Vụ sầu riêng năm nay không chỉ giúp các chủ vườn "được mùa, được giá" mà còn giúp các lao động thời vụ có thu nhập cao. Ảnh: Phương Anh |
“Gõ” sầu riêng - tưởng dễ mà khó
Xuân Hòa, Ba Trinh được xem là thủ phủ sầu riêng của tỉnh Sóc Trăng với diện tích trên 1.000 ha. Vào chính vụ, mỗi ngày, lượng sầu riêng thu hoạch của từng vườn có thể đạt vài tấn trái. Đây cũng là thời điểm tạo thu nhập ổn định cho lao động tại các địa phương.
Tranh thủ thời gian rảnh anh Nguyễn Văn Bé Tám ở tỉnh Tiền Giang theo các thương lái thu mua sầu riêng ở Kế Sách. Công việc của anh là “gõ” sầu riêng.
Nhân công có thu nhập từ 1 - 1,3 triệu đồng/ngày từ công việc gõ - hái sầu riêng. Ảnh: Phương Anh |
Chỉ với chiếc dao Thái Lan trong tay, anh Tám thoăn thoắt trèo lên cây cao, dùng cán dao gõ từng trái sầu riêng đủ tuổi. Cứ thế, trung bình mỗi ngày anh hái khoảng 7 tấn trái.
Anh Tám chia sẻ: Thông thường, chỉ cần ngửi mùi thấy thơm là biết sầu riêng đã chín. Nhưng cái tài của người hái là phải biết thẩm định độ chín của trái từ lúc còn chưa ngửi thấy mùi thơm. Như gõ dao lên trái nghe “bộp bộp” tức là trái đã bắt đầu chín buộc phải loại ra để tiêu thụ ở thị trường gần nhằm bảo đảm chất lượng khi đến tay người tiêu dùng. Khi tiếng gõ nghe chát, cứng “coong coong”, “boong boong” nghĩa là trái sầu riêng chưa chín.
Theo anh Tám, thông qua việc gõ, thợ hái phải hiểu và cảm nhận được trái đã già đủ độ để cắt hay chưa. Bởi trái già có giá trị cao, có thể vận chuyển, tiêu thụ tại các thị trường cao cấp, mang lại lợi nhuận lớn cho thương lái.
Chính điều này đã làm nên giá trị cho nghề thu hoạch sầu riêng. Anh Tám cho biết công việc có phần tùy thuộc từng vườn, độ cao của cây. Những cây lâu năm, cao, tán lá lớn sẽ khó hái. Ngược lại, những cây sầu riêng mới cho trái chiến được vài năm thì dễ thu hoạch hơn. Với công việc này, mỗi ngày anh được trả công từ 1 - 1,3 triệu đồng.
Lương cao nhưng việc không nhẹ
Cũng canh tác sầu riêng nhưng cây chưa đến tuổi cho trái, những ngày này, anh Trần Tự Lượng ở xã Ba Trinh cũng đến những vườn sầu riêng trong xóm để phụ giúp chủ vườn.
Anh Lượng cho biết, với công việc này anh vừa học hỏi thêm kinh nghiệm trồng trọt, canh tác của nhà nông vừa có thêm nguồn thu nhập phụ. Với công việc vận chuyển, thu gom như anh sẽ được chủ vườn trả công từ 300 - 700 ngàn đồng/ngày. Ở nông thôn, mức thu nhập này cũng đã được xem là rất khá.
“Tuy là công việc thời vụ nhưng so với việc làm ổn định thì thu nhập cao hơn rất nhiều. Mình phụ các vườn một tháng cũng thu nhập được vài triệu đồng, trang trải cuộc sống và lấy vốn để về làm ăn”, anh Lượng cho biết.
Nhân công thu gom, vận chuyển sầu riêng cũng có thu nhập từ 300.000 - 700.000 đồng/ngày. Ảnh: Phương Anh |
Theo nhà vườn, thu hoạch sầu riêng không giống như những cây ăn trái khác vì đây là loại trái nhiều gai, việc hái, thu gom cũng khó hơn vì vậy cần nhiều nhân công lao động.
Vào những ngày thu hoạch, mỗi vườn đều có gần chục người để gõ, hái, hứng, thu gom, vận chuyển. Tùy vào công việc sẽ có mức giá phù hợp.
Thông thường, người trèo cây để gõ và hái trái được trả công cao nhất, khoảng 1 - 1,3 triệu đồng/ngày. Các công việc còn lại thường được trả công từ 300.000 - 700.000 đồng/ngày, bên cạnh đó còn được chủ vườn hỗ trợ ăn, uống. Mặc dù công việc có phần khó khăn, vất vả nhưng ai nấy cũng đều hi vọng chủ vườn trúng mùa trúng giá thì họ cũng có thu nhập.
Dự kiến, vụ sầu riêng tại Kế Sách còn thu hoạch kéo dài đến giữa tháng 6. Năm nay sầu riêng không chỉ mang lại cho chủ vườn niềm vui được mùa, được giá mà còn mang lại thu nhập tốt cho các lao động thời vụ tại địa phương.