Cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng: Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cai nghiện ma túy không chỉ giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng mà còn là điều kiện để xây dựng môi trường sống an toàn, góp phần hạn chế tiêu cực và các loại tội phạm nảy sinh. Tuy nhiên, việc cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng ở huyện Ia Grai (Gia Lai) gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Tính đến tháng 8-2018, huyện Ia Grai có trên 100 người liên quan đến ma túy. Trong đó, xã Ia Hrung và thị trấn Ia Kha là 2 địa bàn trọng điểm với 40 người đang cai nghiện tại cộng đồng.
Chủ yếu là tuyên truyền, vận động
Huyện Ia Grai là một trong những địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy của tỉnh, chỉ đứng sau TP. Pleiku. Vì vậy, mới đây, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã chọn địa phương này để tổ chức tập huấn về công tác phòng-chống ma túy và quản lý người nghiện ma túy.
 Tập huấn về công tác phòng-chống ma túy và quản lý người nghiện ma túy cho cán bộ các xã, thị trấn ở huyện Ia Grai. Ảnh: Đinh Yến
Tập huấn về công tác phòng-chống ma túy và quản lý người nghiện ma túy cho cán bộ các xã, thị trấn ở huyện Ia Grai. Ảnh: Đinh Yến
Tại lớp tập huấn, ông Cao Minh Quyết-Trưởng Công an thị trấn Ia Kha-cho biết: Công tác cai nghiện tại cộng đồng trên địa bàn thị trấn mới chỉ dừng lại ở khâu tuyên truyền, vận động, khám sức khỏe và lập hồ sơ quản lý, theo dõi là chủ yếu do chưa có cơ sở điều trị. Nghị định 94/2010/NĐ-CP ngày 9-9-2010 của Chính phủ quy định, trường hợp không có cơ sở vật chất để tổ chức điều trị cắt cơn thì Chủ tịch UBND cấp xã đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định xây dựng cơ sở phù hợp với nhu cầu, khả năng của địa phương. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở điều trị cắt cơn của địa phương là vấn đề nan giải do thiếu kinh phí. Việc điều trị cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng theo quy định cũng phải do bác sĩ được đào tạo, tập huấn chuyên môn và được Sở Y tế cấp chứng chỉ; áp dụng đúng bài thuốc, phác đồ điều trị cắt cơn cai nghiện ma túy do Bộ Y tế ban hành. Thế nhưng, trên địa bàn huyện đến nay chưa có bác sĩ nào được tập huấn về công tác này.
“Năm 2016, thị trấn đã thành lập tổ công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng nhưng để giúp người nghiện cắt cơn, tự cai nghiện tại gia đình, cộng đồng rất khó. Đơn giản như việc triệu tập các đối tượng này cũng đã khó lắm rồi. Đó là chưa kể, thuốc điều trị cắt cơn và cai nghiện đến nay vẫn chưa được hỗ trợ. Trên địa bàn thị trấn có đến gần 100 người liên quan đến ma túy, tổ công tác cai nghiện ma túy đã tiến hành lập hồ sơ 30 trường hợp và đề nghị ra quyết định cai nghiện bắt buộc tại gia đình, cộng đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, chưa có trường hợp nào cai nghiện thành công”-ông Quyết thông tin.
Thời gian qua, hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng cũng được nhiều gia đình có người nghiện ở xã Ia Hrung lựa chọn nhưng hiệu quả mang lại chưa như mong muốn. Xã Ia Hrung hiện có 29 đối tượng liên quan đến ma túy, trong đó có 2 người cai nghiện tại cộng đồng, còn lại là cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện và đi nơi khác sinh sống. “Tuy nhiên, việc tổ chức cai nghiện lâu dài vẫn là một vấn đề khó bởi chi phí để mua thuốc điều trị  “quá sức” với hoàn cảnh gia đình của những người này”-ông Phạm Văn Phúc-Phó Trưởng Công an xã Ia Hrung-cho biết.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
“Các thành viên của tổ công tác cai nghiện thị trấn Ia Kha chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm nên việc bố trí thời gian cũng như triển khai các hoạt động chuyên môn, nhất là các hoạt động liên quan đến quản lý, tư vấn cho người cai nghiện, tổ chức điều trị cắt cơn, giải độc còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Mặt khác, quá trình rà soát, thống kê, tập hợp số liệu người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do người nghiện không có nơi cư trú ổn định, thường vắng mặt tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nhất là các đối tượng thường đi làm ăn xa gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý. Kinh phí hoạt động cho tổ công tác cai nghiện cũng không được bố trí. Cùng với đó, cơ sở vật chất, trang-thiết bị phục vụ cai nghiện tại gia đình và cộng đồng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức”-ông Cao Minh Quyết nhấn mạnh thêm.
Ngoài những vướng mắc, bất cập nêu trên, theo ông Phạm Văn Phúc: “Việc kỳ thị xa lánh của cộng đồng đối với người nghiện ma túy trên địa bàn cũng gây nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động. Cùng với đó, người nghiện thường hoạt động lén lút, né tránh nên việc tập hợp họ để lập hồ sơ rất khó”.
Theo ông Trịnh Cầm Ân-cán bộ Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội): “Sau nhiều năm chăm sóc sức khỏe cho người nghiện ma túy, tôi thấy họ ngày càng trẻ hóa. Hiện nay, tình trạng nghiện heroin giảm rõ rệt nhưng số người sử dụng ma túy tổng hợp, nhất là nghiện cỏ Mỹ lại tăng chóng mặt. Khi đã nghiện ma túy thì dẫn đến rối loạn tâm thần, biến đổi nhân cách, ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe và có thể dẫn đến cái chết”.
Nghị định 94 của Chính phủ đã quy định chi tiết trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, chính quyền, đoàn thể các cấp, nhất là xã, phường, thị trấn trong việc chủ động giúp đỡ người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; tạo việc làm, hỗ trợ vốn sau cai nghiện để họ phát triển kinh tế nhằm từng bước ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và phòng-chống tái nghiện. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, ông Nguyễn Văn Hải-Trưởng phòng Phòng-chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng: “Rất cần sự tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá, quan tâm hỗ trợ vật chất, kinh phí của chính quyền địa phương. Đồng thời, phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể và người dân tại nơi cư trú trong việc vận động người nghiện và gia đình chủ động khai báo và đăng ký các hình thức cai nghiện phù hợp”.
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm