Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Cách thể hiện tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tầm này mọi năm, TP. Pleiku cũng như nhiều nơi khác, người dân đã sôi nổi tổ chức lễ Thanh minh. Nhưng năm nay, hưởng ứng chủ trương không tụ tập đông người để phòng tránh Covid-19 nên các khu dân cư gần như “án binh bất động”. Cũng có bàn ra tán vào, ít nhiều thảo luận nhưng trước chỉ thị của Chính phủ, UBND tỉnh nên nhân dân các xã, phường đều nghiêm túc chấp hành. Nhiều ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng, loa phóng thanh của phường, xe tuyên truyền lưu động của thành phố, ban nhân dân khu phố, thôn, làng đến từng nhà nhắc nhở người dân đề cao trách nhiệm phòng-chống dịch, hạn chế ra đường, không tụ tập đông người.
“Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”
(Nguyễn Du)
Tuy vậy lẻ tẻ vẫn có khu phố, con đường, nhất là khu vực ngoại vi tổ chức cúng Thanh minh. Như mới đây, khu vực đường Mạc Đăng Dung (phường Hội Phú, TP. Pleiku), chúng tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy một mâm cỗ bày bên lề đường. Mâm cỗ chủ yếu hoa quả, mấy món đơn giản bày trên một chiếc bàn nhỏ. Điều lạ là ngó qua ngó lại, không thấy ai xuất hiện. Có lẽ họ sợ vi phạm lệnh “giới nghiêm” không tụ tập đông người. Qua tìm hiểu, người viết cũng biết một số nơi bà con có ý định gom góp vài chục ngàn đồng mua hoa quả bày cúng Thanh minh. Họ “lý luận” mọi năm cúng, năm nay không, thấy... khó coi (?). Cúng là để cầu cho các oan hồn uổng tử, trận vong, tên bay đạn lạc... được siêu thoát, phù hộ độ trì bà con có cuộc sống ổn định, mạnh khỏe, tránh kiếp nạn tai, rủi xui. Nhiều lý do nữa nhưng tất nhiên ở khu phố tôi, tôi không tán thành và khuyên bà con nên chấp hành quy định chung: Không cúng!
Ảnh minh họa: Internet
Những năm trước, Thanh minh hầu như kéo dài cả tháng. Đường nào cũng cúng. Đường nào càng dài, càng đông nhà cửa, cơ sở kinh doanh làm ăn lớn, càng nhiều ngã ba, ngã tư, ngã năm thì lại càng cúng dữ. Chia đoạn ra mà cúng, hôm qua đầu đường, hôm sau giữa đường, hôm sau nữa cuối đường. Rạp dựng lên, bàn ghế soạn ra, nhạc nhã tưng bừng, có khi kéo dài từ sáng đến đêm. Không biết bao nhiêu phần trăm thành kính trong tấm chân tình dành cho linh hồn người đã khuất nhưng dẫu sao thể theo tục lệ “Thanh minh trong tiết tháng ba”, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, “cầu điều lành, tránh điều ác”, người viết cho rằng vẫn chấp nhận được. Bởi trên toàn cục, đời sống khá lên, có dư dả bà con mới hưởng ứng, mới gom góp kẻ ít người nhiều mua sắm vật phẩm, lễ lạt, dành thời gian chuẩn bị, chế biến, bày soạn và tổ chức cúng Thanh minh. Sau nghi lễ dành cho người đã khuất, bà con còn có dịp gặp gỡ giao lưu, liên hoan, thăm hỏi, chia sẻ bao chuyện buồn vui gia đình, xã hội, bản thân mà ngày thường chưa có dịp trút bầu tâm sự. Mối liên hệ giữa các thành viên trong cộng đồng vì vậy có cơ hội thắt chặt, gắn bó, nhất là khi  cuộc mưu sinh trong thời buổi cơ chế thị trường đang âm thầm làm giãn rộng khoảng cách giữa họ. Vậy nên, ngoại trừ phê phán quyên góp vô tội vạ, nặng mê tín dị đoan, làm mất an toàn giao thông, trật tự xã hội thì tổ chức cúng Thanh minh là nhu cầu tự thân.
Như nhiều lần diễn ra, Thanh minh năm nay lại gần với ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch) nên càng thêm ý nghĩa. Đây là mùa đẹp nhất trong năm, giao hòa giữa đất trời với con người và tạo vật, giữa xưa với nay, giữa truyền thống và hiện tại, giữa ông bà tổ tiên với cháu con muôn đời... Đây cũng là thời điểm cả đất nước hân hoan chào đón kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4). Nếu không vì dịch Covid-19 thì rõ ràng, không chỉ Thanh minh mà nhiều sự kiện, lễ hội, hoạt động khác sẽ diễn ra sôi nổi và hào hứng hơn nữa.
Nhưng hiện tại đang là cao điểm phòng-chống dịch Covid-19, là thời điểm vàng để khắc chế tiến đến tiêu diệt hoàn toàn dịch bệnh. Vì vậy, chấp hành chỉ thị của Chính phủ, không tổ chức Thanh minh là bày tỏ mạnh mẽ sự ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước, là sự thể hiện sinh động và thuyết phục của tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, tình dân tộc, nghĩa đồng bào. 
THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm