Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Cắm câu mùa lụt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ký ức về những mùa lụt năm nào dường như chưa phai mờ trong tôi với câu đồng dao: “Nước dâng ngập bãi trắng đồng/Cắm câu giăng lưới ngồi trông cá về/Lâm thâm mưa rét tứ bề/Thơm mùi cá nướng chiều quê ấm lòng”. Nhớ khi tôi cùng lũ bạn ở quê mang tơi đội nón ra đồng cắm câu giăng lưới bắt cá. 
Nó vừa như thú vui của thời tuổi thơ vừa có thực phẩm tươi cải thiện bữa ăn của gia đình. Thuở ấy, nhớ câu “chim trời cá nước” nơi cửa miệng dân gian ở vùng quê nghèo của tôi, quả không sai chút nào! Mỗi mùa lụt về, nước dâng tràn các con sông, con suối, ngập trắng cánh đồng sau mùa gặt. Cá từng đàn theo nước lũ ùa về như lộc trời ban khiến dân làng tôi được vụ cá đồng đỏ bếp. Người thì cất vó, thả lờ, người thì thả câu, giăng lưới… ai cũng háo hức với những giỏ cá đầy, nào là cá chép, cá rô, cá bống, cá lóc, cá trê… quẫy tưng bừng, con nào con nấy béo ngậy.
Tôi và đám bạn học cùng xóm tranh thủ ngày nghỉ, lùa bò lên gò thả rông rồi rủ nhau xuống đồng, nơi có bờ thổ cao nước lụt đang còn mấp mé, vừa móc mồi cắm câu vừa đi tìm chỗ đặt lờ, chà di bắt cá. Sống ở vùng nông thôn, bên cạnh các loại cày, cuốc, gàu giai, gàu sòng… nhà nào cũng sắm đầy đủ ngư cụ như: cần câu, lờ, giẹp, đó, vó, lưới… có thể sử dụng đánh bắt cá nước ngọt bốn mùa. Đa phần những dụng cụ đánh bắt thủ công này là tự đan lát bằng tre, nứa. Bấy giờ, chúng tôi bốc thăm tự chia lãnh địa theo phương hướng trên cánh đồng để mỗi đứa theo đó mà đánh bắt cá, không giẫm chân lên nhau. Cứ cách vài giờ sau, chúng tôi lại đi thăm đồng, được con cá nào đem về tập trung lại khoe chiến tích, rồi sau đó góp cá để cùng thổi lửa làm món cá nướng liên hoan. Nhóm bạn chăn bò chúng tôi ngày ấy, đứa nào cũng có tay “sát cá” nên sau một ngày quần thảo với cánh đồng nước lụt ướt mẹp, bù vào đó, chiều về trong giỏ mang theo đều đầy ắp cá tươi đủ loại. Cá lóc, cá rô thì thường cắn câu, còn mắc lờ, chà di thì đa dạng, có cả cá chép nặng cả ký trông hấp dẫn vô cùng. Trong số đám bạn thả câu đồng, tôi là đứa chậm chạp và ít may mắn hơn nhưng giỏ cá của mình cũng oằn tay, được mẹ khen vì đỡ đần vài buổi chợ.
Minh họa: Huyền Trang
Cái thú cắm câu mùa lụt là được nhìn thấy con cá mắc câu quẫy lộn trên mặt nước, chúng kéo vít cần câu như muốn bứt cước, gãy cần. Đó là phút giây hồi hộp nhất khi chúng ta nhấc cần lên và đưa vợt bắt cá. Nhiều lần do chủ quan, tôi không mang theo vợt, khi gặp những con cá lóc lớn cắn câu, quẫy mạnh làm đứt cả cước, lưỡi câu và con cá biến mất trong sự tiếc nuối. Thêm nữa, vì nhiều lần mất cần câu, tôi cứ tưởng là bị lũ bạn lấy trộm cả cần và cá mắc câu. Nhưng suy nghĩ lại thì không phải vậy.
Mùa lụt mang lại nhiều nỗi khổ, đặc biệt gặp năm lũ lớn, sạt lở, vỡ đập thì hậu quả khôn lường. Nhưng thường thì người quê từ bao đời nay sống chung với bão lũ nên cũng dễ thích nghi với mọi hoàn cảnh. Chúng tôi, bao lớp trẻ lớn lên trong bão lũ, quen dần với nắng mưa nên trong cái khổ tận lại vô tư biến thành niềm vui; học tập cha ông biết tận dụng cái bất lợi thành lợi thế để hòa nhập cùng thiên nhiên, giúp cuộc sống trở nên bình thường, an nhiên. Do vậy, mỗi năm đến mùa lũ lụt, chúng tôi lại được dịp trổ nghề đánh bắt cá đồng và thi nhau thả câu, giăng lưới. Nhớ những bữa cơm mùa lụt với niêu cá lóc kho nghệ thơm lừng, đĩa cá rô nướng dầm nước mắm ớt tươi ngon, hấp dẫn cùng lọ muối cà thì cả nhà ăn không biết no.
Ngày nay, có dịp trở lại quê nhà mỗi mùa mưa lụt, tôi không còn thấy lũ trẻ ngồi vót cần câu, đan lờ, làm đó... Có thể cuộc sống hiện đại đã làm đổi thay tất cả, kể cả nhu cầu và thú vui đồng quê đã khác xưa nhiều.
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm