nguyễn Nhĩ-Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, nhấn mạnh: “Mức độ vi phạm của các đối tượng ngày càng tinh vi, manh động và có tổ chức. Hơn nữa, chúng lợi dụng người đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tiếp tay cho thủ đoạn phá rừng của mình”. Ông Nguyễn Nhĩ cho biết thêm: Khi khai thác gỗ, các đối tượng đã chôn phần động cơ máy cưa xuống đất để giảm tiếng ồn. Sau khi xẻ gỗ ra từng miếng nhỏ, chúng thuê bà con người dân tộc thiểu số mang gùi vào vận chuyển. Với cách khai thác thủ công này, chúng rất dễ dàng qua mắt được cơ quan chức năng.

Đại biểu Nguyễn Nhĩ cũng đề cập đến những vấn đề còn tồn tại ở hai công trình hồ tưới là hồ Ia Mláh (huyện Krông Pa) và hồ Ia Mơr (huyện Chư Prông): “Hồ Ia Mlah dù đã đi vào hoạt động nhưng chưa khai thác được nhiều khả năng cung cấp nước tưới, tiến độ thi công hồ thủy lợi Ia Mơr còn quá chậm. Cần có giải pháp cụ thể để những công trình này phát huy hiệu quả”.

… Qua gần 2 ngày thảo luận sôi nổi, đã có trên 85 lượt ý kiến tham gia của đại biểu, trong đó có 70 lượt ý kiến của đại biểu HĐND và 15 lượt ý kiến của đại biểu các sở, ngành, địa phương. Các ý kiến đã bày tỏ sự đồng tình cao với các báo cáo của HĐND, các Ban của HĐND và UBND tỉnh; phấn khởi trước các kết quả đã đạt được trong năm 2014. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đóng góp quý báu đề cập tới những vấn đề còn tồn tại, gây nhiều bức xúc trong cử tri và nhân dân đã được các đại biểu thẳng thắn nêu lên tại kỳ họp.

 

Đại biểu Lê Thị Kiều Hạnh-Đoàn đại biểu thị xã An Khê phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Trần Dung
Đại biểu Lê Thị Kiều Hạnh-Đoàn đại biểu thị xã An Khê phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Trần Dung

Sôi nổi phiên thảo luận tại nghị trường

Qua các đợt tiếp xúc cử tri trước thềm kỳ họp, đã có 32 ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến các vấn đề thuộc các lĩnh vực kinh tế (21 kiến nghị), văn hóa-xã hội (9 kiến nghị), nội chính (2 kiến nghị). Đại diện UBND tỉnh cũng thông báo kết quả trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri từ kỳ họp trước.

Trong phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu của huyện Phú Thiện, An Khê, Ban Pháp chế-HĐND tỉnh, Công an tỉnh, TP. Pleiku đưa ra một số vấn đề liên quan đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội, công tác xử lý các sai phạm, tình trạng gia tăng các loại tội phạm, quy hoạch bảng giá đất TP. Pleiku giai đoạn 2015-2020…

Đại biểu Rah Lan Lâm-Phó Giám đốc CA tỉnh, thừa nhận: Tình hình an ninh-chính trị, trật tự an toàn xã hội, phạm pháp hình sự, tội phạm ma túy… trên địa bàn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, có sự xuất hiện của một số loại tội phạm băng nhóm, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”… Nguyên nhân một phần là do tỷ lệ lao động di cư từ các vùng khác đến, kéo theo tệ nạn xã hội. Ngoài ra, một bô phận thanh niên lêu lổng, lười làm, ham chơi, thiếu việc làm… phát sinh tệ nạn, gây phức tạp an ninh, trật tự trên địa bàn.

Về các ý kiến phản ánh tiến độ thi công một số tuyến đường còn chậm, nhiều tuyến đường liên tỉnh, huyện xuống cấp đã lâu xong chưa được sửa chữa, nâng cấp, đại biểu Nguyễn Trung Tâm-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, cho biết: Tỉnh cũng như trung ương đang dồn sức tập trung, chỉ đạo sát sao và khẩn trương việc thi công và hoàn tất thi công một số công trình trọng điểm: QL14, QL19, QL25… Riêng với các tuyến tỉnh lộ như 664 (Ia Grai), 670B (Đak Đoa)… sẽ được sửa chữa, nâng cấp theo quan điểm “hư đâu, vá đó”; riêng các tuyến đường đi vào các đồn biên phòng Ia H’Lốp, Ia Mơr, Ia Púch thường lầy lội về mùa mưa… sẽ đầu tư nâng cấp, sửa chữa kịp thời, phục vụ nhu cầu nhân dân đi lại. Bên cạnh đó, dự án nâng cấp đường cất-hạ cánh, đường lăn sân bay Pleiku sẽ được triển khai với tiến độ tối đa. Hiện nay đã hoàn thành việc di dời, sẽ cố gắng phấn đấu xây dựng cảng hàng không Pleiku trở thành cảng hàng không quốc tế, tạo động lực thu hút đầu tư, rút ngắn thời gian đi lại…

Ông Lương Thanh Đức-Trưởng ban Pháp chế-HĐND tỉnh, nhấn mạnh về các vấn đề liên quan tới quản lý người cai nghiện; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; tình hình buôn lậu, xã hội hóa lao động và việc làm, dự án thủy điện…

Ông Đức cho biết: “Việc giáo dục, quản lý người cai nghiện tại cộng đồng không thể ỷ lại vào các lực lượng chức năng mà phải dựa vào ý thức của đối tựng cai nghiện và sự cảm thông, giúp đỡ của cộng đồng. Riêng vấn đề giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tôi thấy còn bất cập ở tuyến cơ sở. Các cấp huyện, thị xã chưa phân loại chính xác các đơn thư khiếu nại, không ban hành các quyết định giải quyết vụ việc”.

Cũng theo ông Đức, để giải quyết tình hình chống buôn lậu, xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì cần phải tăng cường thêm nhiều phương tiện nghe, nhìn. Ngoài ra, hiện nay con em trên địa bàn tỉnh ra trường chưa có việc làm. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ xảy ra nhiều vấn đề không hay. Bởi vậy, phải tạo ra những cơ sở ngành nghề thủ công để giải quyết phần nào bộ phận lao động này.

Ngày mai (11-12), các đại biểu sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn và bế mạc kỳ họp. GLO sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Nhóm P.V

Có thể bạn quan tâm